Tin bài Hay
Mẹo vặt

Nguyễn Sơn Lâm đã chinh phục thành công đỉnh Phan Xi Păng

01/01/2000 - 00:00

Nguyễn Sơn Lâm đã chinh phục thành công đỉnh Phan Xi Păng
Nguyễn Sơn Lâm đã chinh phục thành công đỉnh Phan Xi Păng

Nguyễn Sơn Lâm - một nạn nhân chất độc da cam chỉ cao 90cm, đi lại phải sử dụng nạng gỗ, đã có cuộc chinh phục nóc nhà Đông Dương - đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143m so với mực nước biển.

Sơn Lâm trên đỉnh Phan Xi Păng


Ban đầu Sơn Lâm dự tính cuộc chinh phục này phải mất ít nhất là 4 ngày, 5 đêm. Nhưng kỳ tích đã xảy ra khi Sơn Lâm chỉ mất có 2,5 ngày để tới đỉnh ngọn núi này (từ sáng ngày 22/10 đến hơn 13h chiều ngày 24/10). Báo TT&VH đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Sơn Lâm ngay sau khi “chàng trai tí hon” vừa về đến Hà Nội.

Cảm xúc của Sơn Lâm khi lên tới đỉnh Phan Xi Păng? Lâm và những người đồng hành đã làm gì ở trên đó?

Khi lên đỉnh núi cao nhất Đông Dương, cảm giác của tôi rất đặc biệt. Nó pha trộn rất nhiều cảm xúc khác nhau: Hạnh phúc, cảm động, biết ơn, tự hào. Tôi đã hát những câu trong bài Đường đến ngày vinh quang của ban nhạc Bức tường như một lời tuyên bố về thành công đáng nhớ này. Từ trên “nóc nhà Đông Dương”, tôi cũng gọi điện về khoe với mẹ. Sau đó mọi người chụp ảnh lưu niệm, ăn trưa và trở về. Tôi sẽ nhớ mãi cái cảm giác được khoác lên mình lá cờ Tổ quốc khi được “ngồi” trên nóc nhà đá hùng vĩ này!

Suốt quãng đường leo núi, Sơn Lâm đã phải vượt qua những chướng ngại vật như thế nào khi mà hai nách cứ phải khư khư đôi nạng gỗ? Có khi nào Lâm phải nhờ người cùng đồng hành “bế bổng dù chỉ qua một ngọn cỏ“ không?

Đó là trở ngại cực kỳ lớn mà chỉ khi vào rừng rồi tôi mới cảm nhận được. Rất khó khăn dù chỉ là một vũng nước, một phiến đá 30cm (quá dễ đối với người bình thường), hay một đoạn bùn lầy. Thêm vào đó là đoạn đường rất xa và đòi hỏi có sức bền khá tốt. Tuy nhiên tôi chỉ nhờ đến các chuyên gia leo núi người dân tộc khi mà tôi không thể nào vượt qua được. Ví dụ như những hòn đá tảng quá to và những con dốc cực trơn và hầu như không có chỗ bám. Còn những chỗ nào nằm trong khả năng, tôi luôn đề nghị được tự mình vượt qua. Có thể nói, tôi đã dùng hơn 100% sức mình trong quãng đường chinh phục Fansipan.

Lâm có phải sử dụng “doping” hay một loại thực phẩm “tăng lực” nào đó để có được thể lực tốt khi leo không?

Kẹo và Socola là hai loại thực phẩm được các chuyên gia tư vấn. Bên cạnh đó tôi có dùng một số sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức khỏe.


Sơn Lâm đã vượt qua quãng đường hơn 17km...


Không biết mọi người leo núi thế nào, còn tôi khi leo núi thấy rằng lúc leo lên thì mệt, còn khi trở xuống thì mỏi vì chồn chân, nhức gối. Với Lâm thì sao?

Tôi chỉ cố gắng hết sức để lên đến nơi thôi. Còn lúc xuống phó mặc số phận cho các anh porter cõng (cười). Tuy nhiên, khi ngồi trên lưng các anh porter tốt bụng, tôi chỉ đỡ mệt chứ không đỡ đau. Tự đi thì mệt hơn và mất nhiều thời gian hơn, đau nách và chân tay một chút. Nhưng ngồi trên lưng các anh porter thì đau toàn thân vì người các anh ấy rất rắn chắc. Ngực và bụng tôi thường xuyên va đập vào lưng các anh ấy mỗi khi các anh ấy chạy hoặc xuống dốc. Chính vì vậy khi về đến nơi, thậm chí ngứa bụng hay ngực cũng không dám gãi vì động vào là đau. Hiện giờ vẫn còn đau. Còn tay thì làm việc cật lực để bám vào lưng các anh ấy nên mỏi nhừ, có những lúc chính tôi phải đề nghị các anh ấy ngồi nghỉ một chút vì đau và mỏi quá không chịu nổi.
 
Lần trước trả lời PV TT&VH, Lâm có nói sẽ chinh phục những thử thách mới về độ sâu, hoặc độ dài như lặn biển hoặc đi bộ xuyên quốc gia. Nếu lặn biển, tôi có ý này: Sơn Lâm thử ra lặn ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa để thử sức? Lâm thấy sao?

Ý định của tôi thì rất nhiều. Chẳng hạn như tôi rất muốn thành lập một đội bóng đá dành cho những người có không may mắn như tôi. Có thể tạm gọi CLB bóng đá đó bằng cái tên: CLB Bóng đá Sơn Lâm và những người bạn như tên Quỹ từ thiện của tôi (Quỹ Sơn Lâm và những người bạn - PV). Nếu có đội bóng đó, dù là đội bóng của những cầu thủ “đá bóng bằng chân gỗ” thì tôi cho cũng rất có ý nghĩa. Không cần biết bằng cách nào, miễn là cầu thủ đưa được bóng vào lưới đã là chiến thắng rồi. Tuy nhiên, cần phải có thời gian và kinh phí hoạt động cho đội bóng. Nếu Quỹ Sơn Lâm và những người bạn trong thời gian tới “dồi dào” về kinh phí, được “xã hội hóa” ngày càng nhiều, chắc chắn đời sống bóng đá, chí ít là đầu tiên ở Hà Nội sẽ có thêm CLB Bóng đá... chân gỗ như mọi người đã gợi ý!

Còn về câu anh hỏi, thật ra tôi cũng đang có ý định sẽ ra Trường Sa nhưng không phải để lặn biển mà để thăm các chiến sỹ ở đó và gửi đến các anh những tình cảm yêu mến của những người trong đất liền. Còn các kế hoạch chinh phục độ sâu hay độ dài, hãy để tôi định thần lại sau chuyến hành trình với Phan Xi Păng đã (cười).

Cảm ơn Sơn Lâm!

Nguyễn Sơn Lâm, sinh ngày 9/11/1982 tại Uông Bí, Quảng Ninh. Lâm là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh em trai. Bố là liệt sỹ, mẹ là nhân viên bệnh viện đã về nghỉ. Năm 2001, Sơn Lâm theo học 2 trường đại học tại HN: Khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) và khoa tiếng Nhật, Trường ĐH DL Phương Đông. Từ năm năm 2008, Sơn Lâm trở thành BTV bóng đá và hiện là Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đào tạo Tỏa Sáng. Công ty chuyên về đào tạo kỹ năng sống cho các bạn sinh viên.


Theo TT&VH

Video hot nhất trong tuần

Chuyên đề Liên Quan:

Tin tức
Home

    Trang chủTin mớiThị trườngVideo