1. Khu nghỉ mát Six Senses Côn Đảo, Việt Nam
Bước ra từ thời kì đen tối của nhà tù Poulo Condor thời Pháp thuộc, vẻ đẹp của Côn Đảo được ví như sự hồi sinh của chim phượng hoàng từ tro tàn.
Để bảo tồn và tôn vinh nét đẹp hoang sơ này, kiến trúc sư người Pháp Reda Amalou và các cộng sự từ công ty AW đã thiết kế Resort Six Senses sử dụng hoàn toàn những vật liệu tái chế. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Six Senses hẳn là những căn biệt thự được lắp ghép từ các khung cửa cũ. Sự kết hợp đầy ngẫu hứng của các mảnh gỗ đa màu, đa sắc này không chỉ tạo cảm giác thân thuộc pha chút hoang dã mà còn thân thiện với môi trường. Vừa “hợp thời” “vừa “không bao giờ lỗi mốt” là những từ để miêu tả về Six Sense.
 
 
 
2. Bar Gió và Nước, Việt Nam
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa sử dụng tre – đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, để xây dựng quán bar Gió và Nước. Nhìn từ xa, bar Gió và Nước như một chiếc chuông khổng lồ nổi trên mặt hồ Thủ Dầu Một.
Với chiều cao 10m và rộng 15m, những khung tre được lắp ráp khéo léo tạo thành một không gian thoáng đãng, tràn ngập gió và ánh sáng, là một lựa chọn lý tưởng cho các bữa tiệc. Có thể nói, bar Gió và Nước không chỉ là đỉnh cao của sự sáng tạo mà còn là biểu tượng của triết lý kiến trúc xanh, bền vững với môi trường.
 
 
 
3.Bảng tàng lịch sử Ningbo – Trung Quốc
Wang Shu là kiến trúc sư Trung Quốc đầu tiên đạt giải thưởng Pritzker năm 2012.  Wang Shu đại diện cho một bộ phận kiến trúc sư trẻ chọn sự thân thiện với môi trường làm phong cách chủ đạo và cương quyết từ chối những dự án nhà nước nhiều áp lực, ít thời gian.
Sử dụng vật liệu tái chế là đặc điểm nhận dạng của Wang Shu. Niềm cảm hứng này bắt nguồn khi ông chứng kiến những ngôi nhà nhỏ bị thay thế bằng những tòa nhà hiện đại, nhưng “vô hồn”. Đống gạch đổ nát, xoàng xĩnh từ cách công trình bị phá hủy thu hút Wang Shu bởi nét đẹp cũ kĩ của quá khứ. Thế là những vật liệu tưởng chừng như “bị vứt đi” này đã trở thành tuyệt tác bởi óc sáng tạo của kiến trúc sư Wang Shu.
Trong đó, phải kể đến bảo tàng lịch sử Ningbo được xây dựng năm 2006. Bằng sự kết hợp của tầng tầng lớp lớp những viên gạch xám xù xì, xen kẽ những viên gạch đỏ nung khiến Ningbo trong như một pháo đài đậm màu thời gian. Nhận xét về công trình đặc biệt này, giáo sư Zhou Rong cho rằng: “Phong cách của Wang Shu có ảnh hưởng mạnh mẽ lên thế hệ kiến trúc sư Trung Quốc trẻ tuổi. Bậc thầy Wang Shu đã pha trộn hoàn hảo giữa gam màu thời gian và gam màu hữu cơ".
 
 
 
4. Nhà thân cây – Úc
“Làm sao để xây một ngôi nhà giữa rừng mà không phá vỡ không gian tự nhiên xung quanh?”. Ý tưởng lớn gặp nhau, kiến trúc sư Paul Morgan và kiến trúc sư Brian Hooper cùng chọn những thân gỗ gãy, ngã, sẵn có làm câu trả lời cho câu hỏi trên.
Nét độc đáo của dự án Trunk House do kiến trúc sư Paul Morgan phụ trách là thiết kế cột chống hình chữ Y lấy cảm hứng từ khớp xương của những chú chuột túi – biểu tượng của nước Úc. Cái hay của Trunk House không chỉ nằm ở sự kết hợp hoàn mỹ giữa “sinh thái và nghệ thuật” mà còn gợi lên sự liên tưởng về những túp lều của thổ dân Úc.
 
 
 
 
 

Với cùng cách tiếp cận, dự án Memorial m3 của kiến trúc sư Brian Hooper đã đạt giải Kiến trúc Công cộng Quốc gia năm 2010. Tọa lạc tại Barcaldine, Queensland, dự án Memorial m3 mô phỏng lại cây thế tục Tree of Knowledge tượng trưng cho sự ra đời của Đảng Lao Động 1891. Dụng ý của Brian Hooper là “tạo hiệu ứng xoàng xĩnh bên ngoài làm đòn bẩy cho cảm giác kì diệu bên trong” của 3.600 thanh gỗ tỏa xuống từ mái vòm.  
 
 
 
5. Nhà Palmyra - Ấn Độ
Palmyra là loại cây cọ mọc phổ biến nhất tại Ấn Độ và Campuchia. Kiến trúc sư người Ấn Độ Bijoy Jain đã sử dụng vật liệu quen thuộc này để xây dựng những ngôi nhà sinh thái Palmyra thuộc dự án Studio Mumbai, tọa lạc giữa rừng dừa cọ, gần ngôi làng đánh cá Alibaug.
Điểm nhấn của Palmyra House là những bức tường được ghép từ cây Palmyra vừa độc đáo, vừa là hệ thống thông gió tự nhiên. Ngay cả những khớp nối và màu sơn cũng được nhuộm từ cát của bãi biển gần đó, khiến Palmyra House hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên. 
 
 
 Vân Anh (Architonic)