Rát lưỡi là bệnh gì?
Theo Sức khỏe và đời sống, bề mặt của lưỡi gồm rất nhiều gai lưỡi chứa đầu mút thần kinh cảm giác vị giác và được bao phủ bởi niêm mạc lưỡi. Phía trên niêm mạc lưỡi luôn có một lớp mỏng tế bào chết mà người ta gọi là bựa lưỡi. Lớp bựa trắng này giúp bảo vệ niêm mạc lưỡi.
Nếu các lớp bảo vệ niêm mạc lưỡi này bị giảm đi, bong tróc sẽ để lộ ra niêm mạc lưỡi màu đỏ bên dưới, để lộ đầu mút thần kinh cảm giác tiếp xúc trực tiếp với nước bọt. Nước bọt cũng là một loại men tiêu hóa nên sẽ gây viêm loét thêm nơi lộ niêm mạc lưỡi, tác động kích thích trực tiếp vào đầu mút thần kinh lưỡi sẽ gây ra các cảm giác nóng bỏng hay đau rát, nhức nhối khó chịu nhất là khi chúng ta ăn thức ăn cay, nóng, mặn, chua,…
Các tác động của việc ăn uống như ăn nhiều thức ăn nóng, cay (như ớt, tiêu), chua (như dứa, chanh) hay động tác cạo bựa lưỡi thường xuyên, ngậm muối vào miệng,…đều gây tổn thương lướp bảo vệ niêm mạc lưỡi và gây ra đau rát khó chịu như bỏng nước sôi.
Trả lời trên Phụ nữ Online, bác sĩ Võ Quang Phúc – Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, bệnh lý của lưỡi (không có vết loét) bao gồm:
- Viêm gai lưỡi: triệu chứng nóng rát, các gai lưỡi đỏ.
- Viêm lưỡi bản đồ: có những mảng trắng, bờ viền đỏ: triệu chứng: cảm giác vướng lưỡi, rát lưỡi.
- Nấm lưỡi: có bợn trắng khắp lưỡi, triệu chứng : vướng, rát lưỡi, giảm vị giác. Bệnh này thường phải phết họng để tìm nấm Candida.
- Viêm lưỡi kèm theo các bệnh nhiễm khuẩn nhiễm siêu vi như: viêm họng cấp, viêm ami đan, sởi, sốt phát ban.
- Viêm hai bên bờ lưỡi cũng có thể do răng hàm trên và dưới khi nhai sẽ chạm vào hai bên bờ lưỡi, gây rát lưỡi do lệch khớp cắn.
Mỗi bệnh có cách điều trị khác nhau. Bạn có thể súc miệng bằng các loại thuốc súc miệng, các loại kẹo ngậm có bán ở các tiệm thuốc tây; tránh dùng gia vị cay, chua; ăn nhiều thức ăn giàu kẽm (con hàu), nhiều vitamin C , A.
Tê lưỡi là một triệu chứng của bệnh
- Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Quốc Tế Thành Đô trả lời trên Vnexpress, tê lưỡi là biểu hiện của bệnh thiếu một số chất như vitamin PP, vitamin nhóm B... hoặc thiếu một số muối khoáng như Fe, Mg, Zn...
- Bệnh viêm dây thần kinh đơn độc hoặc trong hội chứng viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
- Bệnh thoái hóa gai lưỡi trong các bệnh mạn tính như tiểu đường, đau dạ dày kinh niên, tai biến mạch máu não hoặc trong một người dùng thuốc lâu dài.
- Một số tình trạng viêm nhiễm tại chỗ như viêm nướu và bệnh lý răng miệng, viêm lưỡi, viêm họng, viêm tuyến nước bọt mang tai, dưới lưỡi hoặc dưới hàm...
- Một số bệnh lý thần kinh trung ương như thoái hóa não, u não, chấn thương... chủ yếu liên quan dây thần kinh lưỡi (số 12).
- Rối loạn tấm lý thần kinh (loạn cảm họng).
Để chẩn đoán cần phối hợp chuyên khoa Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt và nội thần kinh. Khi có kết quả chẩn đoán vấn đề điều trị cũng không đơn giản. Thời gian điều trị tùy đáp ứng mỗi người.