Nhà vệ sinh - Chuyện không nhỏ (4): Chỉ dẫn kiểu "đánh đố"

GiadinhNet - PV Báo GĐ&XH đã có cuộc "thị sát" nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại Hà Nội.

15.6014
>
>
>
>
 
Ngoài những  NVS bằng thép khá sạch và tiện lợi, phần lớn những NVS cố định tại Hà Nội vẫn trong tình trạng bẩn, cũ, nhếch nhác và "bị" sử dụng sai mục đích.

"Trò ú tim"

Gọi là "ú tim" một phần bởi sự xuất hiện ít ỏi của các NVSCC, phần khác là do sự chỉ dẫn "trên trời dưới đất". "Ở Hà Nội, dấu hiệu nhận biết NVSCC có khi không phải là biển chỉ dẫn rõ ràng, mà chính nhờ màu vàng đặc trưng của nó", một bác xe ôm ở khu phố cổ mách.
 

Biển chỉ dẫn trên phố Hàng Đường vừa treo cao, khó nhìn, vừa hướng dẫn đi vào đường ngược chiều. Ảnh: MĐ

Quanh Hồ Gươm có 5 NVS, nhưng đối với "khách lạ" thì việc tìm ra cũng tương đối khó. Chưa một NVS nào lại được "trang trí" rợp hoa như NVS đối diện cửa hàng kem Thủy Tạ. Tuy nhiên, chính điều này cũng gây khó cho khách hàng, đặc biệt là những người không quen "địa bàn". Dọc phố Đinh Tiên Hoàng, gần Đền Ngọc Sơn có một NVS, đây cũng là nơi duy nhất có biển chỉ dẫn nhưng chỉ bé xíu ở vệ cỏ ven đường. Nếu không quan sát kỹ, chúng tôi đã nhầm ngay bởi NVS được "ngụy trang" thành cửa hàng tạp hóa.

Tương tự ở phố Gia Ngư, NVS số 7 thuộc Xí nghiệp Môi trường Đô thị số 2 nằm "khép nép" cuối phố bởi sự lấn chiếm "mặt tiền" làm nơi bán hàng và gửi xe, chỉ trừ một lối đi nhỏ cho khách vào trút "nỗi buồn"! Ngoài việc bị chiếm dụng làm hàng quán bên ngoài, một số phòng vệ sinh còn bị biến thành nơi chứa đồ.

NVS số 5 trên đường Láng, bệ rửa tay thay vì có nước thì được trưng dụng làm nơi để bát đĩa, rổ rá... NVS tại chợ Cầu Diễn, do miễn phí và không có người trông coi nên hầu hết các phòng ở đây trở thành điểm cất đồ của tiểu thương.

Khó khăn là thế, vậy nên nếu muốn tìm thấy NVS ở Hà Nội, một là phải "ngước mắt" ngơ ngác, hai là "cúi gằm", ba là hỏi người "bản địa", bởi không một tấm biển chỉ dẫn nào "ngang tầm mắt". Ít biển chỉ dẫn đã đành, nhưng có những bảng chỉ dẫn "đánh đố" người đi đường. Ngã tư Hàng Đường -  Hàng Mã luôn tấp nập người qua lại. Mừng như bắt được vàng khi chúng tôi bắt gặp một biển chỉ dẫn treo cao tít: "WC: cách 120m". Nhưng điều khó hiểu: Đây là đường một chiều. Do đó, nếu không muốn vi phạm giao thông, người đi xe sẽ phải vòng thêm 3 phố nữa mới tìm thấy "bến đáp"!

Chợ Long Biên - nơi được coi là "đầu mối của các đầu mối" không khi nào ngớt người qua lại, nhưng NVS nơi đây không có nổi một tấm biển chỉ dẫn, thậm chí khi đi qua rồi, chúng tôi cũng không biết vì dòng chữ viết nguệch ngoạc trên tường đã mờ tự bao giờ!

Dũng cảm mới dám vào

Khó tìm là thế, khi bước vào phòng NVS ở phố Gia Ngư, chúng tôi còn "ớn lạnh" hơn. 3/3 phòng đại tiện ở NVS nữ tắc nghẽn, nhân viên trông coi nhanh nhảu: "Mấy hôm nay mới tắc thôi, chị đi tạm bên NVS nam!". Nhưng ở dãy phòng vệ sinh nam không khá hơn là mấy. Cánh cửa bị gãy, hầu hết các phòng trong tình trạng tắc cứng...
 

NVSCC bị “chèn ép” bởi quầy hàng giải khát.

Bước chân vào NVS ở gần khu vực bán rau quả ở chợ Long Biên, ngay lập tức chúng tôi cảm nhận được cái mùi đặc trưng ở nơi đây. Mùi hôi thối sực lên khiến ai nấy vào đây cũng phải bịt mũi. Tường, nền NVS bám đầy rêu mốc. Bồn rửa bị bung bật  không thể sử dụng. Thắc mắc với nhân viên trông coi; người này đáp chỏng lỏn: Bẩn, không đi thì thôi!

Dọc đường Láng có 3 NVS (số 4, 5, 6). Chưa kịp vào trong, chúng tôi đã "vô tình" nhìn thấy mấy người vô tư xả "nỗi buồn" ngay bên bờ tường cạnh NVS. NVS số 5 mỗi nơi có 4 phòng chia bên nam, nữ. 2 trong số đó cửa khóa im lìm. Bồn rửa tay không một giọt nước.

Nằm ở vị trí khá đắc địa (ngã tư Hàng Cháo- Nguyễn Thái Học), NVS số 1 vẫn khó tìm bởi bao quanh là dãy xe ôm chực sẵn và 2 sạp báo cùng 1 bàn ghi xổ số chắn cửa. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này chúng tôi đã phòng bị bằng cách đeo khẩu trang kín mít nhưng khi vừa bước vào đã muốn nhào ra.

Dãy NVS "nhẹ" cho nữ nằm ngay cửa ra vào. Để tránh bị "rõ bốn bề", chúng tôi cố khép, nhưng  cánh cửa quá cũ không khép nổi.

Cùng nằm trên đường Nguyễn Thái Học, NVS số 2 cũng không sáng sủa hơn gì! Cái khác là NVS nơi đây có cả phòng cho người tàn tật nhưng theo nhân viên trông coi thì từ khi xây dựng đến giờ chưa có ai vào cả! Trong số 11 phòng đại tiện (nam- nữ) ở đây chỉ có 4 phòng sử dụng được. Số còn lại cái thì mất cửa, cái thì đóng im ỉm. Công tắc đèn bật mãi không thấy sáng. Đem thắc mắc này hỏi nhân viên trông coi, cô thủng thẳng đáp: "Phải nhìn cái nào dùng được mà vào chứ!".

Một số NVSCC còn là điểm trú chân lý tưởng của các con nghiện. Chuyện con nghiện ném gạch đập cửa hay nhảy vào đây chích choác, vật vã đập hết cửa kính vẫn xảy ra. Đó cũng là lý do vì sao nhiều NVSCC phải dùng cửa sắt thay vì cửa kính.

       Võ Thu - Minh Đức
(Còn nữa)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]