Lý giải về chuyện tập thiền chữa ung thư: Sự ngộ nhận hay nhầm lẫn trong y học?

15.6023
Sự bấu víu vào niềm tin và sự kỳ diệu
Trong một vài trang báo mạng có đăng tải về một nhân vật ở Lào Cai bị bệnh ung thư phổi. Ông ta ho ra máu nhiều, sức khoẻ ngày càng suy kiệt. Nhà nghèo, ông không có tiền chữa bệnh mà vẫn phải đi làm lấy tiền nuôi con. Rồi theo đoàn người qua Trung Quốc, với thân hình tiều tuy, ông đã gặp được một vị thầy. Ông ta đưa sang Tây Tạng tập luyện, thiền với nhiệt độ dưới 0oC nhiều năm liền. Sau này, ông ta khỏi bệnh và trở thành “thần y” với bài thuốc chữa ung thư giúp người bệnh khắp nơi. Câu chuyện chỉ là lời kể của nhân vật nên cũng không rõ sự chẩn đoán của bác sỹ ban đầu đúng hay sai. Vậy nhưng, nhiều người tin ngồi thiền là điều gì đó thật kỳ diệu, nó có thể cứu con người thoát khỏi bệnh nan y.
Nhạc sỹ Phú Quang cũng đã từng nhận “án tử” khi bác sỹ chẩn đoán ông bị ung thư. Sau ngày nhạc sỹ khoẻ lại sau cơn đột quỵ, hỏi về sức khoẻ  ông khôi hài: “Trong cuộc đời này là tôi chết đi, sống lại nhiều lần nên thêm một lần nữa, lần thứ 7 cũng... chẳng sao, khác gì lần thứ 6, thứ 5 đâu. Trời còn thương tôi, 1 tuổi đã "chết" rồi, 5 tuổi lại "chết", 23 tuổi lại báo 30 tuổi "chết", rồi sau này lại là bệnh nan y... Tôi cao số mà. Có điều, sau mỗi lần như thế, tôi thấy cuộc sống càng có ý nghĩa hơn”.

Phóng to


Nhạc sỹ Phú Quang
Thời gian nhạc sỹ Phú Quang nhận “hung tin” từ bác sỹ, ông đã cảm nhận đời như ngọn nến. Khi tim của ngọn nến, đốt cháy đến tận cùng, cũng là lúc ngọn nến, đời người tan và hư vô. Ông nhớ lại: “Đó là vào một đêm Noel của những năm trước. Trước đó vài ngày tôi nhận được tin mình bị ung thư. Điều đó có nghĩa là tôi đã nhận một cái chết được báo trước. Đêm đó tôi ngồi một mình với ly rượu và ngọn nến le lói. Tôi chợt nhận ra một điều, cuộc đời con người có một điều gì đó giống như ngọn nến đang cháy. Mỗi giọt nến rớt xuống chậm rãi cũng là một khoảng đời đã qua và trước giọt nến cuối cùng ngọn nến sáng loà rực rỡ một lần cuối. Và tôi chợt nhớ tới ánh mắt xót xa thương cảm của một người con gái khi biết tin dữ về tôi. Tôi đã viết bài hát Ngọn nến”.
Ngày ấy, nhạc sỹ Phú Quang bỗng thấy xuất hiện ở khớp tay, cổ nổi những cục u. Ông đi khám, bác sỹ xem xét thận trọng và kết luận ông bị ung thư. “Bác sỹ bảo tôi phải mổ, bóc tách những khối u ấy, trước ki nó vỡ ra. Nhưng tôi không làm theo, khi ấy, tôi nghĩ cuộc đời tôi cũng giống như ngọn nến thôi”, ông nói vậy. Tuy nhiên, do một sự tình cờ ngẫu nhiên, nhạc sỹ Phú Quang gặp một ông thầy. Tôi đã từng hỏi nhiều lần, rằng nhạc sỹ còn lưu lại tung tích của ông thầy và có thể tìm được ông không nhưng lần nào nhạc sỹ Phú Quang cũng trả lời: “Ông thầy sống tự do, tự tại, nay đây mai đó chẳng cố định ở đâu nên không biết đâu mà tìm. Cũng là một sự tình cờ, hữu duyên mà tôi gặp được ông thầy. Ông hướng dẫn tôi tập luyện, ngồi thiền để chữa bệnh”.
Hiện tượng lạ hay sự phán đoán nhầm?
Câu chuyện nghe có vẻ thần bí, nhưng có một điều hiển nhiên được ông khẳng định: “Tôi đã tập theo sự hướng dẫn của ông thầy 1 năm trời liên tục và những khối u cứ dần dần mất đi mà không cần dùng thuốc gì. Lúc ấy, tôi nghĩ mình chưa chết được đâu. Sau khi, bỗng nhiên những khối u biến mất, tôi đi khám lại ở bệnh viện, thì bác sỹ bảo, không bao giờ khối u tự mất đi được và coi đó là...hiện tượng. Mà cái gì “bí” không kết luận được chính xác, không giải thích được cặn kẽ thì người ta gọi là...hiện tượng”. 
Có điều, sau ngày ấy, “án tử” do bệnh ung thư của ông được xoá bỏ. Bác sỹ nói rằng, có thể trước đây đã chẩn đoán...nhầm. Về sau, nhắc lại chuyện nhầm lẫn này, ông lại tự đưa ra cho mình một triết lý: “Rất may cho tôi, lần đó các bác sĩ đã nhầm lẫn. Sau này, khi mọi chuyện đã qua, tôi chợt có ý nghĩ ngồ ngộ: "Giá như mọi người đều có một lần trong đời bị bác sĩ báo tin mình bị ung thư” (tất nhiên là báo nhầm) chắc mọi người sẽ sống hợp lý hơn với cuộc đời. Bởi chỉ lúc đó, mọi người mới cảm thấy sự vô nghĩa của tiền bạc, chức quyền, danh vọng, dục vọng... Họ sẽ nhìn cuộc đời một cách nhân hậu hơn, bớt ham muốn hơn”.
Bác sỹ kết luận bệnh nhân bị ung thư, sau này bằng cách chữa bệnh khác nhau họ khỏi bệnh và phát hiện chẩn đoán nhầm cũng khó tránh khỏi. GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đã nói: “Tôi nhớ, trước đây, có vị lãnh đạo của Quốc hội (đã nghỉ hưu) bị bệnh. Bác sỹ khám khẳng định ông bị ung thư và điều trị bằng chiếu xạ. Sau đó, sức khoẻ của ông cán bộ này ngày càng yếu đi đến mức tưởng không qua khỏi. Sau đó, gia đình đặt vấn đề với Trung ương hỗ trợ đưa ông ra nước ngoài chữa bệnh. Sang đến nơi, bác sỹ nước ngoài khẳng định ông không bị ung thư và được chữa khỏi bệnh, đi họp Quốc hội bình thường. Một thời gian sau, ông đi khám lại và chiếu chụp thì bác sỹ kết luận ông bị di căn toàn cơ thể. Ông lại ra nước ngoài kiểm tra thì không phải di căn mà đó chỉ là những vết sẹo do những lần xạ trị trước đây”.
Thực tế, mấy năm gần đây, những lớp tập thiền chữa bệnh ngày càng mọc lên nhiều. Nhiều chùa ở Hà Nội đều có lớp tập thiền. Tại đây, đa phần những người có bệnh đến ngồi thiền với hy vọng khoẻ hơn. Chị Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) là bác sỹ hiện đang tham gia lớp thiền ở chùa Linh Thông cho biết: “Tôi nhiều bệnh lắm, cơ thể rệu rã toàn thân. Từ ngày tập thiền, tôi khoẻ hơn nhiều”. Nhiều người đến lớp tập thiền của thầy Hoà đều tin rằng việc luyện thiền kết hợp với dưỡng sinh tâm thể khiến cho sinh khí điều hoà khiến con người khoẻ hơn. Những bệnh nhân bị tai biến, chân tay run rẩy, đi lại khó khăn cũng đến chùa tập thiền mong cải thiện sức khoẻ.

Phóng to

Lớp tập thiền ở chùa Linh Thông (Hà Nội)
Khi tôi hỏi thầy Hoà về chuyện thiền chữa ung thư, ông cho rằng: “Thiền kết hợp để chữa bệnh là điều nên làm. Nhưng ở đây tôi cũng chỉ nói người tập thiền để điều hoà khí huyết chứ không bao giờ nói thiền để chữa bệnh ung thư”.
Cũng theo nhiều chuyên gia y khoa, con người nếu có điều kiện có thể đến với thiền là phương pháp để tăng cường sức khoẻ, giữ vững vàng tâm lý, tinh thần. Tuy nhiên, nếu có bệnh mà trông chờ vào thiền thì không ổn.
Thời gian là vàng trong điều trị ung thư
“Tôi nghĩ rằng, ngồi thiền không thể chữa khỏi bệnh ung thư. Có chăng ai đó nói khỏi bệnh là trước đấy trong quá trình khám bệnh, có sự nhầm lẫn của bác sỹ. Một phương pháp để chẩn đoán ung thư là phải sinh thiết, nhưng cũng có trường hợp bác sỹ phán nhầm chứ. Hiện nay phương pháp điều trị ung thư là tốt rồi. Còn người bệnh cứ tin vào thiền, hay tụng kinh hay tập khí công, những phương pháp khác không chắc chắn…sẽ làm chậm thời gian điều trị bệnh sẽ đem đến sự ân hận cho người bệnh và gia đình. Còn với người bệnh nếu thiền mang đến cho học sự lạc quan, tin rằng mình sẽ vượt qua cơn bạo bệnh thì đó cũng là tín hiệu tốt. Bởi muốn chiến thắng ung thư thì niềm tin của người bệnh đã chiếm hơn 50% sự thành công rồi”.
Liễu Hải (thực hiện) - ĐSPL

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]