'Người viết không nên quẩn quanh chuyện PR hay không PR'

Bày tỏ suy nghĩ nghiêm túc về PR - quảng bá tác phẩm, các cây bút trẻ Trương Hồng Tú, Nguyễn Phong Việt, Nhã Thuyên chung quan điểm: PR nên tách biệt với sáng tác bởi người viết còn nhiều thách thức khác trên con đường văn chương.

15.5967

Pham Mi Ly

Trong tọa đàm “Thơ trẻ: Dòng chảy và công chúng” tại Hội nghị viết văn trẻ lần 8 hôm 10/9, tác giả Trương Hồng Tú phát biểu: “Dù còn trẻ nhưng trước đây chúng tôi còn phần nào nghĩ việc PR tác phẩm là không chín chắn, hơi lố bịch”. Đến nay, với sự phát triển của truyền thông, nhiều người viết trẻ đã thay đổi suy nghĩ, đặc biệt là những người viết trẻ, có thời gian tiếp cận công nghệ và hiểu rõ giá trị của truyền thông. Có người ủng hộ, có người e ngại, nhưng họ đã phần nào hiểu bản chất của PR và nghĩ đến hình thức áp dụng cho tác phẩm của mình.

eVan có cuộc trò chuyện với ba cây bút, nhà thơ Trương Hồng Tú (21 tuổi), nhà thơ Nguyễn Phong Việt (31 tuổi) và nhà văn Nhã Thuyên (25 tuổi) - những người vừa dự hội nghị văn trẻ ở Tuyên Quang - về chủ đề này.

- Anh chị nghĩ sao về việc PR tác phẩm văn học trong thời đại của truyền thông hiện nay?

- Trương Hồng Tú: Cá nhân tôi nghĩ việc PR như một công cụ đưa tác phẩm đến với công chúng, đặc biệt trong thời đại công nghệ đang tiến bộ từng ngày như bây giờ. Văn chương cũng cần chủ động tiếp cận người đọc. Tôi phủ nhận ý kiến cho rằng độc giả hiện nay không còn biết đến văn chương, hay chỉ cần loại văn chương dễ đọc. Độc giả ngày nay khát khao vô cùng một tác phẩm hay, một tri thức mới. Nhưng thời đại thông tin bùng nổ bừa bãi, khả năng gạn lọc còn hạn chế thì "mì ăn liền" xem chừng nhanh gọn hơn nhiều. Nếu PR tốt, người đọc sẽ không còn tình trạng nhầm lẫn giữa tập làm văn với văn học.

- Nguyễn Phong Việt: Tôi nghĩ điều đó là cần thiết và cực kỳ quan trọng nữa là đằng khác. Suy cho cùng tác phẩm văn học cũng là một sản phẩm (mang nhiều giá trị tinh thần) được bán cho khách hàng - là người đọc. Lợi ích ở đây không chỉ là việc tác phẩm bán chạy mang lại lợi nhuận, mà còn góp phần đưa tác phẩm của người viết đến với nhiều độc giả hơn nữa.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Ảnh: Pham Mi Ly.

- Nhã Thuyên: Tôi nghĩ về việc PR tác phẩm, rộng hơn là quan hệ của văn học và truyền thông bây giờ đẩy người viết tới tình cảnh, mà theo một cách nói cũ thì: sách (văn học) không thể PR mà lại không thể không PR.

- Anh chị đang sử dụng những hình thức nào để PR tác phẩm của mình?

- Trương Hồng Tú: Hiện tại tôi mới đang ở bước đầu. Môi trường tôi chọn để PR tác phẩm là Internet, đối tượng là các bạn trẻ. Tôi chú trọng hình thức trình bày. Sẽ có nhiều điều bất ngờ, có lẽ tôi chưa nên tiết lộ.

- Nguyễn Phong Việt: Tôi dùng Internet, nói một cách chi tiết là tôi dùng các trang cá nhân như Facebook, Yume để đưa tác phẩm đến gần hơn và nhanh hơn cho các độc giả quan tâm đến tác phẩm của tôi.

- Nhã Thuyên: Tôi biết rằng nếu bạn muốn đọc sách tôi, thì bằng cách nào đó, tôi và bạn sẽ gặp nhau.

- Anh chị nghĩ sao về nhận định “PR có thể làm chìm khuất những tác phẩm hay và đánh bóng cho những tác phẩm dở”?

- Trương Hồng Tú: Như tôi đã nói, PR chỉ là công cụ. Còn việc sử dụng công cụ ra sao và ở mức nào còn phụ thuộc vào trình độ và lương tâm của tác giả. PR quá nhiều về bản thân thành lố bịch, quá trớn về tác phẩm thành lừa đảo. Đừng quên PR chỉ là cái áo đẹp, sạch sẽ, nguồn gốc rõ ràng. Còn tự thân tác phẩm phải phấn đấu để mặc vừa cái áo đó.

- Nguyễn Phong Việt: Bạn đọc bây giờ thông minh lắm, có thể họ sẽ bị lừa một lần, nhưng đến lần thứ hai thì đừng hòng. Tôi tin là nếu một tác phẩm nào đó được PR quá lố sẽ dễ dẫn đến sự tẩy chay của độc giả, thậm chí nó làm cho tác giả cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về mặt thương hiệu (nếu việc PR do một ai khác đảm nhiệm chứ không phải tác giả). Còn tác phẩm đã chất lượng thì cơ hội để cho nó phát lộ sẽ rất lớn, và không có bất cứ lý do gì có thể làm cho tác phẩm ấy biến mất đi được nếu quả thật nó có giá trị.

- Nhã Thuyên: Tôi không có hiểu biết chuyên môn về PR nên tôi không đánh giá được mức độ cụ thể của việc làm chìm khuất hay đánh bóng. Tôi nghĩ việc PR là điều cần làm nhưng với tôi, đó luôn là việc “để sau”. Tôi nghĩ, người đọc, người viết thông minh, tỉnh táo và nhạy cảm cỡ nào cũng không tránh khỏi đôi lần cảm thấy bị “hớ” do truyền thông khi mua phải sách dở, mà lượng sách dở bao giờ cũng là, như một người bạn tôi trích lời Ibsen: “Đám đông đầy sức mạnh nhưng không có chính nghĩa”. Sách dở luôn có lý do để tồn tại, và sự tồn tại đó luôn có ý nghĩa, ít nhất làm cho người viết, người đọc ở Việt Nam hôm nay có cảm giác “bất an” khi mua sách. Có phải mình đang mua một cuốn sách văn học hay không? Và cái gì là văn học? Tất nhiên, là một người viết trong quan hệ với độc giả thì tôi luôn mời mọc bạn đến với sách của mình. Nhưng chính tôi cũng dè dặt với những gì mình viết. Đôi lúc tôi nghĩ: "Khó quá trời, bế tắc quá, hay mình bỏ đi". Nhưng rồi tôi vẫn lại viết, lại ra sách. Còn ở tư cách một người đọc, tôi phải nói không với nhiều cuốn sách để đỡ có cảm giác bị móc túi thời gian và tâm não.

Nhà văn Nhã Thuyên.

- Ở Việt Nam hiện nay, thơ thường khó bán mà hay được đem tặng. Vậy PR có tác dụng ra sao đối với tác phẩm thơ?

- Trương Hồng Tú: Các cây viết sẽ không vui vẻ gì khi đứa con tinh thần của mình được xếp trong gian hàng sách chưa bán được. Không phải thơ không đủ hay, mà giữa nhan nhản đầu sách lấp lánh ở cửa hàng, người đọc chưa đủ thông tin để hình dung thơ nào hay, thơ nào hợp thời đại, thơ nào đã cũ... Vì vậy PR sinh ra như một nhãn hiệu đảm bảo cho tác phẩm: nội dung, hình thức, độ ăn khách, sự quan tâm đến nhu cầu độc giả... Người mua bất cứ mặt hàng nào đều cần những yếu tố đó. Tôi không định giá thơ ca theo một số quan niệm tiêu cực về đồng tiền. Với tôi bán tác phẩm là việc đương nhiên và xứng đáng với mồ hôi nước mắt của tác giả. Còn việc tặng sách cũng rất bình thường khi tôi biết người tôi tặng sẽ đọc và trân trọng tác phẩm của tôi, sẽ cho tôi nhiều phản hồi. Bán và tặng là hai hình thức, không thể mất một trong hai.

- Nguyễn Phong Việt: Những tập thơ thường không bán được mà chủ yếu in ra để tặng là một thực tế không thể chối cãi, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là tác phẩm đã không tìm thấy công chúng cho nó. Khi thơ được in ra, nhiều độc giả không quan tâm và không muốn mua để đọc. Nhưng tôi tin rằng tập thơ đầu tay của mình phát hành vào đầu tháng 12 sẽ bán được, vì quan trọng nhất là cuốn sách tìm thấy được sự đồng cảm cần thiết từ những người đọc. Bản thân tôi là một nhà báo, và tôi hiểu PR có tác dụng lớn đến mức nào. Tôi tin vào chất lượng cuốn sách của mình, nhưng tôi cũng cần phải PR để có thêm nhiều người nữa sẽ biết cuốn sách của tôi. Mà một trong những kế hoạch đó là tôi dự định có hai buổi ra mắt sách tại TP HCM và Hà Nội.

- Những người viết có mối quan hệ tốt với giới truyền thông thì tác phẩm thường được PR rộng rãi. Vậy với những người viết mới, trẻ, chưa có nhiều mối quan hệ, họ có khó khăn gì?

- Trương Hồng Tú: Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là môi trường để việc PR được thuận lợi. Khó khăn đầu tiên của những người viết mới là không được đứng trong môi trường đó. Chưa nói chuyên môn, họ phải vượt qua sự kỳ thị của đám đông, sự nghi ngờ của người trong giới và cả sự thiếu tự tin của chính họ nữa. Đương nhiên, không thể vượt qua và không muốn vượt qua là hai vấn đề khác nhau.

- Nguyễn Phong Việt: Cái khó khăn nhất vẫn là tác phẩm của bạn có đủ hay hay không để người ta quan tâm. Mối quan hệ tốt với giới truyền thông là một lợi thế, nhưng nếu tác phẩm của bạn không đủ hay thì truyền thông cũng không dám phóng bút để khen.

- Nhã Thuyên: Tôi không nghĩ ai có thẩm quyền nhìn từ bên ngoài để nói một người viết trẻ/già đang mắc phải khó khăn gì. Nếu người viết đặt mục đích vào việc PR rộng rãi thì họ sẽ có cách quan hệ tốt với giới truyền thông. Tôi không chủ trương “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng tôi nghĩ người viết nên quan tâm tới cái khó khăn của sự viết, với chính họ hơn là cái khó khăn của việc xuất hiện và quảng bá tác phẩm. Cái ồn ào của truyền thông đại chúng và hiệu ứng văn chương đôi khi lập lờ, nhưng có thể phân biệt được.

Nhà thơ Trương Hồng Tú.

- Họ nên làm gì để vượt qua khó khăn đó?

- Trương Hồng Tú: Cá nhân tôi muốn phân biệt công việc lao động sáng tạo ra thành phẩm với công việc quảng bá tác phẩm đến người đọc. Không nhất thiết tác giả phải đảm đương một lúc cả hai công việc. Trách nhiệm mỗi người là làm tròn vai. Nên tôi nghĩ rằng tác giả hãy cứ học tập và sáng tạo để có tác phẩm hay trước, xác định cho mình một hướng đi phù hợp, rồi hẵng tính tới con đường PR.

- Nguyễn Phong Việt: Tôi nghĩ chỉ cần bạn có tác phẩm hay và tận dụng Internet để đưa tác phẩm lên mạng, rồi dần dần tự thân giới truyền thông - họ cũng là những người tìm hiểu về thông tin thời sự trên mạng rất nhiều - sẽ tìm đến bạn mà thôi. Dĩ nhiên, khi bạn có tác phẩm in rồi thì nên tìm cách gửi đến những người phụ trách mảng văn học ở các báo để họ có thể có cơ hội đọc tác phẩm của bạn và giới thiệu với đông đảo độc giả khác.

- Nhã Thuyên: Với những người viết mới, người viết trẻ, chẳng hạn như tôi, điều tôi quan tâm nhất là tẩy não mình và bổ sung các dưỡng chất mới, nếu không muốn tiếp tục sống trong ngụy biện và an tâm rằng, không phải lỗi của tôi, chỉ là do tôi bị “cuộc đời làm cho hư hỏng”. Không phải văn chương của người trẻ Việt Nam hôm nay không có gì đáng đọc, nhưng có thể sẽ chẳng còn gì đáng đọc thêm nữa nếu người viết cứ quẩn quanh với mấy chuyện quảng bá hay không quảng bá tác phẩm. Bây giờ, tôi thường đọc văn chương của một số người trẻ ở Việt Nam, những người “chưa từng lên báo” và họ cũng không quan tâm tới điều đó. Nhưng rồi có thể họ sẽ đến lúc (phải) xuất hiện, và khi một người viết xuất hiện, họ buộc phải đổi mặt với những điều nằm ngoài việc viết, ứng xử ra sao với truyền thông là tùy vào từng cá nhân. Bản thân tôi thấy mình cứ đặt ra các câu hỏi mà không thể trả lời hay có giải pháp, nhưng may mắn là, có nhiều câu hỏi bây giờ tôi đã quên đi hay bỏ qua. Người viết thì cứ phải viết và người đọc thì vẫn cứ (phải) đợi thôi.

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]