Nghệ thuật già

Trở lại Nghệ thuật già của Powys, tôi xin tóm lược một số ý kiến cả trong các tác phẩm khác của ông, tất cả hình thành một hệ thống tư duy về nghệ thuật hạnh phúc.

15.6023

Sinh - lão - bệnh - tử, đời người phải trải qua ngần ấy chặng! Đến tuổi 49 - 50 là đến ngưỡng của tuổi già. Dường như Tây (theo một từ điển Pháp) và ta đều thống nhất như vậy (50 được gọi bô lão, lệ làng). Tuổi bắt đầu thấy tinh thần và thể lực kém dần, nói chung buồn nhiều hơn vui.

Làm thế nào để sống hạnh phúc vào tuổi mãn chiều xế bóng? Năm 72 tuổi, nhà văn Anh - J.C.Powys (mất năm 92 tuổi) đã suy nghĩ về vấn đề này trong tác phẩm Nghệ thuật già (1944). Ông nổi tiếng về tiểu thuyết và thơ đề cập đến cái tàn ác, sự trong trắng và siêu nhiên. Đặc biệt, có một bộ luận văn triết lý về nghệ thuật sống gồm 4 tập: Biện hộ cho giác cảm xác thịt, Vì một triết lý của sự cô đơn, Nghệ thuật hạnh phúc và Nghệ thuật già, và một tập mỏng là Nghệ thuật quên cái buồn.

Dĩ nhiên, tư duy về tuổi già của Powys mang đậm màu sắc văn hoá phương Tây, một nền văn hoá được đánh dấu bởi tính cá thể. Ở các nước Âu Mỹ, con trai con gái đến tuổi trưởng thành đều tách khỏi gia đình, có cuộc sống riêng hầu như độc lập với bố mẹ. Ở nước ta, do ảnh hưởng truyền thống và Khổng học, dù cách mạng và hiện đại hóa đã đảo lộn đời sống xã hội, gia đình thờ cúng tổ tiên vẫn giữ được giá trị văn hóa. Tôi thấy trong số bạn bè và người quen, rất nhiều ông bà sống chung với gia đình một người con. Hẳn là có những xích mích và mất tự do phần nào, nhưng nếu ba thế hệ biết thông cảm qua chữ nhẫn và áp dụng dân chủ gia đình của phương Tây thì sẽ tạo ra hạnh phúc cho cả già lẫn trẻ. Người già sẽ không cô đơn, điều mà phương Tây thường có.

Trở lại Nghệ thuật già của Powys, tôi xin tóm lược một số ý kiến cả trong các tác phẩm khác của ông, tất cả hình thành một hệ thống tư duy về nghệ thuật hạnh phúc.

 Nhà văn Anh - John Cowper Powys - tác giả của cuốn Nghệ thuật già.

Sướng khổ là do chủ quan, vì vậy tìm hạnh phúc phải có nghị lực và trí tuệ. Powys không đặt vấn đề đạo đức, luân lý, tôn giáo, triết học trừu tượng mà xuất phát từ thể nghiệm sống. Hạnh phúc không phải là đi tìm cái vui thích, vì cái đó có sẵn trong cuộc sống. Có nhiều cách để hưởng thụ cuộc sống. Có những giờ phút người ta cảm thấy sống mãnh liệt, trực cảm mạnh mẽ, hầu như không còn phân biệt sống và chết. Những lúc đó, cái hiện tại là tất cả. Cá nhân phải hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện sinh chứ không chờ đợi may rủi của định mệnh. Ai cũng cần một thú say mê tiêu khiển riêng, chơi nhạc, chơi tem, đọc sách... Nghệ thuật hạnh phúc dựa vào hai yếu tố: nghị lực và thói quen. Người có thói quen hút thuốc, khi bị "đói thuốc" sẽ hưởng cái thích thú hút thuốc được nhiều hơn, làm tăng cái vui thú của cuộc sống. Ban đêm, có giấc ngủ ngon, quên hết sống chết cũng là món quà thiêng liêng của cuộc sống.

Quên cũng là một liều thuốc của hạnh phúc. Có một nghệ thuật quên cái buồn, cái không vui. Điều này xuất phát từ triết lý cơ bản của Powys: cái tôi phải hòa nhập với cộng đồng. Mà trong đó, một nửa là đau khổ và bất thường, một nửa là cái đẹp và sự yên bình. Điều ta cảm thụ trong cuộc sống đều là những trạng thái tâm lý chủ quan. Nếu ta buông thả theo tâm lý đau khổ thì cuộc đời sẽ đau khổ, tự mình hành hạ mình. Huyền thoại Hy Lạp có sông Lê Thê, linh hồn người chết uống nước vào thì quên hết dĩ vãng. Ta phải luyện sự quên. Quên cái gì? Chính là quên sự sợ hãi, vì sự sợ hãi ăn sâu vào bản năng con người, lúc nào cũng sợ một cái gì đó, có khi không cụ thể. Có hai cách con người dùng để chống lại nỗi sợ: Một là tình dục để quên hết, sát nhập vào một cá thể khác, hai là lao động thường xuyên (các nhà văn nổi tiếng đều đam mê viết).

Niềm hạnh phúc sâu đậm nhất là gắn bó với thiên nhiên. Trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Powys, nhân vật chính, rất lãng mạn, đã từ bỏ nơi phồn hoa đô hội về sống ở vùng nông thôn. Điều này gần với người Việt có tuổi, thích vui thú điền viên, chơi cây cảnh.

Thế giới là bí mật mà khoa học cùng tôn giáo đều không hiểu nổi. Vì vậy, thái độ bất khả tri của các nhà nhân văn lớn cũng phù hợp với lẽ phải thông thường và người già cũng phải có thái độ ấy. Người già có trách nhiệm "lắng nghe" và có quyền được im lặng trong quan hệ với người trẻ. Powys phân tách sâu sắc sự khác nhau giữa nam, nữ. Hạnh phúc nam nữ thường tan vỡ vì ai cũng tưởng có thể bắt đối tác sống theo ý mình trong khi hai bản chất rất khác nhau. Theo ông, nữ gần tự nhiên hơn nam. Cái khổ của nữ là vừa muốn tự khẳng định sự độc lập đối với nam, đồng thời lại muốn thu hút đối tượng nam vào mình, làm vật sở hữu của mình. Một cặp nam nữ muốn sống hạnh phúc, đôi bên đều phải có tinh thần kiên nhẫn thụ động (có lẽ giống chữ "nhẫn" của ta).

Vấn đề của người già cuối cùng là cái chết. "Tuổi già là gần cái chết, do đó dễ đi sâu, mở rộng quan niệm về hạnh phúc". Chỉ người già, có kinh nghiệm  mới có ý thức về sự hài hòa, nhìn cuộc đời với quan niệm sử học. Khi giờ phút cuối cùng đã đến thì ta vẫn có thể nghĩ: Cái ta mất sẽ không lớn hơn, không có gì mà phải sợ.

Những ý kiến trên của một nhà văn phương Tây có gì phù hợp với người già phương Đông không?...    

Hữu Ngọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]