Nhiều cách “xoay” vốn

Ngân hàng dư tiền, nhưng điều kiện cho vay khắt khe nên doanh nghiệp chẳng thể trông vào. Để giải bài toán “đói” vốn, nhiều giải pháp được doanh nghiệp đưa ra như huy động tiền từ các cổ đông, nhân viên; phát hành kỳ phiếu; bán hàng thu tiền trước; chuyển một phần sản xuất sang gia công… để duy trì ổn định sản xuất. Tweet

0

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn về vốn. Ảnh: ST

Ngân hàng khó “chạm”

Theo ông Phan Hùng Việt, Giám đốc Công ty CP Cao su Hà Nội: Nếu như trước đây, trong vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp e ngại nhất là mức lãi suất cao thì nay câu chuyện đã đi theo hướng khác. 

Ngân hàng có mức lãi suất phù hợp, ưu đãi hơn dành cho doanh nghiệp nhưng ngược lại điều kiện để có thể chạm vào vốn rất nan giải. Ngân hàng thắt chặt điều kiện cho vay, vay vốn tín chấp giảm đi nhiều và thay vào đó là vay vốn luôn đi kèm thế chấp.

Điều này khiến các doanh nghiệp rất “đau đầu”. Bởi, thực tế, nếu doanh nghiệp hoạt động sản xuất tốt, khấu hao nhanh thì tài sản thế chấp còn ít. Ngược lại, doanh nghiệp đầu tư nhiều sẽ có tài sản để thế chấp vay vốn nhưng suốt từ năm trước tới năm nay, hàng vẫn còn tồn kho, không bán nổi thì ít doanh nghiệp dám đầu tư mạnh.

Cuối cùng, doanh nghiệp vẫn không có tài sản để thế chấp, tiền không vay nổi và lại rơi vào vòng luẩn quẩn, không có tiền đầu tư, không thể ổn định sản xuất chứ chưa nói gì tới mở rộng, phát triển”, ông Việt nói.

Thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp khó vay vốn ngân hàng đã đành, nhưng kể cả có tài sản thế chấp, vay vốn cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Bổng, Giám đốc Công ty Xi măng Sài Sơn cho biết: doanh nghiệp chúng tôi cần lượng vốn lớn để có thể đầu tư, quay vòng sản xuất. Từ trước tới giờ, nguồn vốn chính doanh nghiệp trông vào vẫn từ phía ngân hàng.

Mới đây, Xi măng Sài Sơn đã đầu tư dự án xi măng lò quay với số tiền lên tới 600 tỷ đồng, khiến cho nhu cầu vay vốn càng cấp bách hơn. Tuy nhiên, dù xi măng Sài Sơn có tài sản thế chấp giá trị lên tới hơn 400 tỷ đồng nhưng ngân hàng vẫn chỉ chấp nhận cho doanh nghiệp vay 5 tỷ đồng trung hạn và 10 tỷ đồng vốn lưu động. 

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, ngân hàng không đưa ra lời giải thích hay câu trả lời nào thỏa đáng. Kết quả là ngân hàng vẫn không đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp”, ông Bổng nói.

Đủ đường tìm vốn

Theo ông Bổng, khi “đói” vốn, lại không trông chờ được vào ngân hàng, doanh nghiệp đành phải “tự thân vận động” bằng mọi cách. Đó là huy động vốn từ chính những cán bộ trong công ty, thậm chí ngay cả từ những công nhân lao động gắn bó lâu dài với Sài Sơn.

Ngoài ra, Công ty lựa chọn phương án phát hành kỳ phiếu ra bên ngoài để có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất. Cùng với đó, Sài Sơn thực hiện chính sách mua hàng, mua nguyên vật liệu đầu vào và trả chậm kết hợp với việc bán hàng phải thu tiền trước. Nhờ thực hiện những chính sách trên mà suốt thời gian qua, Công ty đã duy trì sản xuất ổn định, luôn đảm bảo nguồn vốn kinh doanh.

Liên quan tới việc “xoay” vốn, ông Hùng Việt cũng cho biết: Ngoài cố gắng vay từ ngân hàng càng nhiều càng tốt, Cao su Hà Nội cũng lựa chọn huy động vốn từ chính các cổ đông trong công ty. “Đây là cách “xoay” vốn an toàn, tích cực bởi các cổ đông cũng muốn dốc sức giữ công ty.

Nhờ nguồn vốn này mà doanh nghiệp mới có thể đứng vững được”, ông Hùng Việt khẳng định. Ngoài ra, Công ty cũng đã phải điều chỉnh một phần chiến lược kinh doanh để đảm bảo hoạt động sản xuất.

Đó là thay bằng việc mua đứt bán đoạn sản phẩm trong XK như trước đây, hiện Công ty lựa chọn gia công một phần hàng hóa để giảm chi phí mua vật tư nguyên liệu đầu vào. Mặc dù cách làm này khiến lợi nhuận giảm sút hơn so với trước nhưng do không có vốn, không thể đầu tư nhiều nên doanh nghiệp cũng đành chấp nhận cách “lấy ngắn nuôi dài” này.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Hanel xốp nhựa bổ sung: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ, cung cấp các thiết bị cho những doanh nghiệp liên doanh trong nước, Hanel xốp nhựa phải đầu tư liên tục, nâng công suất, đổi mới công nghệ để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Muốn làm được điều đó cần cả thời gian và tiền bạc. Do đó, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng có thể tăng khoản cho vay dài hạn và trung hạn. Bên cạnh đó, nếu có thể có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn bằng USD thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn, tăng tính cạnh tranh.

 

Ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội cho biết:

Ngày 14-10-2013 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký văn bản tiếp tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp. Đối với một số doanh nghiệp có đầu tư trung và dài hạn nhưng làm thủ tục vay vốn ngắn hạn, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng ngồi với các doanh nghiệp xem xét phương án sản xuất kinh doanh, nếu đủ điều kiện thì chuyển từ vốn ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn, yêu cầu tổ chức tín dụng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng đang triển khai việc thực hiện cho vay quản lý theo dòng tiền và không cần tài sản đảm bảo. Nếu dòng tiền của doanh nghiệp minh bạch công khai và sử dụng có hiệu quả thì ngân hàng sẽ tham gia cùng doanh nghiệp quản lý dòng tiền đó.

Theo Báo Hải quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]