Nâng chất lượng hàng Việt giúp cạnh tranh tốt hơn

15.5733
Sáng 2/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và báo Tuổi trẻ tổ chức Hội nghị thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", với chủ đề "Hành động của doanh nghiệp và kiến nghị với Nhà nước".

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhấn mạnh, mục tiêu trước mắt của cuộc vận động là hướng tới việc góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước, còn về lâu dài là hướng tới việc nâng cao chất lượng hàng Việt, cạnh tranh tốt hơn trong bối cảnh hội nhập.

Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hạ giá thành. Cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt vai trò của mình, thể hiện sự coi trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, cuộc vận động không phải là bảo hộ mậu dịch. Nhiều sáng kiến hưởng ứng cuộc vận động trong thời gian qua là thiết thực và hiệu quả. Ông cũng đánh giá cuộc vận động này là "mệnh lệnh từ trái tim và là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp".

Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống siêu thị Coopmart Nguyễn Ngọc Hòa thừa nhận: "Chúng tôi chưa chú trọng đúng mức đến thị trường nông thôn. Nhiều khi hàng kém chất lượng đã chạy về nông thôn. Chúng tôi muốn có trung tâm thương mại hiện đại, đầu tư vốn lớn và nhiều vấn đề liên quan, do vậy cần có chính sách khấu hao phù hợp; đồng thời cần có chính sách phù hợp tạo điều kiện cho phát triển thị trường".

Theo Tổng Giám đốc Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Mai Kiều Liên, hiện nay doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên rất bấp bênh. Bà cho biết, kế hoạch của công ty là sẽ tập trung vào thị trường nội địa, sau đó mới tính đến xuất khẩu.

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Việt Tiến kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách, chiến lược kích thích phát triển mạnh, lâu dài cho ngành dệt may. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, chống hàng nhái, hàng giả; nâng mức chế tài; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở thị trường nội địa.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kỳ vọng của Hội nghị là trình bày các hành động thiết thực để thực hiện cuộc vận động, thể hiện tính chủ động đầy trách nhiệm của doanh nghiệp; đồng thời thảo luận về các giải pháp đối với các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến môi trường kinh doanh, đến những điều kiện khách quan để hàng Việt Nam nâng được sức cạnh tranh và thuyết phục đối với người tiêu dùng./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]