Những tủ sách nổi tiếng của NXB Kim Đồng

Trong hơn nửa thế kỷ vận hành và tồn tại, như người bạn đường thông minh, đầy am hiểu chữ nghĩa văn chương của tuổi thơ Việt, NXB Kim Đồng đã đem đến cho bạn đọc một mảng sách văn học rất lớn.

15.6009

Nguyễn Thị Minh Thái - 

Đó là những tủ sách: Tủ sách Vàng, Thơ với Tuổi thơ, Văn học dân gian, Văn học thế giới, Tuổi mới lớn, Giải thưởng Văn chương.

Trong những tủ sách ngồn ngộn và phong phú đầu sách văn chương dành cho tuổi thơ này, không những trẻ em thích tìm đọc, mà người lớn cũng bị hấp dẫn khó có thể cưỡng được.

Không ngẫu nhiên, bạn đọc trẻ em và người lớn Việt suốt hàng nửa thế kỷ nay đã đặc biệt thích đọc văn chương của Tủ sách Vàng, vốn được NXB dày công tuyển chọn hơn 350 tác phẩm xuất sắc, gắn nhiều nhất với tên tuổi lớn nhất của văn chương Việt từ xưa đến nay. Mỗi năm xuất bản hoặc tái bản là mỗi lần NXB chủ trương làm mới nội dung và hình thức cho sách văn chương, trên tinh thần đổi mới xuất bản, nhằm thích ứng và kích ứng bạn đọc đã trung thành qua hàng nửa thế kỷ đọc sách, kể từ khi NXB Kim Đồng ra đời.

Tủ sách Thơ với tuổi thơ.

Đặc biệt, trong thập niên đầu của thế kỷ 21, Tủ sách Vàng càng tăng cường đổi mới việc xuất bản sách văn học, nhằm phù hợp với tiết tấu sôi động nhanh gấp của đời sống công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước Việt Nam đang phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế với toàn cầu.

Không thể không nhớ về tuổi thơ của chính mình, khi còn là một người đọc nhỏ dại, ngay sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, cùng với bao bạn đọc quàng khăn đỏ khác, tôi đã say mê đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài và để mặc tâm hồn thơ ấu phiêu lưu, lang bạt tới những miền đất lạ cùng chú Dế Mèn, rồi cảm thương vô hạn với “Con chuột mù” là những nhân vật mà tuổi thơ Việt nào cũng khắc sâu trong tâm khảm. Đúng là văn học thiếu nhi (đã được nhà nghiên cứu văn học kiệt xuất Đặng Thai Mai định nghĩa giản dị: “Là văn học mà thiếu nhi thích đọc”) thì bao giờ cũng được thiếu nhi tìm đọc như chịu một lực hút kỳ lạ chỉ có ở văn chương viết cho tuổi thơ.

Tủ sách Vàng chủ yếu đã tập hợp được những nhà văn viết văn xuôi được thiếu nhi Việt rất ưa thích tìm kiếm.

“Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi là cuốn sách bộn bề chất liệu thiên nhiên Nam Bộ với đất rừng hoang sơ, con người miền Nam phóng khoáng, nghĩa hiệp, đã khơi gợi rất nhiều phiêu lưu tưởng tượng cho con trẻ. Sau này, qua hàng vài chục năm, khi xem phim “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một bộ phim hiện đại và hoành tráng, sản xuất vào thập niên đầu thế kỷ 21, lấy tứ truyện phim từ hai truyện ngắn của Sơn Nam, người xem vẫn phảng phất tơ tưởng, liên lạc đến những trang viết chỉ thuần chữ và chữ của Đoàn Giỏi trong “Đất rừng phương Nam” mà tôi đã đọc từ thuở là học sinh đầu cấp hai, trường Tân Trào, ngôi trường kề cận một góc Hỏa Lò Hà Nội. Đấy là những liên tưởng ngược thú vị từ phim trở lại chữ nghĩa văn chương.

Quả thật là văn xuôi Việt có những tác giả mê viết cho trẻ em và trẻ em cũng rất mê đọc những con chữ nhấp nhánh của họ, viết chỉ cốt để cho tuổi thơ đọc trong niềm hạnh phúc và sung sướng của cái đọc. Rồi “Văn Ngan tướng công” của Vũ Tú Nam là cuốn sách mang hơi hướng phản biện xã hội, phê phán nhẹ nhàng, giễu cợt tinh tế cái anh chàng Ngan công tử bột biếng lười, đầy những ảo tưởng về mình… Đấy cũng là kỷ niệm về một thời làm sách của NXB Kim Đồng, mà những quyển sách và kiểu làm sách mới mẻ như trường hợp “Văn Ngan tướng công” không phải đã được ủng hộ ngay trong tình hình xuất bản đặc thù của những năm 60…

Tô Hoài, Võ Quảng, Thy Ngọc, Phạm Hổ và Xuân Sách, rồi trước đó, là các tác giả lừng lẫy tiếng tăm của văn học Việt thời kỳ 30-45: Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Bùi Hiển… với những truyện ngắn kinh điển đều đã được NXB Kim Đồng ấn hành và trở thành những tác giả mến yêu của các em thiếu nhi ham đọc sách, không chỉ thời bấy giờ.

Tủ sách Vàng.

Và sau này, nối tiếp thế hệ nhà văn lão thành ấy, là những nhà văn, nhất là những nhà văn thời kỳ đổi mới đã cùng hướng tới người đọc thiếu nhi, hiến cho Tủ sách Vàng những tác phẩm hay: Đó là Trần Hoài Dương, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Trần Đăng Khoa, Trần Quốc Toàn, Châu Giang, Nguyễn Ngọc Thuần… Đặc biệt, suốt một thập niên đầu thế kỷ 21, nhiều tác phẩm hay đã được NXB Kim Đồng tái bản và xuất bản: “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh (2007), “Chân trời cũ” - Hồ Dzếnh (2006), “Những ngôi sao xa xôi” - Lê Minh Khuê (2006), “Tắt đèn” - Ngô Tất Tố (2005), “Thơ Tố Hữu” (2005), “Thơ Trần Đăng Khoa” (2005), “Truyện ngắn Nam Cao” (2004), “Truyện ngắn Thạch Lam” (2005), “Đảo giấu vàng” (2005, 2006), “Rôbinxơn Cruxô (2005)…

Như thế, ở thập niên đầu thế kỷ 21, NXB Kim Đồng đã mở rộng quan niệm về Tủ sách Vàng và đã cho xuất bản những đầu sách là tuyển thơ, truyện và cả sách dịch, với những cuốn sách dịch được coi là “kinh điển” cho thiếu nhi như đã thấy…

Và ngay cạnh Tủ sách Vàng, nghiêng hẳn về văn xuôi, là Tủ sách Thơ, cũng với cách lựa chọn rất tinh tế, đã hầu như không bỏ sót thi sĩ tiêu biểu nào của thơ Việt, kể từ những thi sĩ cổ điển đến những nhà thơ hiện đại. Từ thi sĩ - nhà vua kiệt xuất Trần Nhân Tông, đến đại thi hào Nguyễn Du với “Truyện Kiều”, đến thơ của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương… và thơ của các nhà thơ cổ điển Việt Nam khác.

Và tiếp nối đông đảo nhất là các nhà thơ hiện đại thời chống Pháp, chống Mỹ, “Một thời đánh giặc, một thời làm thơ” - như tên một cuốn sách tổng kết thi ca. Đây quả là đội ngũ thi sĩ hùng hậu nhất của tủ sách này: Hồ Chí Minh, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Huy Cận, Quang Dũng, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Bàng Sĩ Nguyên, Dương Hương Ly, Hoàng Minh Châu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Trần Đăng Khoa, Lê Giang, Lê Minh Quốc, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Kỳ Anh, Đoàn Thị Lam Luyến, Lò Ngân Sủn…

Thơ với bạn đọc trẻ em thường là loại tác phẩm văn học có vần điệu trầm bổng dễ nhập tâm, thuộc lòng hơn so với văn xuôi, nhưng lại không dễ hiểu những ý ngầm chìm sâu ở phía sau của con chữ thơ, khác hẳn với phương thức tự sự của văn xuôi. Những câu thơ thuộc nằm lòng từ tuổi ấu thơ sẽ đi mãi cùng ta, kể cả những khi ta có thể bị trượt chân ngã trong cuộc đời dài dặc này, thì có khi sẽ phải “vịn vào câu thơ mà đứng dậy” như thi sĩ Phùng Quán đã từng trải nghiệm trong cuộc đời thi sĩ quá lênh đênh của chính mình.

Vì thế, có rất nhiều câu thơ hay, đẹp, lạ và lộng lẫy từ các thi phẩm rực rỡ trữ tình nhất của các thi sĩ trong tủ sách “Thơ với tuổi thơ” từng đã ở lại trong hành trang tinh thần của trẻ em Việt, như tuổi thơ mãi mãi cùng ta. Và thơ có thể sẽ hiện lên và vụt sáng trong những khúc quanh của cuộc đời, nhất là khi ta đã thành người lớn.

Không phải ngẫu nhiên thần thoại Hy Lạp trong kho tàng văn học thế giới đã được người đọc toàn cầu coi là tuổi thơ của nhân loại. Nhân loại càng trưởng thành càng muốn tìm về, ngoái lại tuổi thơ một đi không trở lại của mình và muốn giữ gìn mãi ký ức về tuổi thơ trong cái đọc của mình. Và chỉ có Thần thoại Hy Lạp mới là được điều hi hữu ấy!

Nửa thế kỷ qua, một trong những công việc sáng giá nhất của NXB Kim Đồng là đã bắc được cây cầu ấy cho bạn đọc thiếu nhi và cho cả bạn đọc đã là người lớn - về với tuổi thơ.

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]