Rộng lượng hơn trong cách suy xét

(NLĐO)-Sau khi có dư luận về sự giống nhau trong cốt truyện, chi tiết, bối cảnh…giữa 2 truyện ngắn Dòng sông tật nguyền của tác giả Phạm Văn Khương và Cánh đồng bất tận của tác giả Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của độc giả.

15.6047
Phạm Thị Ngọc Lan ( 83bis Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, Quận 1, TPHCM) : Đã là nhà văn không ai lại dễ dàng chấp nhận đạo văn vụng về kiểu như vậy. Có những tác phẩm đạo văn tinh vi mà người ta không cách gì phán xét.Về sự kiện này, chúng ta cần tỉnh táo trong phê phán, rộng lượng hơn trong cách suy xét. Ai dám bảo rằng tư tưởng không gặp được nhau? Không nên hàm hồ quy kết sự việc mà cần quan tâm đến tâm trạng người trong cuộc. Kyky ([email protected]): Theo tôi, tác giả Dòng sông tật nguyền (DSTN)  muốn nhờ vào Cánh đồng bất tận (CĐBT) để quảng bá tên tuổi của mình. Một nhà văn mà khi CĐBT đang được bàn tán nhiều như vậy lại không đọc thì quả là vô lý. Tôi nghĩ tác giả Thanh Khương có đủ bản lĩnh để viết thì cũng đủ bãn lĩnh để nghe ý kiến của người đọc. Thùy Trinh (10 Ngọc Lâm, Hà Nội) : Đọc bài có sự giống nhau của CĐBT và DSTN , tôi thấy chẳng có gì phải bàn cãi nhiều, hiển nhiên là Phạm Thanh Khương đã ăn cắp ý tưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong việc viết truyện ngắn DSTN. Không thể lấy truyện ngắn CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư so với DSTN của Phạm Thanh Khương vì DSTN như một chiếc áo rách cũ sờn mà so với CĐBT - một bộ com lê còn nguyên nếp hồ thơm mới, một tác phẩm quá hay và đặc sắc. Tức là so sánh thì quá khập khiễng. DSTN là một truyện ngắn mà tôi đọc xong thấy nó là truyện bình thường về phong cách, cốt truyện, nội dung ,văn phong và không có gì đặc sắc trong nghệ thuật trong tả cảnh, tả người. Lời văn không trau truốt, dùng cách xưng hô và chửi thề tràn lan và vô lý. Tôi cho rằng Phạm Thanh Khương hãy thành thật xin lỗi Nguyễn Ngọc Tư về việc coppy tình tiết và cốt truyện.  Nguyễn Hữu Trung ([email protected]): Cả 2 truyện ngắn đều rất hay. Không nên tốn phí thời gian cho chuyện bình luận. Có thể giống nhau vì cả hai truyện đều nói về con người và lòng yêu thương con người. Tran Binh Yen (80 Fifth Ave. 1104 New York, NY 10011): Đọc cả 2 truyện ngắn, xem phát biểu của 2 nhà văn, tôi thấy ông Phạm Thanh Khương là người dũng cảm khi nói rằng không hề đọc truyện của cô Tư. Ông Phạm Thanh Khương không đọc CĐBT mà viết DSTN như thế thì ông Khương đúng là thiên tài. Cô Nguyễn Ngọc Tư bình tĩnh, ung dung tự tại là điều đáng mừng. Trần Thị Giao Thủy (78 B Hùng Vương - Nha Trang): Tôi rất thích CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư. Đó là một truyện ngắn đặc sắc với một chất giọng đặc biệt đặc trưng cho phong cách người miền Tây. Hôm nay, tôi đọc DSTN của Phạm Thanh Khương và tôi thấy cũng hay. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng rõ ràng DSTN không thể hay bằng CĐBT. Dù có những chi tiết na ná nhau, nhưng tôi hoàn toàn phản đối ý kiến cho rằng 2 truyện này giống nhau. Qua CĐBT, có thể dễ dàng nhận ra những đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Còn trong DSTN là những hình ảnh của thiên nhiên và con người Bắc bộ. Qua những mô tả sinh động của tác giả, hình ảnh con người và cái nghề đặt mó hiện lên rất chân thực và sinh động. Hai người cha này với những tính cách cũng khác biệt nhau. Người cha của DSTN thô lỗ, cộc cằn. Còn người cha của CĐBT khôn ngoan và tinh tế hơn nhiều. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ rằng trong cuộc sống có những khỏanh khắc trùng lặp nhau và có thể đây là một ví dụ. Giống như trường hợp tác phẩm Một cuộc đua của tác giả Quế Hương, người được giải nhất trong cuộc thi truyện ngắn viết cho thanh niên học sinh do Hội nhà văn và Nhà xuất bản giáo dục tổ chức có nhiều chi tiết của Một cuộc đua giống hệt tác phẩm Con sẻ què của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần. Thậm chí, nhiều bạn đọc còn phản ảnh đó là cốt truyện của một bộ phim Đài Loan. Khi trả lời vấn đề này, nhà văn Quế Hương nói rằng những motip đó thường xuất hiện trong cuộc sống và nếu trùng lặp thì không có gì là lạ. Vì vậy, Tôi tin cả Nguyễn Ngọc Thuần và Phạm Thanh Khương đều là những người trung thực.  Hongnga ([email protected]): Tôi đã đọc cả hai truyện ngắn CĐBT của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và DSTN của Phạm Thanh Khương , tôi thấy rõ ràng là DSTN là con đẻ của CĐBT. Thoại Nguyễn ([email protected]): Tôi đã đọc 2 tác phẩm CĐBT và DSTN, sau đây là một số ý kiến của tôi: Đầu tiên, tôi xin nói là tôi không thích tác phẩm CĐBT, văn phong hay nhưng sự nghiệt ngã của nội dung tác phẩm không khiến tôi hoan nghênh, tôi không tin trên đời lại có một người cha như thế. Những truyện ngắn khác trong tập truyện này còn hay hơn. Nói như vậy để chứng minh tôi chỉ công tâm nhận xét, không phải vì yêu thích tác phẩm này mà đả kích những tác phẩm khác. Thứ hai, về văn phong, bối cảnh trong CĐBT: Là văn phong riêng của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi đã đọc rất nhiều truyện ngắn của nhà văn này kể từ tập truyện Ngọn đèn không tắt, nên tôi chắc chắn rằng đây là văn phong của chị không lẫn vào đâu được, cho dù tôi không biết Nguyễn Ngọc Tư hay Phạm Thanh Khương ai cho ra đời tác phẩm của mình trước. Thứ ba, hai tác phẩm văn học cho dù giống nhau thì cũng không thể trùng lắp ý tưởng đến trên 90 % như trường hợp này. Từ hình ảnh, tính cách của người cha, của đứa con gái, của người mẹ cho đến những tình tiết của câu chuyện: đứa con gái có kỳ kinh đầu tiên, đứa con gái ngủ quên trong khoang mũi thuyền (trong truyện CĐBT là ngủ quên trong bồ lúa), tình tiết đứa con gái bị hãm hiếp. Những tình tiết ấy giống nhau 100%, không thể nói là do trùng lắp ý tưởng được. Truyện DSTN chỉ còn thiếu nhân vật đứa em trai nữa thôi. Ngay cả không gian diễn ra 2 câu chuyện cũng giống như... cùng 1 nơi, cho dù cánh đồng trong DSTN không được khắc họa rõ nét như trong CĐBT. Trong DSTN, những chi tiết khác với CĐBT thì lại vụng về, xử lý gượng ép, như tình tiết phát hiện ra cô Hến là dì ruột của đứa con gái. Cuối cùng, tôi xin được đồng quan điểm với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, văn chương không nhất thiết phải rạch ròi, kéo nhau ra tòa. Hãy để những người làm văn tự biết lấy. Và với việc báo NLĐ đăng song song 2 tác phẩm này lên, người đọc sẽ có cách cảm nhận riêng. Phạm Khắc Cần (TPHCM): Đây là lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy truyện ngắn này đã làm xôn xao dư luận báo chí thời gian qua nhưng thú thật là tôi cũng không quan tâm lắm. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc truyện ngắn DSTN của Phạm Thanh Khương, sau khi đã đọc xong CĐBT. Tôi thấy CĐBT không quá đặc sắc. Ngoài bút pháp và giọng văn chân chất của Nguyễn Ngọc Tư ra, cách hành văn và cú pháp còn lủng củng, non nớt so với DSTN. Thêm nữa, theo tôi, 2 truyện ngắn trên không hoàn toàn giống nhau. Có giống nhau là ở số phận của nhân vật và chiều hướng phát triển của nhân vật đó. Ai dám khẳng định rằng trên trái đất này, trên đất nước VN này không có những con người có số phận giống nhau? Còn ai đó nói 2 truyện ngắn này giống nhau về bút pháp, văn phong thì nên đọc kỹ lại. [email protected]: Cũng tương tự như tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh và Những người khốn khổ của Victor Hugo vậy, tôi không nghĩ là Hồ Biểu Chánh bị coi là đạo văn. Điều đáng trách ở đây là Phạm Thanh Khương dám dũng cảm nói là mình chưa bao giờ đọc hay biết gì về CĐBT. Điều đó làm giảm lòng tin của tôi với một nhà văn có tên tuổi, chức vụ và tuổi tác như ông. Dù sao cũng xin cám ơn Phạm Văn Khương đã cho ra đời một DSTN, tôi đọc hết truyện ngắn này và không muốn nói lời so sánh gì với CĐBT. Trọng Lễ ([email protected]): Cái giản di, mộc mạc, chân chất là nét đặc trưng độc đáo nhất đã tạo nên một Nguyễn Ngọc Tư. Không phải chỉ ở một CĐBT mà xuyên suốt ở toàn bộ tác phẩm của chị - một người con của miền Tây sông nước. Đó cũng chính là nét đặc thù không lẫn vào đâu được của những con người, những làng quê của sông nước miền Nam. Thế mà giờ đây, khi đọc DSTN - dòng sông miền Bắc với một người miền Bắc hiện thân là tác giả lại gán ghép một cách khập khiểng nét đặc trưng rất miền Tây không lẫn vào đâu được. Hãy trả lại dòng sông, làng quê, con người miền Bắc những gì nó vốn có, mãi mãi là của nó. Bỗng nhiên tác giả Phạm Thanh Khương lại có một tác phẩm xa lạ với chính mình nếu so sánh với các tác phẩm trước đây của chính ông. Tran Van Vinh (USA): Chuyện DSTN có coppy CĐBT hay không tôi không dám kết luận, hy vọng là những người trong cuộc và các cơ quan chức năng nếu cần sớm có câu trả lời cho độc giả. Tôi chỉ có một câu hỏi đối với ông Phạm Thanh Khương rằng: Là một nhà văn đồng thời là phó tổng biên tập một tờ báo, ông đã đọc những gì suốt một năm qua? Tôi là một người sống xa đất nước, không có nhiều điều kiện để đọc hết những sáng tác mới của các tác giả trong nước, nhưng tôi cũng kịp thời đọc CĐBT các đây vài tháng khi chuyện phê bình và bênh vực tác giả của nó nổ đầy trên các mặt báo. Yennga (TPHCM): Vốn mê Nguyễn Ngọc Tư nên hầu như tác phẩm nào của chị, tôi đều tìm đọc. Khoảng tháng 9-2005, khi biết chị vừa hoàn thành một truyện mới với tựa đề CĐBT, tôi đã tìm và đọc say sưa từ dòng đầu cho đến dòng cuối bởi chưa bao giờ tôi được đọc một tác phẩm đậm chất Nguyễn Ngọc Tư như thế. Tôi chỉ là một độc giả mà tôi còn quan tâm đến. Thế mà một nhà văn lại nói rằng ông chưa từng đọc. Và bây giờ, khi dư luận lại râm ran về sự trùng hợp giữa CĐBT và DSTN, tôi lại tìm để đọc DSTN và sáng nay tôi đã được đọc tác phẩm này. Ngoài chi tiết cô Hến là dì ruột của đứa con gái ra, tất cả đều giống nhau đến ngờ nghệch. Tôi không nói DSTN là bản sao của CĐBT nhưng tôi thật sự có niềm tin ở chị Nguyễn Ngọc Tư hơn. Cảm giác vừa tức, vừa thất vọng cứ đeo bám tôi trong suốt quá trình đọc DSTN. Nguyễn Văn Học (Phòng 30, số 18, Ngô Tất Tố, Đống Đa, Hà Nội): Hẳn hàng chục triệu dân Việt Nam ai cũng thích Truyện Kiều và đều thấy rằng, cốt truyện được lấy từ tác phẩm của nhà văn Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy là mượn nội dung cốt truyện, nhưng Nguyễn Du đã sáng tác theo cách của mình, và chẳng ai nghĩ rằng Nguyễn Du đạo văn. Hay truyện Chí Phèo của Nam Cao và AQ chính truyện cũng có những điểm hao hao…Nếu như chỉ vì sự hao hao mà kết luận Phạm Thanh Khương đạo văn của Nguyễn Ngọc Tư thì chúng ta cần phải xem lại nhiều tác phẩm trong lịch sử văn học. Nguyễn Đức Huyên (315 Trường Chinh-TP. Đà Nẵng): Bây giờ đương là kỳ thi đấu bóng đá thế giới, tôi lại liên tưởng Phạm Thanh Khương như một bình luận viên tập sự, vừa nghe bình luận viên lão làng Nguyễn Ngọc Tư bình luận trực tiếp trận đấu, vừa bình luận lại trận đấu đó. Lẽ đó, cái bình của Phạm Thanh Khương không có đủ thời gian cho sự sáng tạo, anh không thể cùng một lúc vừa phải học khẩu khí, vừa phải học nội dung. Ngọc Tư thì chỉ có một. Thanh Khương không thể là Ngọc Tư được. Trần Thị Giao Thủy ([email protected]): Dù tất cả những ai đã đọc 2 tác phẩm CĐBT và DSTN đều có ý phê phán Phạm Thanh Khương thì tôi vẫn sẽ khăng khăng giữ ý kiến của mình: Đôi khi, có những sự trùng hợp kỳ lạ không thể lý giải mà CĐBT và DSTN là một ví dụ. Huống hồ motip trong 2 tác phẩm trên không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Tôi xin đưa ra 1 ví dụ : Cách đây ít lâu, tôi có 1 truyện ngắn đăng trên báo Tiếp thị và Gia đình. Ngay sau đó, tòa sọan gọi điện cho tôi, báo tin là có mấy người đến tòa soạn khiếu nại là tại sao tác giả lại đưa chuyện của họ lên báo mà không xin phép. Người khác thì đề nghị cho gặp tác giả để đối chất. Có người còn nói rằng chắc tôi là người thân quen lắm mới rành chuyện gia đình của họ như vậy. Khi tôi hỏi lại thì tất cả những người đó tôi đều không quen biết. Và điều quan trọng cần nói ở đây là truyện ngắn trên hoàn toàn là câu chuyện hư cấu. Nhưng những mô típ như trong truyện thì đầy rẫy trong cuộc sống. Vì vậy, tôi tin Phạm Thanh Khương khi ông nói rằng ông chưa đọc CĐBT. Đâu phải chỉ một mình Phạm Thanh Khương chưa đọc tác phẩm này. Đâu phải ai cũng quan tâm đến các cơn lốc văn chương. Vì vậy, xin hãy khoan dung đối với Phạm Thanh Khương. Dương Nữ (TPHCM - [email protected]): Tôi cảm thấy nhiều nhà phê bình, nhiều nhà văn thật vô lý, họ đã không nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều mà theo cảm tính. Văn chương là duyên phận, có thể duyên mệnh và cứ cho là cả tài năng nữa đã cho một một người cầm bút già không được nổi tiếng bằng hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư nhưng đâu có nghĩa là ông cần phải ăn cắp. Tôi tin và rất tin Phạm Thanh Khương là một tác giả chân chính đúng nghĩa. Tác phẩm của ông chỉ có sự trùng lặp ngẫu nhiên và ông hoàn toàn vô tư với những cảm xúc của mình. Khi mà thời đại, người người đọc sách bằng dư luận chứ không phải bằng cảm nhận cá nhân, bằng những cuộc diễn đàn vô bổ như hiện tượng Bóng đè- Đỗ Hoàng Diệu. Sao mọi người không hiểu một người cầm bút chân chính sẽ không bao giờ cố ý lặp lại bất cứ cái gì của người khác. Còn bối cảnh, cảm xúc có thể giống nhau lắm chứ. Ông phải viết về nó thao thiêt và đầy xúc cảm hơn Nguyễn Ngọc Tư chứ. Và cái kết nhân đạo của ông, buồn cười lại bị đào xới là sến. Phải chăng văn đàn đang nghèo nàn quá nên chúng ta đang làm ầm ĩ lên, trong khi nhân vật chính có khi lại đang ngồi ung dung tự tại vì chính ông, chính cô Tư mới biết mình là ai và như thế nào. Xin mọi người hãy thôi ý kiến, chuyện không có gì phải bàn. Cô Tư là cô Tư, ông Khương là ông Khuơng, không ai thèm đạo văn của ai. Bởi vì chúng ta có một cuộc đời để sống, chúng ta đủ khôn ngoan để hiểu. Đủ cảm xúc và vốn sống để không nương tựa vào những thứ vay mượn, phù phiếm. Xin chân thành gửi đến ông Khương sự chia sẻ của tôi. Nguyễn Văn Học (Hà Nội- [email protected]): Bản thân tôi rất trân trọng các ý kiến, nhất là của các độc giả trên cả nước, sau đó là của các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học.Tuy nhiên, những nhận định cảm tính xuất phát từ cách đọc tác phẩm hời hợt và một thái độ cực đoan nào đó trong việc thẩm định tác phẩm, có thể xúc phạm rất nặng đến lòng tự trọng của Nguyễn Ngọc Tư và Phạm Thanh Khương. Những nhận xét ấy đã làm lộ ra sự hời hợt của nhà phê bình và tạo nên sự hoang mang không đáng có cho bạn đọc... Không phải đến Dòng sông tật nguyền, Phạm Thanh Khương mới có tác phẩm về đề tài làng chài và những mảnh đời bất hạnh. Anh đã có tập truyện ngắn Tiếng gọi đời sau, xuất bản năm 2005, trong đó có nhiều truyện về mảng đề tài làng chài. Hẳn Phạm Thanh Khương cũng không cần nhờ đến Dòng sông tật nguyền để thiên hạ biết đến mình. Anh đã có nhiều truyện ngắn trên Văn nghệ quân đội. Tôi xin phép không bình luận truyện của Phạm Thanh Khương, nhưng xét ở góc độ logic, rõ ràng, với những gì đã có, Phạm Thanh Khương chẳng dại gì lại đi đạo văn một tác phẩm đang nổi và nhạy cảm này. Nhân sự việc này, tôi cũng xin có lời ngỏ với các cơ quan báo chí rằng, văn chương vốn là ý tại ngôn ngoại, văn chương vốn không mười mươi một cộng một bằng hai, cho nên, trước hai tác phẩm hao hao giống nhau, cần có sự xem xét, nghiên cứu kĩ lưỡng trước khi đưa ra lời nhận xét hay ý kiến của thiên hạ về hai tác phẩm. Huỳnh Tấn Phúc (39 Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Nẵng): Tôi đã đọc Cánh đồng bất tận trước. Gần đây nghe xôn xao dư luận về truyện Dòng sông tật nguyền của Phạm Thanh Khương, tôi đã có ý tìm đọc. Cám ơn tòa soạn đã post bài này lên trang web của báo cho tôi có điều kiện đọc được. Mỗi truyện đều có nét riêng của mình, không thể nói bên này copy ý tuởng của bên kia. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp khá thú vị. Có điều tôi thấy truyện của Phạm Đăng Khương không hay bằng truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Có lẽ vì cá nhân tôi có dịp tiếp xúc với đồng đất, sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều hơn, nên đọc truyện CĐBT tôi hình dung ra được khung cảnh và diễn biến tâm lý nhân vật trong truyện. Tóm lại, tôi thấy cứ để 2 truyện ngắn này sống yên với đời sống của chúng. Đặng Đức Giang (42C, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội): Đọc kỹ hai truyện tôi thấy đây là hai truyện độc lập từ cấu tứ, tư tưởng, ngôn ngữ, hành văn, cách viết. Vấn đề cốt lõi nhất của tác phẩm là chủ đề tư tưởng cũng rất rõ ràng, khác nhau hoàn toàn. Cánh đồng bất tận phản ánh cuộc sống của người dân đồng bằng Nam bộ trong giai đoạn cơ chế thị trường, họ tự bần cùng hoá chính đời sống của mình bằng lối sống phóng khoáng, xuề xòa, vô tư đến độ hồn nhiên. Dòng sông tật nguyền lại phản ánh cuộc đấu tranh ngay trong nội tâm của mỗi cá nhân trong sự lựa chọn cuộc sống tự do lênh đênh sông nước hay cuộc sống ổn định khi định cư trên bờ. Mỗi nhân vật trong truyện đều có một bí mật riêng, một nỗi đau mà nếu không có cô Hến tiết lộ thì có lẽ không ai biết. Mỗi người tự giữ bí mật "buồn" để cho người khác hạnh phúc. Đây cũng chính là nét riêng, nét đặc thù rất khác của người Bắc bộ với người Nam bộ, họ sống thâm trầm lặng lẽ và kín đáo. Hãy ứng xử văn hoá với các tác phẩm văn hóa. Mỗi câu chuyện có đời sống riêng của nó. Hai tác giả của hai tác phẩm cứ dửng dưng tự tại trong khi chúng ta cứ khuấy lên là hà cớ làm sao? Châu Đạt Nhân (Fukuoka, Nhật Bản- [email protected]): Tôi tin anh Khương đã viết với tâm trạng thực sự về đồng bằng Bắc Bộ, anh viết từ gan ruột của mình, bằng kỉ niệm tuổi thơ và kinh nghiệm sống của mình. Nếu có thời gian, các bạn tìm đọc Chuyện ở xóm chài, Pháo đài đồng bằng (nhà văn Bút Ngữ) và Bão biển (nhà văn Chu Văn), các bạn sẽ hiểu được anh Khương đã nung nấu với ý tưởng và nhọc nhằn với ngòi bút thế nào. Qua sự việc này, tôi thấy cần phải báo động về lương tâm và tài năng của các nhà phê bình văn học ở nước ta hiện nay. Với cách phê bình của mình, ông Phạm Xuân Nguyên đã “sát thương” đến đồng nghiệp, làm vẩn đục bầu không khí phê bình. Tôi chẳng có hiềm khích với Phạm Xuân Nguyên, tôi chỉ muốn mượn điển hình là ông để đánh động các nhà phê bình khác cần cẩn trọng và đánh giá một cách công bằng trong việc phê bình các tác phẩm văn học. Tôi mất một ít thời gian để viết góp ý này với lòng tha thiết thấy sự tiến bộ vượt bậc của cả giới sáng tác và giới phê bình nước nhà. Nhật Linh ([email protected]): Xin những độc giả, những nhà báo và những nhà văn có lương tâm đừng bao giờ đem những nỗi đau trong lòng những nhà văn để so sánh. Lẽ nào, với những tiếng khóc thật với một phận người, chúng ta cứ vô tâm đi so sánh ai khóc hay hơn ai? Chẳng ai đủ thuyết phục để khẳng định là tác phẩm nào đạo tác phẩm nào. Tôi nhận thấy những tờ báo khác khi viết về sự việc này đã đi quá chức năng của mình. Là nhà báo chứ không phải là quan tòa nên họ không có quyền phán xét như thế. Với Cánh đồng bất tận và Dòng sông tật nguyền, theo tôi, Báo Người Lao Động làm như thế là đủ.
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]