Tác dụng của vitamin B1 và mật ong
Cả mật ong và vitamin B1 đều có tác dụng tốt cho cơ thể. Theo đông y, vitamin B1 giúp trẻ ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt. Nếu thiếu vitamin này, trẻ sẽ bị sút cân, biếng ăn kéo dài, hay mệt mỏi, cáu gắt, thậm chí gây suy tim. Mật ong cũng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền mà các gia đình nên có. Nó có tác dụng nhuận táo, chữa ho, chứa các vitamin nhóm B, E, K, C và các khoáng chất, chứa kali và magie kích thích ngon miệng, cải thiện tiêu hóa.
Hai vị thuốc này nếu dùng 1 mình đều mang lại hiệu quả tốt cho cơ thể và rất an toàn. Nhưng nếu kết hợp lại cho trẻ uống thì tác dụng tốt gấp đôi hay gây hại?
Vitamin B1 nguyên dạng nếu cho vào nước sẽ phân hủy rất nhanh, để sau một tuần sẽ có mùi như xác động vật chết và có lớp váng bề mặt. Trong mật ong có một lượng nước nhất định, có thể làm vitamin B1 phân hủy nếu ngâm vào. Trong mật ong còn chứa fructose, ở nhiệt độ cao trên 40 độ C sẽ bị biến tính sinh ra chất HMF – một chất độc với thận. Nếu ngâm mật ong và B1 không bảo quản đúng cách thì chất độc sản sinh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Trẻ biếng ăn là vấn đề đau đầu của nhiều bố mẹ (Ảnh minh họa: Internet)
Nếu quy trình ngâm và bảo quản đúng cách, vitamin B1 và mật ong có thể không sản sinh ra chất độc, trẻ nhỏ vẫn có thể dùng nhưng không được lạm dụng. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý một số tác dụng phụ trẻ có thể gặp như táo bón, khó tiêu. Đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng bởi có thể khiến trẻ khó thở, mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc… do dùng mật ong có thể gây nóng trong người.
B1 ngâm mật ong theo ý kiến của bác sĩ
Theo bác sĩ Yên Phúc Lâm (Học viện Quân y 103) hiện tại, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chứng minh tác dụng thực sự của vitamin B1 ngâm với mật ong về liều lượng, cách dùng, công dụng, phản ứng phụ... Mỗi thứ riêng lẻ đều có tác dụng vốn có, nhưng đem ngâm tẩm thì độ an toàn sẽ bị thay đổi. Vì vậy, các bà mẹ cần cân nhắc kỹ trước khi dùng con mình làm 'chuột bạch'.
Theo bác sĩ Đỗ Hữu Thảnh (chuyên khoa Nội, từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam), vitamin B1 hàm lượng 10mg (loại 100mg có khi được gi là vitamin B10). B1 cần cho quá trình chuyển hoá chất đường, thiếu B1 gây ra mệt mỏi, chán ăn, rối loạn cân bằng dạ dày- ruột. Vitamin B1 giúp bổ tỳ, trẻ em ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt.- Mật ong có nhiều đường đơn, các enzym, muối khoáng, có nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6) và E, K, C, tiền tố vitamin A, axit folic... Những vitamin trong mật ong kích thích sự trao đổi chất, kích thích ăn ngon miệng, tăng hàm lượng axit hữu cơ và cải thiện sự tiêu hóa.
Vì vậy, việc sử dụng hai thứ trên đều có thể làm trẻ ăn tốt hơn, trong mật ong cũng đã có B1 nên không cần phải bổ sung nhiều. Việc ngâm lẫn B1 với mật ong kỹ rồi mới cho uống là không cần thiết, vì làm như thế tác dụng của thuốc không tốt hơn
Mật ong và vitamin đều có tác dụng kích thích ăn uống nhưng cần cân nhắc nếu ngâm lẫn 2 thứ này (Ảnh minh họa: Internet)
Làm sao để trẻ hết biếng ăn?
Rất nhiều bố mẹ đau đầu với việc trẻ biếng ăn, phải vật lộn trong từng bữa ăn của con. Đa phần bố mẹ đều tìm đến cách sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng giúp con ăn ngon miệng, nhiều người làm theo các cách truyền miệng với sự kiểm nghiệm bởi 'con tôi'. Tuy nhiên, trước khi sử dụng đến thuốc, bố mẹ nên thử thay đổi cách cho con ăn.
- Không ép trẻ ăn. Càng ép trẻ càng không muốn ăn, bữa ăn trở thành cơn ác mộng với cả bố mẹ lẫn con cái. Thay vào đó, hãy chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa cho trẻ ăn một ít vừa đủ để không bị ngán.
- Thay đổi cách chế biến thức ăn, đa dạng món ăn để trẻ cảm thấy hứng thú với các hương vị mới hơn. Có thể chọn các loại rau củ nhiều màu sắc, tạo hình vui nhộn, hấp dẫn cho món ăn của bé.
- Bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá 30 phút. Đôi khi có thể bỏ 1 bữa nếu trẻ không muốn ăn để bữa tới trẻ bị đói và cảm thấy ăn ngon miệng hơn.
- Một số trẻ biếng ăn là do bệnh lý. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, quấy khóc, sốt… thì nên đưa trẻ đến bệnh viện để tìm ra nguyên nhân và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
NT