Từ việc áp dụng kỹ thuật gây
đột biến và công nghệ
phóng xạ, nhóm nhà
nghiên cứu
Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 chọn tạo và sản xuất thành công giống lúa cao
sản mới CL-8 cho
năng suất và
chất lượng cao.
Thí nghiệm được ứng dụng tại xã Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên (
Vĩnh Phúc) ở cả
hai vụ xuân và vụ mùa.
Ông Nguyễn Như Toản chủ đề tài cho biết, từ giống lúa A-20 kém chất lượng, nhóm
nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật gây đột biến và công nghệ phóng xạ chọn lọc qua
nhiều thế hệ, đến dòng thuần chủng thế hệ M7 (7 vụ), các nhà nghiên cứu đã lựa
chọn 1 dòng tương đối ổn định trong các dòng ưu việt đặt tên là CL-8.
Đặc điểm nổi bật của giống CL-8 là thân cứng, đẻ nhánh khỏe, bông lúa to, nhiều
hạt (253-300 hạt/bông), gạo thơm, cơm mềm, dẻo và trong. Năng suất trung bình
đạt 6,5-7 tấn/ha, cá biệt có hộ còn đạt tới 10 tấn/ha, tăng từ 17-18% so với đối
chứng. Đặc biệt, giống CL-8 có khả năng chịu rét và chống đổ rất tốt, không bị
nhiễm rầy, kháng đạo ôn cao, không bị nhiễm các bệnh khô vằn hay bạc lá.
Qua trồng thử nghiệm, dòng lúa này không những phát triển tốt trên đất nhiễm
phèn, nhiễm mặn mà còn cho năng suất cao, gấp 2 đến 2,5 lần so với giống lúa
gốc, có thể thâm canh ba vụ trên cùng đơn vị diện tích.
Theo đánh giá, giống lúa đột biến CL-8 có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ từ
125-145 ngày đối với vụ xuân và 120-125 ngày đối với vụ mùa.
Giống lúa này có khả năng thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái, rất dễ canh
tác trên các vùng đất khác nhau, có thể gieo cấy được đại trà và tương lai hoàn
toàn có thể thay thế giống lúa đang được gieo trồng khá phổ biến hiện nay trên
địa bàn.
Với những đặc tính và ưu điểm này, dự kiến Vĩnh Phúc sẽ đưa giống CL-8 vào sản
xuất dần thay thế những giống lúa kém năng suất hiện nay trên địa bàn./.