Lý do HSBC 'chia tay' Bảo Việt

Lợi suất đầu tư thấp, thiếu sự nhận diện sản phẩm, Bảo Việt còn có ngân hàng riêng nên sẽ là đối thủ với HSBC.

15.5808

Mối lương duyên giữa HSBC và Tập đoàn Bảo Việt (BVH) có vẻ sắp kết thúc sau khi HSBC ngỏ ý muốn chia tay.

Lượng cổ phiếu BVH mà HSBC đang nắm giữ đạt khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên, HSBC kỳ vọng sẽ bán được với giá cao hơn nhờ vào vị thế thị trường của Tập đoàn Bảo Việt và tiềm năng nâng cổ phần nắm giữ tại tập đoàn này trong tương lai.

Sumitomo Life là một trong bốn công ty bảo hiểm lớn nhất của Nhật. Một vài công ty khác có thể sẽ tham gia chào mua số cổ phần HSBC đang nắm giữ nhưng danh tính chưa được tiết lộ. HSBC và Sumitomo Life đều từ chối bình luận về tin này.

Tuy nhiên có thực nhờ vị thế và tiềm năng của BVH trong tương lai mà HSBC “chào” giá cao như vậy? Và lý do gì khiến HSBC muốn “ra đi” trong khi trước đó 2 bên bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác và HSBC có thể sẽ mua thêm cổ phần BVH?

Theo Fiachra Mac Cana, Giám đốc nghiên cứu của HSC, HSBC Insurance (khu vực Châu Á Thái Bình Dương) đang đàm phán với Sumi-tomo Life của Nhật Bản để thoái toàn bộ vốn (là 18%, tương đương 122.509.091 đơn vị cổ phần) tại BVH. Tại mức giá hiện tại là 43.000 đồng một cổ phiếu, số cổ phần của HSBC tại BVH là 5.267,89 tỷ đồng (252,65 triệu USD).

Mối lương duyên HSBC và BVH sắp kết thúc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, do giá mua vào cao nên HSBC muốn bán số cổ phần trên với giá cao hơn giá thị trường dựa trên vị thế thị trường mạnh và triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt của BVH.

HSBC kỳ vọng bán số cổ phiếu trên với giá trị 400 triệu USD, tương đương 68.000 đồng một cổ phiếu (HSBC đã mua số cổ phần trên với giá 360 triệu USD). HSBC đã mua 10% cổ phần BVH vào năm 2007 và sau đó mua thêm 8% nữa từ Bộ tài chính trong năm 2009.

Tỷ lệ 18% là tỷ lệ cổ phần lớn nhất mà một ngân hàng nước ngoài có thể mua tại một định chế trong nước. Tuy nhiên, giống như với các thương vụ mua cổ phần khác thuộc dạng này, HSBC chắn chắn đã không có nhiều ảnh hưởng tại Ban giám đốc hay Hội đồng quản trị.

Trên thực tế, ANZ đã thoái vốn khỏi STB năm ngoái và HSC cho rằng ANZ cũng đã không hài lòng về mức độ ảnh hưởng của mình tại STB trong việc phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

“BVH và HSBC theo chúng tôi về bản thất là không thực sự phù hợp và hiện tại với việc BVH có ngân hàng riêng. Trong tương lai sẽ có khả năng cạnh tranh giữa Ngân hàng Bảo Việt (là một ngân hàng nhỏ) và HSBC tại Việt Nam và cả với Techcombank (HSBC cũng nắm 1 tỷ lệ lớn cổ phần). Do đó, việc thoái vốn là có cơ sở đối với cả 2 bên vì BVH sẽ có một đối tác cùng ngành thay vì HSBC và điều này sẽ tốt hơn cho BVH. BVH có vị thế thị trường mạnh nhưng có lợi suất đầu tư thấp và có lẽ thiếu sự nhận diện sản phẩm,” HSC nói.

Trong năm dự báo lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BVH sẽ đạt 1.494 tỷ đồng (giảm 1,7%). Việc trích lập dự phòng phí và dự phòng toán học sẽ quay trở về mức trung bình và do đó lỗ từ nghiệp vụ bảo hiểm sẽ giảm xuống 333,5 tỷ đồng (giảm 79%).

Theo đó, ước tính lợi nhuận từ đầu tư tài chính sẽ đạt 1.573 tỷ đồng (tăng 7,2%), chiếm 105,3% lợi nhuận trước thuế. Và lợi suất đầu tư ròng sẽ tăng nhẹ từ 5,5% năm 2011 lên 6,2% năm 2012. Dự báo lợi nhuận thuần từ hoạt động ngân hàng sẽ giảm 20% xuống 344 tỷ đồng. Dự báo EPS hợp nhất 2012 sẽ đạt 1.678đồng một cổ phiếu (giảm 1,9%).

Trong khi đó, theo Công ty chứng khoán SSI, trong quý 1, BVH công bố 626 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 81,5% so với cùng kỳ năm 2011. Doanh thu tương ứng đạt 3.973 tỷ đồng, tăng 18,1% bất chấp những khó khăn của nền kinh tế.

(Theo NDH Money)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]