Tri thức là mỏ tài nguyên lớn nhất

Nói về điều này, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng nếu sinh viên đã có một ý tưởng, có thể nắm chắc rằng ý tưởng đó có thể đem lại sự thay đổi cho mình thì cũng nên suy nghĩ kỹ càng về việc nghỉ học hay không. Giả thuyết được ông đặt ra, trong trường hợp chỉ được chọn 1 con đường hoặc là học tiếp hoặc là nghỉ học để khởi nghiệp thì ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng nên tạm dừng việc học để tập trung xây dựng ý tưởng đó. Ông cũng nhắc nhở thêm, trong trường hợp này, các bạn trẻ cần chắc chắn ý tưởng của mình có ý nghĩa và có triển vọng. Còn phương án tốt nhất ông đưa ra vẫn là thực hiện song song cả việc học và khởi nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Khóa Việt Tiệp - bổ sung thêm: Nếu là tình huống bắt buộc phải lựa chọn thì trái tim bạn phải lên tiếng, niềm đam mê đề tài, ý tưởng đó có đủ chắc chắn, đủ để bạn quyết tâm theo đuổi, đánh đổi và hi sinh về nó, có thể nắm được bao nhiêu phần trăm cơ hội thành công… Từ đó, bạn mới có thể đưa ra quyết định có tiếp tục học hay dừng lại. "Hãy làm theo trái tim của mình" - ông Thắng nói và nêu dẫn chứng những người thành công khi bỏ học theo đuổi ước mơ khởi nghiệp: Đó là CEO của Apple và thành công là điều mà mọi người đều thấy. Ông cũng nhấn mạnh thêm: Trí tuệ là mỏ lớn nhất, chứ không phải là mỏ dầu, than hay mỏ vàng. Chúng ra đừng có nghĩ chúng ta phải tốt nghiệp bao nhiêu tấm bằng mà cần nghĩ sâu hơn ta đã làm gì cho xã hội mới là điều lớn nhất.

Cần liều, nhưng đừng tự tin thái quá 

“Nếu không liều thì đừng làm doanh nghiệp" - đó là phát biểu của diễn giả Trần Song Hải – Chủ tịch HĐQT Cty Consulting. Ông Hải nói: Khi quyết định khởi nghiệp, các bạn cần chấp nhận rủi ro nhưng các rủi ro này cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Bạn cần xác định việc bạn bỏ học sẽ mất đi sự nghiệp có thể xuất phát từ bằng cấp đó, ảnh hưởng đến gia đình, làng xóm, xã hội… có đáng hay không. Chính các bạn sẽ phải là người trả lời câu hỏi này. Nếu các bạn cho rằng việc nghỉ học để tiến hành xây dựng sự nghiệp là các bạn nắm bắt được thời cơ và các bạn sẽ thành công, tính toán được bạn sẽ thành công, nếu không làm ngay bây giờ thì một năm sau cơ hội sẽ qua đi, thì chúng ta hãy khởi nghiệp ngay.

Chia sẻ về chính bản thân mình, ông Song Hải cho biết, ông cũng từng bảo lưu kết quả học tập năm 1994. Khi đó, Mỹ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam, ông đang là sinh viên năm thứ 3 và đã tạm dừng học tập để xin đi làm, sau đó ông vừa làm việc vừa bố trí quay lại học tập. Tuy nhiên, khi quay lại thì kiến thức cũng bị mai một hơn. Ông Song Hải khuyên rằng, khi có các ý tưởng, các bạn sinh viên đừng ngại tìm đến các doanh nghiệp, doanh nhân để xin ý kiến, chắc chắn bạn sẽ nhận được những góp ý chân thành cho sự khởi nghiệp của mình. Hỏi ý kiến gia đình, các công ty định hướng nghề nghiệp là điều cần thiết bạn nên làm trước khi khởi nghiệp.

PGS.TS Bùi Thị An – Phó Chủ tịch hội Hóa học Việt Nam - cho rằng, câu hỏi này sẽ không có câu trả lời cụ thể. Theo bà, các bạn trẻ cần phải tự cân nhắc và tự biết mình nên làm như thế nào. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, bà chỉ có thể khuyên các bạn trẻ hãy đánh giá thật đúng, thật chắc chắn vào ý tưởng khởi nghiệp của mình. Bà lo ngại về tình trạng nhiều bạn tự tin quá về đề tài của mình mà chọn con đường dừng học tập lại thì rất phí.