Hơn 3 năm sau ngày cho độc giả cùng Nghiêng tai dưới gió (tên tập tạp văn được xuất bản năm 2006) nghe chuyện đồng bằng, nhà thơ Lê Giang  - người dành cả cuộc đời mình đi sưu tầm dân ca (đoạt Giải Mai Vàng lần thứ VI - 2000) - đã trở lại với tác phẩm mới 'Còn khóc ngon lành' (do NXB Trẻ ấn hành).

Ký ức không bao giờ cũ

Nếu như với Nghiêng tai dưới gió, Lê Giang đưa người đọc về tận mũi đất Cà Mau với cá chốt giấy, sông Gành Hào, với những người quê “cười nói rổn rảng” mà hồn hậu, chân tình; thì ở Còn khóc ngon lành, tác giả dành nhiều yêu thương cho gia đình, những người bạn đã gắn bó với bà qua một chặng đường dài.

Ký họa nhà thơ Lê Giang trên bìa sách

Sẽ có ai đó bất chợt nhìn thấy mình “hồi nảo hồi nao” trong chuyện của Lê Giang và cùng “khóc ngon lành” với những ngày xa lắc xa lơ đã không thể nào còn tìm lại được, khi đọc Nửa chừng nhớ bạn miền Trung, Hát với hừng đông, Thầy Năm chợ mới, Khúc đồng dao dành cho cô  Tấm, Từ gánh hát sơn đông đến vai người điên, Qua cầu soi bóng... 

Mỗi một câu chuyện như là một tiếng khóc của tác giả dành cho ký ức. Những mảng ghép quá khứ được kể lại bằng những giọt nước mắt của nỗi thương nhớ âm thầm và long lanh hạnh phúc. Không ai gọi tên ký ức giữa những lo toan thường ngày nhưng ký ức là nơi để người ta tìm về, cần cho những khoảng lặng yên bình để dỗ dành cuộc sống. Lê Giang thả mình vào dòng sông nỗi nhớ và mặc sức đắm mình trong những tháng ngày mà bà đã sống, đã cống hiến hết mình, để được tìm thấy biết bao gương mặt cũ.

Đã kể rất nhiều câu chuyện từ những chuyến đi nhưng ở mỗi tập tạp văn của mình, Lê Giang lại có thể kể hàng loạt câu chuyện mới. Cứ như thể có cả một kho tàng ký ức không bao giờ cạn. Khi thì kể về những người đồng hành với bà đi tìm dân ca, lặn lội từ miệt vườn, sông nước đến đồi cao, đi sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc; khi chỉ xoáy những thương yêu nhung nhớ vào dải đất miền Nam; lúc lại là cái tình cái nghĩa giữa người với người, rồi ngòi bút lại xoay về phía gia đình...

Thơ văn thấm đẫm làn điệu dân ca

Lê Giang bảo duyên nghiệp dân ca của bà bắt đầu từ những ngày “bị” nhạc sĩ Lư Nhất Vũ “hành hạ” bằng cách “ngày nào cũng phải nghe ổng mở băng ký âm nghe người già hát, nghe cả tiếng hút thuốc, ngoáy trầu lẫn trong tiếng hát... riết rồi thấm vô người hồi nào không hay”. Những chuyến đi sưu tầm không ngừng nghỉ, Lê Giang không chỉ mang về thành quả dân ca cho dân tộc mà còn là những trải nghiệm khó quên để hòa mình vào với văn chương.

Không hề mở một con đường hoa mỹ cho ngôn ngữ, câu chữ của Lê Giang cứ mặc nhiên “tuôn ra” theo kiểu có gì kể nấy, phóng khoáng và cởi mở như chính tính cách của con người sông nước. Chính sự dung dị, gần gũi ấy tạo nên một phong cách tạp văn Lê Giang không lẫn vào đâu được.

Nơi căn phòng nằm ở tầng 6 chung cư, ngày ngày nhà thơ Lê Giang vẫn ngồi bên bàn viết, ở phía nhìn ra khung cửa nắng có đàn chim về làm tổ trên những tán cây – mà bà gọi đó là “những người bạn thân thiết” của mình. “Đề tài thì không bao giờ cạn.

Cuộc đời đã có quá nhiều kỷ niệm, dư âm tháng ngày vẫn còn vọng mãi trong ký ức mà bây giờ chỉ cần ngồi vào bàn viết là những trang chữ có thể chảy tràn ra theo cảm xúc”. Nhà thơ hay đùa mình “viết nhảm nhảm” chơi, nhưng những ngày “nhảm nhảm” đã trở thành các tập tạp văn: Lang thang gió cát, Gặp gì ăn nấy, xin mời!, Bút ký điền dã... (NXB Trẻ ấn hành năm 2000, bên cạnh những công trình biên soạn về ca dao dân ca).

Có một Lê Giang của thơ, của dân ca, của những ước vọng lớn lao trong hành trình điền dã ở khắp mọi miền đất nước, sưu tầm những làn điệu dân ca để lại cho đời. Nhưng cũng có một Lê Giang bình dị, gần gũi chan hòa, sống với cảm xúc nhẹ nhàng vun vén yêu thương của một người vợ, người mẹ và một người con xa của đất đồng bằng. “Trong nhà phải yên thì nước mới vững” – đó là cách bà đã nghĩ và đã sống. Trong Còn khóc ngon lành, Lê Giang thả những yêu thương bao dung sâu sắc của mình vào đó, cho người bạn đời, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, cho con cháu...

Giải thưởng lớn nhất

Với nhà thơ Lê Giang, giải thưởng lớn nhất trong đời là nhận được tình cảm thương mến của bao người ở khắp mọi miền. Và một niềm hạnh phúc lớn lao khi những câu chuyện của bà trải trên trang viết đã đến được với độc giả bình dân. Đó chính là nhờ sự hài hước trong cách kể chuyện; sự gần gũi với văn hóa, không gian và con người chân chất của miền sông nước; thấm thía cái tình cái nghĩa với làng, với đất và tình cảm vun vén cho gia đình, từ những điều tưởng chừng như vô cùng nhỏ nhặt của đời thường.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhận xét: “Những làn điệu dân ca đã thấm đẫm trong thơ văn của Lê Giang, cứ như là những cơn mưa dầm thấm đẫm ắt phải thấm sâu. Muốn làm cho giọng điệu khác đi, chắc sẽ mai một mối cảm tình đã thành gần gũi thân quen khi đọc tác phẩm của chị”.

 
Theo Tiểu Quyên (NLĐ)

nguyenty


Video đang được xem nhiều