Nghiên cứu nâng năng suất giống nhãn chín muộn

31.1983
Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đề tài nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất giống nhãn chín muộn - loại cây đặc sản đang được trồng ở huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Theo đó, những người thực hiện đề tài đã tiến hành thí nghiệm trên giống nhãn chín muộn HTM1, có độ tuổi từ 10-12 năm, trồng tại huyện Quốc Oai và tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của các biện pháp xử lý đến khả năng ra hoa, năng suất quả, ảnh hưởng của biện pháp tỉa quả đến năng suất của cây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng các biện pháp xử lý ra hoa bằng KCLO3 với các liều lượng khác nhau và biện pháp khoanh vỏ trên cây có tác dụng làm tăng tỷ lệ cành ra hoa trên mỗi cây và tăng số hoa ở mỗi chùm cũng như tỷ lệ hoa cái, tăng tỷ lệ đậu quả và khả năng giữ quả. Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp tỉa quả cũng sẽ giúp tăng kích thước quả, tăng khối lượng trung bình quả, quả đều hơn. Biện pháp tỉa để lại 40 quả cho mỗi chùm là tốt nhất, cho năng suất đạt 25,28 quả/cây.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hiện nay nhiều giống nhãn chính vụ ở miền Bắc thường cho quả từ giữa tháng 6 đến hết tháng 7dương lịch. Còn giống nhãn chín muộn HTM1 là giống mới được tuyển chọn và là giống cây đặc sản của một số huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Hoài Đức.

Giống cây này cho quả vào nửa đầu tháng 8 đến cuối tháng 9. Nhờ chất lượng quả thơm ngọt, cùi dày, giòn, màu sắc vỏ sáng đẹp và cho thu hoạch vào thời điểm thị trường nhãn chính vụ đã ” vãn” nên nhãn muộn ở Hà Nội từ nhiều năm nay đã trở thành một loại cây mang lại giá trị kinh tế hàng trăm triệu đồng /ha/vụ quả cho người trồng. Riêng ở xã Đại Thành, huyện Quốc Oai hiện đã có hơn 70 ha nhãn chín muộn, cho thu hoạch xấp xỉ 700 tấn quả tươi mỗi năm./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]