Tự làm đèn lồng, "pháo hoa" cho bé dịp Trung thu

Thị trường đồ chơi Trung thu ngày càng đa dạng, đồ chơi Trung Quốc lấn át đồ chơi Việt. Dù vậy vẫn có không ít phụ huynh tìm đến các đồ chơi dân gian cho con.

15.6098
Vài ngày nay buổi trưa ở cơ quan, thay vì chui vào một góc ngủ như đồng nghiệp, chị Phương (32 tuổi, Kim Mã, Hà Nội) lại lôi túi đồ nghề ra hì hụi khâu vá. Ai cũng ngạc nghiên khi biết chị đang tự làm đồ chơi Trung thu cho con.
 
Nếu như năm kia chị Phương làm đèn lồng 5 cánh, năm ngoái làm đèn lồng từ ống bơ thì sang năm nay chị chuyển sang làm các đồ chơi từ giấy, thân thiện với con.

Với cu lớn, chị đã hoàn thành xong chiếc đèn lồng từ ống bơ, bên ngoài dán giấy màu, có tỉa những lỗ nhỏ tinh tế để ánh sáng phát ra lung linh. Năm nay, chị sử dụng giấy cứng, hộp đẹp để sử dụng lâu dài. Vào ngày trung thu, chị sẽ thắp nến cho con đi rước đèn. Chị cũng chuẩn bị sẵn bóng điện tự sạc để khi con chơi chán, có thể dùng sản phẩm này làm đèn ngủ.

Bà mẹ hai con cũng mua thêm nhiều giấy màu, cắt thành các đèn cánh sen và quả cầu giấy trang trí cho ngôi nhà trước đêm Trung thu.

Thị trường đồ chơi Trung thu ngày càng đa dạng, đồ chơi Trung Quốc lấn át đồ chơi Việt. Dù vậy vẫn có không ít bậc phụ huynh tìm đến các đồ chơi dân gian cho con. Ảnh: Phan Dương.

Với cô con gái 9 tháng tuổi, chị sợ đèn lồng thắp nến sẽ gây nguy hiểm cho con nên nảy ra ý tưởng làm những trang sách bằng vải. Khéo tay, hay làm lại giỏi bắt chước, chị Phương không khó khăn gì với đồ chơi mới này. Chị mua những mảnh vải đơn sắc, bọc lấy bìa giấy cứng. Bên trên, cắt dán những hình thú, hoa quả, cây cối tạo khung cảnh để chuyển thể câu chuyện “thỏ và rùa” thành những hình vẽ bắt mắt, sáng tạo.

“Ban đầu tôi cũng chỉ định làm hai nhân vật cho đơn giản, dễ làm nhưng sau suy nghĩ lại, tôi thấy nên cho nhiều nhân vật phụ hơn vào trong truyện làm để con học tập và sử dụng lâu dài. Thế là, từ 5 trang như dự tính ban đầu, tôi phải làm lên 8 trang. Trung thu thì sắp đến, thời gian rảnh phải chăm con, lo việc nhà, tôi chỉ có thể ăn bớt giấc ngủ của mình thôi”, chị cười.

Thú vui làm đồ chơi cho con được chị Phương duy trì từ vài năm năm. Lúc đầu chỉ là thấy vui, muốn bày tỏ tình yêu với con nhưng sau nhiều lần như thế, chị thấy con trai rất trân trọng những đồ "handmade" mẹ tự làm.

“Nhiều năm rồi mà tôi vẫn chảy nước mắt khi nhớ đến lần đầu tiên tôi tặng cho con món quà Trung thu tự làm. Cháu thì cứ là tròn xoe đôi mắt rồi la lên, ôm chầm lấy mẹ trước cái đèn lồng tôi làm vội. Sau tự cháu thắp nến, mang đi khoe khắp xóm. Chẳng may nến rơi làm cháy mất đèn, cu cậu khóc mãi", chị Phương kể.

Ngay trong đêm hôm đó, chị Phương đã dẫn con đi phố Hàng Mã mua đồ chơi mới. Lúc đầu cũng mê mẩm cái đèn lồng có nhạc, song chẳng bao lâu cu cậu lại vứt xó nó. Từ đó, vào dịp này chị Phương đều tự làm đồ chơi cho con. Con chị cũng háo hức chờ bất ngờ từ mẹ.

“Tôi còn nhớ ngày xưa vào dịp trung thu, bố tôi làm một ông sao 5 cánh to đoành treo trước nhà. Đục cho anh em tôi mỗi đứa một cái đèn từ ống xà phòng để nhập vào hội rước đèn trung thu. Chúng tôi chơi đến khuya rồi về ngả vào lòng bố, quây quầy bên chiếc chiếu ngoài sân. Vừa ngắm trăng, nghe bố kể chuyện chú Cuội – chị Hằng, vui ơi là vui. Giờ cứ mỗi đợi thu về, tôi lại muốn đem hạnh phúc giản dị đó cho con mình”, chị rưng rưng mắt khi nhớ lại kỉ niệm cũ.

Dẫn con lên phố Hàng Mã lựa chọn đồ chơi Trung thu sớm, anh Hùng (Linh Đàm) không khỏi choáng ngợi trước sự đa dạng của hàng nghìn đồ chơi năm nay. Cũng như bao người khác, anh chọn vội một khẩu súng nước cho cậu con trai 5 tuổi. Thế nhưng vừa tiếp xúc, con anh đã hắt xì hơi liên tục, khó thở, lúc bỏ đồ chơi đi lại không sao.

Từ đó, cu cậu thích những đồ chơi thiên về trí tuệ, logic, nhất là trò ghép hình. Một ý tưởng lóe lên trong đầu anh Hưng và ngay đêm đó anh bắt tay vào thực hiện. Ông bố này mua những bìa giấy cứng, đủ sắc màu cắt thành bảng chữ cái và những hình thù ngộ nghĩnh để con chơi. Anh cũng tự cắt những bức tranh, hay một câu đố nào đó và treo giải một phần quà khi con tìm ra đáp án.

“Dạy con bằng đồ chơi tự làm, tăng khả năng phát triển cho con, mình làm cha còn gì vui hơn nữa”, anh Hùng sung sướng kể.

“Quan trọng hơn hết là đồ chơi hiện nay tẩm rất nhiều các loại phẩm màu, chất độc hại. Nhiều đồ chơi Trung Quốc độc hại mà con trẻ thì rất thích cầm, nắm, mân mê, nhiều bé còn đưa vào miệng cắn. Trong khi, đồ chơi trong nước tẻ nhạt, ít mẫu mã. Nếu tìm được đồ hay giá cả lại đắt đỏ", anh Hùng vừa cắt giấy chuẩn bị bất ngờ mới cho con, vừa nói.

Đèn Trung thu cho con tự làm từ ống hút nhiều màu sắc. Ảnh: Webtretho.

Vừa mua đồ chơi cho con nhưng vẫn trung thành với một món quà nho nhỏ tự tay làm, năm nào cũng vậy chị Huế (Từ Liêm) đều mua bưởi về ăn để lấy hạt làm pháo cho đêm Trung thu.

Chị kể tuổi thơ mình gắn với mùi hoa bưởi. Trung thu cũng chỉ có quả bưởi để ăn, vỏ bưởi làm vương miện, hạt bưởi làm tràng pháo tí tách, lung linh... Những kí ức đó gắn sâu vào tâm hồn chị, để rồi khi trưởng thành, có con, chị vẫn muốn mang món quà này cho con, cho mình vào mỗi độ rằm tháng 8.

"Bố mẹ tôi nghèo lấy đâu tiền mua đồ chơi cho con. Thế là từ khi còn rất nhỏ anh em tôi đã tự làm đồ chơi cho mình. Chúng tôi lượm hạt bưởi về rửa sạch cho bớt nhớt rồi phơi khô. Sau đem bóc vỏ, xâu thành tràng hạt. Đợi đêm trung thu đem ra đốt. Đứa nào có pháo nổ lớn, lóe sáng nhiều, cháy lâu hết thì sẽ được phá cỗ trước", chị Huế nhớ lại.

Vậy là từ tháng 7, chị Huế đã bắt đầu mua bưởi. Sau khi phơi khô, bóc vỏ, mấy mẹ con chị dùng kim xâu hạt bưởi qua những sợi dây mảnh, rồi treo vào chỗ thoáng. Đêm Trung thu, nhà chị làm một mâm cỗ lớn. Trước lúc phá cỗ, chị cho các con mang ra đốt. Con chị Huế, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ lớp 3 vô cùng thích thú với món quà mẹ tự làm.

"Tôi cũng đưa con đi phố Hàng Mã với mỗi dịp Trung Thu. Các cháu ngắm nghía chán rồi chọn mua những đồ chơi dân gian như trống cơm, con quay, tò he hay mặt nạ, tiến sĩ giấy... Có lẽ các con cũng như tôi, chỉ thích những đồ truyền thống gắn với tuổi thơ tươi đẹp", chị Huế tâm sự.

Chuyên gia tâm Lý Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng việc cha mẹ làm đồ chơi cho con rất tốt để nuôi dưỡng tình cảm gia đình, giúp trẻ phát triển lành mạnh.

Chuyên gia nói trong đời sống hiện đại vào dịp Trung thu, các bậc phụ huynh trẻ chỉ muốn mua những đồ chơi cho nhanh, tiện lợi, đẹp mắt mà không biết rằng nó chỉ giống như vứt cho đứa trẻ một món quà như bao ngày khác, để tự chúng mày mò.

"Trung thu là dịp để cha mẹ thể hiện tình yêu với con cái, là dịp để gắn kết tình cảm gia đình. Vậy tại sao không cùng con tự làm đồ chơi, kích thích trẻ tham gia, tự tay lao động, giúp trẻ hình thành nhân cách rất tốt. Tuy những đồ này không đẹp, không lung linh, đa chức năng như hàng mua nhưng chắc chắn đứa trẻ sẽ thích vì nó được tham gia, vì nó được bố mẹ quan tâm", bà Hà phân tích.

Chuyên gia cũng cho rằng vấn nạn của xã hội hiện nay là bố mẹ không dành thời gian chăm sóc con. Cứ tưởng chất cho con thật nhiều quà thì nó sẽ thích, nhưng không phải vậy. Điều đó chỉ làm trẻ sống thực dụng hơn, xa cách với bố mẹ hơn.

"Nếu không có thời gian làm đồ chơi cho con dịp Trung thu thì ít nhất các bậc phụ huynh nên dẫn con mình đi mua đồ, cho cháu một buổi đi chơi ý nghĩa. Trẻ em lúc nào cũng cần được nâng niu, nhất là trong những dịp như thế", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.

AloBacsi.vn
Theo Phan Dương - VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]