Thương hiệu Pentax
Với những người yêu thích nhiếp ảnh, thương hiệu Pentax chẳng có gì lạ lẫm. Song trong những năm gần đây, cái tên Pentax cứ “lặn” dần trong khi cạnh tranh giữa Nikon và Canon vẫn luôn căng thẳng, còn Sony và Fujifilm ngày một được lòng người dùng.
Cho đến cuối năm 2011, chủ sở hữu trước là công ty Hoya chuyển nhượng Pentax lại cho Ricoh, và vẫn được chủ mới giữ nguyên như một thương hiệu máy ảnh DSLR, ống kính rời và ống nhòm. Còn Ricoh sẽ tập trung vào nhóm máy ảnh compact và các phát minh công nghệ.
Máy ảnh và ống kính Pentax, đặc biệt là một số ít sản phẩm được sản xuất với số lượng giới hạn, luôn được đánh giá cao về chất lượng. Cho đến nay, Pentax vẫn chưa có một máy ảnh kỹ thuật số sử dụng cảm biến Full Frame nào dành cho giới chuyên nghiệp, mà tập trung chủ yếu vào dòng ASP-C và chút ít vào dòng Medium Format kén khách (cảm biến lớn hơn cả Full Frame). Khó trách nhóm khách hàng trung thành với Pentax ngày càng có xu hướng nhỏ dần.
Không dành cho tay mơ
Giữ nguyên phong cách thiết kế từ dòng K-7 với chỉ một số ít thay đổi, Pentax K-3 chủ yếu bố trí thêm một số phím giúp thao tác nhanh gọn hơn. Có tổng cộng 19 nút điều khiển (không tính nút nguồn) và nhiều bánh xe, cần gạt trên thân K-3, cộng với màn hình phụ trên đỉnh máy. Rõ ràng, Pentax không thiết kế K-3 dành cho tay mơ, bởi dễ bị rối mắt trước cơ số nút lạ hoắc. Với những người đã sử dụng máy DSLR Nikon, việc làm quen với Pentax K-3 có phần dễ dàng hơn bởi cách bố trí các nút điều khiển khá tương đồng. Song khi đã làm quen được với chiếc máy này, người dùng sẽ nhận ra rằng vị trí từng phím bấm đều được nghiên cứu một cách chính xác, hợp lý cho mọi nhu cầu và kích thước bàn tay.
Ngoại hình đã vậy, nhưng menu điều khiển K-3 còn khiến người dùng kinh ngạc và “mệt” hơn. Điều này không phải do cách bố trí, mà bởi Pentax đã bố trí hẳn một “cơ man” tính năng, chế độ chụp, từ việc ưu tiên tốc khẩu TAv độc quyền, cho đến cân bằng trắng cũng tới… 19 chế độ, kèm theo là hàng chục hiệu ứng gắn cho ảnh, xử lý file RAW ngay trên máy, tinh chỉnh hệ thống lấy nét, hay thậm chí dàn trang trong layout cũng có. Dường như, Pentax cố đưa mọi thứ vào một chiếc máy, chứ không chỉ đơn giản là tạo ra một chiếc máy ảnh tốt. Với K-3, ngay cả những người có nhiều kinh nghiệm sử dụng DSLR cũng mất không ít thời gian để làm quen. Nhưng đổi lại, khi đã làm chủ được, họ sẽ cảm thấy có đủ thứ mình cần đối với một chiếc máy ảnh.
Ngoài ra, Pentax còn bổ sung nhiều tính năng đáng giá, thường chỉ gặp ở các máy ảnh chuyên nghiệp cho K-3. Hai khe thẻ nhớ SD hỗ trợ ghi lần lượt từng thẻ hoặc đồng thời cả 2 thẻ để tránh mất ảnh do lỗi thẻ. Ống ngắm quang học có độ phủ 100% khung ảnh giúp quan sát dễ dàng, căn chỉnh chính xác khung ảnh muốn chụp, một thiết kế rất hiếm với cảm biến APS-C. Và tuy không trang bị sẵn kết nối Wi-Fi, Pentax đồng thời giới thiệu loại thẻ nhớ Flucard (có giá khoảng 100USD cho dung lượng 16GB class 10, trong khi thẻ Sandisk 16GB class 10 chỉ 11USD) cho phép người dùng chuyển dữ liệu qua các thiết bị thông minh và điều khiển K-3 từ xa.
Pentax không cung cấp khả năng quay phim 4K thực sự, mà chỉ là sử dụng Interval Movie Record để chụp Timelapse 4K. K-3 cho phép tùy chỉnh chụp bao nhiêu tấm, mỗi tấm cách nhau bao nhiêu thời gian (ngắn nhất là 2 giây 1 ảnh) rồi tự động kết nối thành một đoạn phim mà không cần đến phần mềm nào khác.
Pentax K-3 đem lại cảm giác vững chắc hơn hẳn so với các đối thủ từ hãng khác. Lớp cao su giả da bọc bên ngoài cũng rất dày dặn, êm ái và không bị rít tay khi dính mồ hôi. Màn hình được bảo vệ bởi kính cường lực, và phủ săn lớp chống chói để sử dụng ngoài nắng. Đặc biệt, Pentax còn bố trí 92 điểm WR (Weather roof - chống chịu thời tiết), giúp K-3 có thể chịu được nước, bụi bẩn và thậm chí hoạt động tốt ở thời tiết tới -10ºC. Khi sử dụng với ống kính có chứng nhận WR, Pentax K-3 có thể chịu được tia nước bắn trực tiếp. Một số thử nghiệm với K-3 ở nhiệt độ tới -20ºC mà máy vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, đại diện Pentax cho biết nên cố gắng hạn chế để K-3 tiếp xúc với nước biển, đặc biệt ở vị trí lỗ cắm chân máy. Cần chú ý không ngâm máy dưới nước và lau khô máy khi bị dính nước. |
Hiệu năng
Kể từ khi về tay Ricoh, các máy Pentax được cải thiện rất nhiều tính năng, và lấy nét tự động theo pha (Phase AF) đã trở thành niềm tự hào. Không có quá nhiều điểm lấy nét, chỉ gồm 27 điểm nhưng có đến 25 điểm dạng chữ thập với độ chính xác cao. Chế độ AF.A tự động chuyển đổi qua lại giữa AF.S ( Single Mode) và AF.C ( Continuos Mode) với những khung cảnh thích hợp với chủ thể di chuyển hoặc đứng yên.
Ngay cả với môi trường ánh sáng yếu, hệ thống AF của K-3 vẫn hoạt động rất chính xác mà không cần tới đèn hỗ trợ, trong khi nhiều máy DSLR khác phải vất vả để thực hiện điều tương tự. Đáng ngạc nhiên hơn, khi dùng các ống kính cũ dòng FA được thiết kế dành cho máy film có hệ thống lấy nét dùng trục quay cơ học kiểu cũ thì độ ổn định và chính xác của K-3 khi lấy nét không hề suy giảm, dù không thể cải thiện tiếng ồn và tốc độ cố hữu trên các ống kính cũ. Tốc độ lấy nét của K-3 phụ thuộc hầu hết vào ống kính, và tốt nhất với các ống kính có công nghệ micromotors DC, trong đó ống kính KIT 18-185mm đạt được tốc độ và hiệu quả cao nhất.
K-3 với tốc độ màn trập tối đa 1/8000 giây và tốc độ chụp liên tiếp 8,8 hình mỗi giây (thử nghiệm với thẻ nhớ SanDisk Extreme Pro UHS-3 SDXC) vẫn có thể “bắt chết” những khoảnh khắc khi chụp thể thao. Phương pháp đơn giản nhất để thực hiện việc này là điều chỉnh chế độ Hold AF để máy tự động bám theo đối tượng, chờ đợi cơ hội thích hợp chụp liên tiếp, chọn lấy khoảng khắc đẹp nhất. Chế độ chụp và lấy nét liên tiếp hoạt động khá hiệu quả với những vật thể di chuyển theo chiều ngang khung hình, song khi các vật thể ngày càng tiến gần thì tỉ lệ ảnh không lấy nét chính xác khá lớn, đôi khi lên tới 50-70%.
Ngay cạnh cảm biến, Pentax đã thiết kế cho K-3 một bộ chống rung quang học bằng cách dịch chuyển cảm biến. Kết quả là bất cứ ống kính nào có thể gắn được lên K-3, dù là ống kính vintage cũng đều được chống rung chủ động khá hiệu quả. Điều này giúp người dùng máy ảnh Pentax tiết kiệm được đáng kể chi phí nâng cấp ống kính, trong khi đó, Nikon và Canon lại đặt cơ chế chống rung ở ống kính.
Chất lượng ảnh
Không rõ từ lúc nào, nhiều người chơi nhiếp ảnh tại Việt Nam có quan niệm: Canon chụp mẫu, Nikon chụp cảnh, còn mấy gã chơi Pentax chỉ chăm chăm chụp hoa lá. Suy nghĩ này dường như do tông màu ảnh JPG từ các hãng máy có xu hướng khác nhau, song ranh giới này sớm bị xóa nhòa với sự ra mắt của K-3. Màu sắc ảnh JPG từ K-3 đi theo thiên hướng dịu dàng, tự nhiên và chính xác, sau khi chọn chế độ màu Natural/Tự nhiên với Hue+3 và Contrast+1.
Nguyên nhân chính thuộc về hệ thống cân bằng trắng “kỳ lạ” của chiếc máy ảnh này. Thông thường, với một khung cảnh toàn màu vàng thì ít nhiều nước da của người mẫu trong ảnh phải có ám chút xanh dương, nhưng với K-3 thì màu nào ra màu đó, gần như chính xác với mắt người. Chiếc máy ảnh này không hề ngần ngại các môi trường ánh sáng phức tạp. Thậm chí, có thể điều chỉnh cân bằng trắng của một tấm ảnh đã chụp và lưu thẳng ra một tấm ảnh mới.
Xử lý ảnh ở độ nhạy sáng (ISO) cao vốn không phải thế mạnh của Pentax, song chiếc K-3 không làm chúng tôi thất vọng. Từ khoảng ISO 100-3.200, chi tiết và màu sắc ảnh hầu như không thay đổi. Cho đến ISO 6.400, sạn bắt đầu xuất hiện và ở ISO 12.800 thì chỉ có thể sử dụng ảnh ở cỡ nhỏ. So với Nikon D7100, ảnh từ Pentax K-3 xuất hiện ít sạn hơn ở ISO cao và giữ được các chi tiết ảnh tốt hơn đáng kể, dù cả 2 chiếc máy ảnh này đều được ưu ái sử dụng thiết kế cảm biến không cần tới bộ lọc răng cưa (AA filter) trong đa số trường hợp thông thường. Theo các kỹ sư của Pentax, cảm biến của K-3 luôn dịch chuyển trong khi chụp 4 chiều, qua đó khử được hiệu ứng moiré mà không cần kính lọc, nên ánh sáng đi tới cảm biến không bị suy giảm.
NVNN đánh giá | ||
Thiết kế | 80% | Khi cảm biến Full-Frame không hẳn là thứ cần thiết, Pentax K-3 có thể là lựa chọn rất lý tưởng với đầy đủ các tính năng và chất lượng ảnh cao, song lại không có được cộng đồng hỗ trợ đông đảo. |
Tính năng | 87% | |
Hiệu năng | 81% | |
Giá trị | 83%% | 4 sao |
Thông số kỹ thuật máy ảnh Pentax K-3
|