Thói quen mút môi ở trẻ có thể gây lệch khớp cắn
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, mút môi có thể là nguyên nhân tiên phát gây nên lệch lạc khớp cắn hoặc cũng có thể là thứ phát do vẩu chìa hàm trên hoặc bất đối xứng theo chiều trước sau. Thói quen mút môi có thể gây nên những sai lạc vĩnh viễn ở khớp cắn nếu trẻ duy trì thói quen này với mức độ trung bình nhưng liên tục và kéo dài.
Trẻ có thể mút môi trên hoặc mút môi dưới gây ra những triệu chứng lâm sàng khác nhau, tuy nhiên thường gặp là trẻ mút môi dưới. Những thay đổi này xuất hiện ở cả răng sữa và răng vĩnh viễn.
Trẻ mút môi dưới có môi dưới nằm gọn giữa các răng cửa trên và dưới, in dấu răng cửa hàm trên lên môi dưới, tăng trương lực cơ vùng cằm. Thói quen này khó thay đổi và tạo ra những tổn thương hình bán nguyệt ở môi dưới.
Tổn thương nứt nẻ và dễ bị bội nhiễm như chốc lở. Có thể gặp cắn hở vùng cửa (nhưng mức độ ít hơn rất nhiều so với trường hợp mút ngón tay). Răng cửa hàm trên ngả môi, răng cửa hàm dưới ngả lưỡi và mọc chen chúc, độ cắn chìa lớn; kém phát triển xương hàm dưới làm khuôn mặt lõm.
Trẻ có thói quen mút hoặc cắn môi trên thường kết hợp với đẩy hàm dưới ra trước gây nên khớp cắn ngược.
Để chẩn đoán thói quen mút môi cần thăm khám lâm sàng và hỏi bố mẹ, đặc biệt người chăm sóc trẻ. Trẻ thường mút môi lúc trẻ vô ý thức như trong lúc ngủ, khi tập trung học bài, nghe giảng hay xem phim, đọc truyện...
Do vậy nha sĩ cần phải rất tinh tế khi quan sát trẻ. Ngay từ lúc trẻ ngồi đợi đến lượt khám hay lúc trẻ ngồi chơi, chúng ta cần quan sát trẻ đến nhìn thấy động tác mút môi của trẻ. Thời gian mút môi cũng như tần suất mút môi giúp cho nha sĩ tiên lượng việc tái giáo dục lại động tác của môi dễ hay khó.
Làm thế nào để bỏ thói quen mút môi ở trẻ?
Luyện tập để bỏ thói quen hoặc can thiệp bằng khí cụ: lip bumper. Để điều trị có hiệu quả cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nha sĩ. Nha sĩ cần phải giải thích rõ cho trẻ và gia đình hiểu hậu quả của việc mút môi, vai trò của một bộ răng khỏe, đẹp để bản thân trẻ ý thức được rằng cần phải bỏ thói quen này. Nếu trẻ ý thức được và chấp nhận luyện tập cũng như chấp nhận đeo các khí cụ can thiệp thì việc điều trị sẽ có kết quả tốt, nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Nhiều trường hợp các cháu không hợp tác, ở nhà không chịu đeo các khí cụ, tự ý tháo bỏ hoặc cất giấu, nếu bố mẹ không để ý thì không phát hiện được. Do vậy gia đình cần phải quan tâm đến trẻ để kiểm soát cũng như động viên trẻ tự giác đeo hàm và không tiếp tục cắn môi. Nha sĩ cũng như bố mẹ cần có các biện pháp động viên và khen thưởng để trẻ quyết tâm từ bỏ các thói quen xấu.
Những thói quen ảnh hưởng đến hàm răng của trẻ
– Thói quen mút tay
Mặc dù hầu hết các trẻ đều mút tay nhưng nếu thói quen này kéo dài thì có thể dẫn đến lệch lạc răng. Mút tay trong thời kỳ răng sữa ít có hậu quả lâu dài. Tuy nhiên thói quen mút tay kéo dài sau khi răng vĩnh viễn mọc sẽ dễ dẫn đến lệch lạc răng.
Khi các ngón tay đặt lên giữa hai nhóm răng cửa trên và dưới tạo lực nén trực tiếp sẽ đẩy răng cửa trên mọc chìa ra trước, răng cửa dưới nghiêng vào trong, hai hàm cắn không khít và khi mút tạo áp lực âm trong khoang miệng, môi và má sẽ ép vào làm hẹp cung hàm.
Mức độ lệch lạc răng tỷ lệ thuận với số giờ trẻ mút tay mỗi ngày, đặc biệt những trẻ mút tay suốt đêm khi ngủ thì nguy cơ răng mọc lệch lạc càng cao.
– Tật thở miệng
Thường gặp nhất ở trẻ có bệnh về mũi, dị ứng mũi, khiến cho trẻ khó thở mũi và tạo nên thói quen thở miệng. Ban đêm trẻ nằm ngủ cũng thở miệng.Thở miệng sẽ làm cho hàm răng trên phát triển về phía trước, hàm răng sẽ bị hô , cung răng hàm trên sẽ nhọn hơn, vẫu ra , khớp cắn sâu và cắn hở, nhóm răng cửa sẽ không cắn khít được.
Theo các chuyên gia thở miệng còn làm cho bệnh nhân dễ bị sâu răng hơn, có nhiều răng sâu hơn bình thường, vì thở miệng làm khô nước bọt, khô miệng sẽ làm hơi thở hôi, răng ở tình trạng không có nước bọt để rửa sạch sẽ dễ bị sâu và mức độ sâu phát triển nhanh và trầm trọng hơn.
– Thói quen đẩy lưỡi
Đây là hiện tượng sinh lý bình thường khi trẻ nuốt. Đẩy lưỡi mỗi khi nuốt điển hình kéo dài khoảng 1 giây, không đủ thời gian gây ảnh huởng lên sự lệch lạc của răng. Tuy nhiên, nếu đẩy lưỡi của bệnh nhân và có tư thế nghỉ về phía trước, thời gian kéo dài có thể làm sai vị trí của răng. Ở trẻ cắn không khít vùng răng cửa thì đẩy lưỡi là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lệch lạc răng.
Thùy Linh