Một thành viên Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng cho biết chiếc bánh chưng và bánh giầy khổng lồ do công viên văn hoá Đầm Sen thực hiện đến chiều tối ngày 10 –3, tức 15-4, đã được cắt ra chia cho cư dân xã Hi Cương, huyện Phong Châu (nơi tổ chức lễ hội Đền Hùng). Tuy nhiên, những người chứng kiến đã hết sức bất ngờ khi cắt chiếc bánh giầy vì chiếc bánh chỉ có lượt bột phủ bên trên (khoảng hơn 10 kg bột) còn chủ yếu phần dưới là ... xốp trắng. “May mà Ban tổ chức đã không làm theo đúng dự kiến là cắt chiếc bánh từ 2 giờ chiều, khi các quan khách còn tham dự” – ông này nói thêm. Nên thay đổi cách thức dâng bánh Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban Tổ chức lễ hội thì việc cung tiến chiếc bánh chưng và bánh giầy khổng lồ của Công viên Đầm Sen - Thành phố Hồ Chí Minh đã có tiền lệ từ những năm trước. “Đây là món quà thể hiện tấm lòng thành, cái tâm của nhiều người dân TP.HCM hướng về tổ tiên. Nhưng tôi đã có đề nghị với đoàn đại biểu TP.HCM ra tham dự lễ hội lần này là năm sau không nên làm hai chiếc bánh lớn như thế nữa vì vận chuyển qua hàng nghìn cây số rất khó khăn, chúng tôi tiếp nhận, bảo quản rồi chia phần cho người dự hội cũng vất vả” – bà Hải cho biết. Theo bà Hải, năm sau TP.HCM có thể đến Phú Thọ và nổi lửa gói bánh chưng, bánh giầy ngay tại đất tổ như nhiều địa phương đã làm năm nay. “Nếu cần thiết làm một chiếc bánh khổng lồ để tạo dấu ấn riêng thì những người thực hiện có thể gói hàng trăm chiếc bánh nhỏ và ghép lại thành hình chiếc bánh to” – bà Hải đề xuất. Theo thông tin mà những người thực hiện cung cấp cho báo chí, chiếc bánh chưng có kích thước 1,8mx1,8m, nặng 2 tấn và chiếc bánh giầy đường kính 1,8m, trọng lượng 1 tấn. Bánh xuất phát từ TP.HCM ngày 11-4, sau hai ngày ba đêm, hai lễ vật đã đến đền Hùng. Đến chiều ngày 15 – 4, trên mặt bánh giầy đã có thể nhìn thấy những vết mốc lộ ra qua giấy nilon. Nhiều người dân ở Hi Cương cho biết họ đã không thể ăn được bánh chưng sau khi được chia phần vì bánh bắt đầu có mùi chua. Sợ phí nên độn... xốp! Lý giải về “sự cố bánh chưng, bánh giầy”, ông Nguyễn Hữu Trung –Phó Giám đốc Công viên văn hóa Đầm Sen cho biết: “Đây là năm thứ ba Công viên văn hóa Đầm Sen dâng cúng bánh ra đất tổ. Năm nay không phải là năm có bánh chưng, bánh giầy lớn nhất. Năm ngoái, trọng lượng bánh chưng lên đến 2,6 tấn và bánh giầy 1,2 tấn”. Theo ông Trung, mỗi khi làm bánh chưng, bánh giầy, Đầm Sen đều có lò nấu bằng củi ngay trong công viên và huy động 30 nhân viên làm, nấu bánh. Riêng bánh giầy, năm nay Đầm Sen đặt cơ sở khác làm bột và hấp vì họ không có kinh nghiệm với máy làm bột bánh giầy. Ông Trung cho biết bánh giầy nặng một tấn, đường kính 1,8m. Bánh giầy lớn nên ngoài khung sắt phía dưới còn có phần đế bằng xốp để tạo độ vững cho bánh, còn toàn bộ phần mô cao lên hơn một tấc phía trên là hoàn toàn bằng bột. Xung quanh thông tin chiếc bánh giầy chỉ có hơn 10 kg gạo, còn bao nhiêu là xốp và sắt, ông Trung lý giải: “10 kg làm sao có đường kính 1,8m được? Chiếc bánh thành phẩm khoảng 400-500 kg bột cộng với cả khung và các thứ khác mới nặng lên đến gần một tấn. Chúng tôi không làm lớn vì biết bánh giầy cúng xong cũng không ăn được”.

Ông Trung cho rằng ông chưa nghe báo bánh chưng bị thiu. Còn bánh giầy đúng là có hư, mốc chút xíu do vận chuyển lâu ngày. “Chúng tôi đã thống nhất với Ban tổ chức lễ hội là không cắt bánh giầy mà để cúng tượng trưng và chỉ cắt bánh chưng mời bà con thưởng thức thôi”, ông Trung nói.

“Với ý nghĩa dâng lên 18 vị vua Hùng nên chiếc bánh giầy có đường kính lớn 1,8m. Thực tế, chúng tôi không làm bánh “giả”, phần xốp chỉ để tạo hình. Chúng tôi cũng cố gắng tạo nên bánh thật nhưng nếu đổ cả tấn bột để làm bánh giầy thì... phí quá!”, ông Trung cho biết.

BẢO PHƯỢNG - QUỲNH TRANG


Video đang được xem nhiều