Những “phát hiện” thú vị về Hội Gióng

Lễ hội truyền thống nói chung, Hội Gióng nói riêng luôn có sức sống mãnh liệt trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Việt.

15.5921
UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch, Ủy ban UNESCO Việt Nam vừa tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề "Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại - trường hợp Hội Gióng" nhằm lấy ý kiến bổ sung cho hồ sơ đề cử Hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng và hàng trăm nhà khoa học trong nước, quốc tế. Qua 75 bài tham luận và các ý kiến thảo luận trực tiếp, nhiều vấn đề về tổ chức và quản lý lễ hội đã được mổ xẻ, phân tích, trong đó có những ý kiến thú vị về Hội Gióng.

"Chú ngỗng vàng khỏe khoắn"

Lễ hội truyền thống nói chung, Hội Gióng nói riêng luôn có sức sống mãnh liệt trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Việt.
 
Hội Gióng được ví như là "chú ngỗng vàng khỏe khoắn"

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: "Lễ hội Thánh Gióng là một lễ hội hết sức đặc biệt ở Đồng bằng châu thổ Bắc bộ nhằm tưởng niệm Thánh Gióng - một nhân vật huyền thoại có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước".

Theo cách ví von của GS Jo Caust, Đại học South Australia thì lễ hội truyền thống và những giá trị của nó là "chú ngỗng vàng" và Hội Gióng là "chú ngỗng vàng khỏe khoắn" bởi nó được chính cộng đồng dân cư, vừa là chủ thể sáng tạo vừa là chủ sở hữu gìn giữ và phát huy khá tốt.

Nhấn mạnh điểm độc đáo của Hội Gióng, PGS Bùi Quang Thanh, Viện VHNT Việt Nam so sánh: Thánh Gióng của người Việt có nhiều nét tương đồng với hình tượng tráng sĩ của phương Tây, nhưng tráng sĩ phương Tây là những vị anh hùng độc lập, còn ở hình tượng Thánh Gióng luôn ẩn chứa sức mạnh cộng đồng được người dân "tôn" dần thành Thánh. Do đó, Hội Gióng không phải là sản phẩm sáng tạo của riêng người dân Sóc Sơn, hay Gia Lâm mà là sự sáng tạo liên làng, liên vùng.

Thông qua sự giải mã về một số biểu tượng trong Hội Gióng như hoa tre, cỏ voi, trầu cau, PGS Bùi Quang Thanh khẳng định: Hội Gióng không chỉ có ý nghĩa tôn vinh anh hùng Thánh Gióng có công chống ngoại xâm, mà còn tôn vinh ông như là một vị thần chống lũ lụt.

Giúp cho người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về lễ hội Gióng, PGS Nguyễn Bích Hà, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có ý tưởng kể thêm truyền thuyết Thánh Gióng cho cụ thể hơn, sâu sắc hơn gắn với những mốc quan trọng trong cuộc đời ông như lúc sinh ra, chuẩn bị ra trận, đánh giặc, lên núi Sóc, hóa thân rồi hiển linh. Ý tưởng này được các nhà khoa học đánh giá cao.

Với vai trò là người quản lý di tích đền Gióng ở làng Phù Đổng (Gia Lâm), Chủ tịch UBND xã Phù Đổng - Hoàng Đức Cường cho biết: Di tích đền Gióng và Hội Gióng luôn được người dân trong vùng bảo tồn và phát huy, bởi vậy mà ở đền Thượng, cây cột bằng gỗ lim có từ thời Lý đến nay vẫn tồn tại.

“Hội Gióng vào ngày 9/4 Âm lịch hằng năm thu hút hàng nghìn người làng Phù Đổng trực tiếp tham gia, những gia đình có người được chọn làm ông hiệu, cô tướng sẵn sàng bỏ ra 30-50 triệu đồng góp cho lễ hội thêm hoành tráng. UBND xã phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền, giảng dạy về hình tượng Thánh Gióng, ý nghĩa Hội Gióng cho học sinh”, ông Cường cho biết.

Khối tài sản không thể khai thác bừa

Đã xuất hiện một số ý tưởng khai thác tiềm năng Hội Gióng khá táo bạo. TS Đoàn Minh Châu, Cung Văn hóa - Thể thao Thanh niên Hà Nội cho rằng: Trong xã hội hiện nay, Hội Gióng nên được coi là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, cần biến nó thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hội Gióng nên được coi là sản phẩm hàng hóa đặc biệt.

Quan điểm này được ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn đồng tình. Ông Nguyễn Văn Phong cho biết: Huyện Sóc Sơn đang quy hoạch khu di tích đền Sóc thành 4 khu rõ rệt, gồm 3 khu vui chơi, giải trí và một khu "bất khả xâm phạm".

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quan điểm coi di sản văn hóa phi vật thể là tài sản khá hay, nếu làm đúng, làm tốt sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt.

Tuy nhiên, GS Jo Caust khuyến cáo: Lễ hội ngày càng được gắn với mục đích phát triển kinh tế - xã hội một cách rộng rãi hơn. Sinh lời không phải là chức năng chính của lễ hội, thay vào đó, nó cần được nhìn nhận như là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy đời sống tinh thần đối với tất cả những người tham dự hay tổ chức trong mối quan hệ gần gũi. Hội Gióng của Việt Nam không phải là ngoại lệ.

GS David Harrion nói rằng, nước ông - Tây Ban Nha đã sớm đưa một số lễ hội truyền thống ở Fuentarribia vào hệ thống "điểm đến" du lịch nhưng ý tưởng này đã thất bại bởi một số yếu tố văn hóa truyền thống đã bị biến đổi…

Theo PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Trưởng BTC hội thảo, những ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế là kinh nghiệm quý giá đối với các nhà quản lý, nghiên cứu của Việt Nam về Hội Gióng nói riêng, lễ hội nói chung. Nó thể hiện sự quan tâm rộng rãi đến Hội Gióng, một lễ hội có đủ yếu tố cần thiết để trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Thu Hiền
Hanoimoi
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]