Tin bài Hay
Mẹo vặt

Truyền nước hoa quả để làm đẹp da: "Đánh cược" với tính mạng

01/01/2000 - 00:00

Truyền nước hoa quả để làm đẹp da: "Đánh cược" với tính mạng
Truyền nước hoa quả để làm đẹp da: "Đánh cược" với tính mạng

Vì lợi ích kinh doanh, nhiều người đã tiêm thêm ống vitamin tổng hợp vào dung dịch truyền, biến chúng thành một dung dịch nước hoa quả mà người dân vẫn cho là truyền xong sẽ đẹp da, khỏe mạnh".

“Truyền 2 chai nước hoa quả, béo cả năm…”

Cứ vào mùa nắng nóng, chị Hương (Phủ Lý, Hà Nam) lại đi mua chai đạm và nhờ một y sĩ trong xóm truyền hộ. Vừa tiện, vừa rẻ hơn đến bệnh viện, phòng khám. Chị nhẩm tính mỗi năm cũng mất tới 3 - 4 lần truyền. Hễ ngưng truyền là lại chán ăn, người mệt mỏi.

Rất nhiều chị em cứ thấy da dẻ có vấn đề là lại đi truyền nước hoa quả để có một làn da sáng bóng, vừa ăn ngon ngủ kỹ, vừa tăng cân. Đặc biệt, thời tiết nóng nực, nước hoa quả bỗng trở thành “thuốc tiên dược” của nhiều người.

Chị Kim Anh (Triều Khúc, Hà Nội) cũng không nằm ngoại lệ. Chị thường xuyên truyền nước hoa quả, cao cấp hơn thì truyền đạm vì sau khi truyền, hiệu quả của nó thì không thể phủ nhận được. Nhiều lần, sau khi đi truyền về được hơn tuần, chị tăng 3 - 4 cân mà chẳng phải ăn nhiều.

Không chỉ vậy, thời điểm hiện tại đang là cao điểm của mùa thi, nhiều bậc phụ huynh cũng ra sức truyền nước hoa quả cho con có thêm sức học tập. Chị Nguyễn Thị Phương (Thịnh Hào, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) cho biết, vừa gọi người đến nhà truyền nước hoa quả tăng cường vitamin, đảm bảo sức khỏe cho con cái học hành.

Tại một phòng khám tư gần đường Giải Phóng, khi chúng tôi vừa vào hỏi để được truyền nước hoa quả. Một chị y tá hớn hở tiếp đón và quảng cáo “gầy như em chỉ truyền hai chai là béo cả năm. Nhiều người truyền da căng đẹp hơn, béo tròn. Phụ nữ trẻ truyền là lý tưởng nhất…” với mức giá 110.000 đồng/chai, trong khi mức giá thật chỉ có 70.000 đồng/chai.
 
Những chai dung dịch truyền không rõ nguồn gốc có thể sẽ đe dọa tính mạng của bạn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Dự (Trưởng khoa thận, thận nhân tạo - Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) nước hoa quả là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp, chỉ dành cho những trường hợp cấp cứu kiệt sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, hoặc không ăn uống được gì, cơ thể không hấp thụ được thức ăn.

Ths Dự lo ngại, vì lợi ích kinh doanh, nhiều người đã tiêm thêm ống vitamin tổng hợp vào dung dịch truyền, biến chúng thành một dung dịch nước hoa quả mà người dân vẫn cho là truyền xong sẽ đẹp da, khỏe mạnh.

Trường hợp đó, người truyền sẽ béo nhưng chỉ là béo ảo trong một thời gian ngắn và nhiều người rơi vào cảnh phải theo những chai dịch đó thường xuyên. Dùng lâu có thể dẫn đến suy gan, suy thận.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia cũng cho hay, việc truyền nước hoa quả để đẹp da là không cần thiết. Truyền nhiều dẫn đến dư thừa vitamin, cơ thể không hấp thụ hết, tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe vì sẽ được cơ thể đào thải nhưng sẽ gây lãng phí.

Tử vong vì bị sốc do tự truyền nước

Năm ngoái, do nắng nóng kéo dài, thấy cơ thể mệt mỏi, bác Phạm Thị Thành (53 tuổi, Nông Cống, Thanh Hoá) đã nhờ người về nhà truyền nước hoa quả, rồi truyền cả đạm. Nhưng truyền đến 6 – 7 chai mà vẫn không cơ thể đỡ mệt mỏi. Đến khi đi khám, các bác sĩ cho biết, bác Thành bị suy thận cấp và bác đã tử vong ngay sau đó một tháng.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Dự, việc truyền dịch nói chung và truyền nước hoa quả nói riêng không phải ai cũng truyền được. Bất kỳ thuốc nào khi đưa vào cơ thể đều có thể gây ra dị ứng hoặc sốc phản vệ. Việc truyền nước hoa quả vốn là một vitamin tổng hợp đưa vào trong cơ thể theo đường truyền, lại càng nguy hiểm hơn.

Nhiều trường hợp tự mua chai dịch ở ngoài về và nhờ người đến truyền, có thể dẫn đến sốc phản vệ do không có phương tiện để cấp cứu nên tử vong. Bác sĩ Dự nhớ mãi trường hợp một bệnh nhân nữ ở Hoàng Mai, Hà Nội đi tiêm vitamin C để đẹp da, đẹp đâu không thấy mà phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.

Trường hợp phải dùng đến truyền dịch cần được truyền ở một nơi có đủ điều kiện và các phương tiện cấp cứu để ứng phó với trường hợp xấu xảy ra

Có những người truyền lần đầu tiên do không biết cơ thể có thích nghi với không nên thường bị dị ứng, nguy hiểm hơn là sốc phản vệ. Việc truyền lần đầu phải được các bác sĩ theo dõi để có biện pháp kịp thời khi có diễn biến xấu.
 
Theo Bee
Home

  • Từ khóa:
    Trang chủTin mớiThị trườngVideo