Đọc E-paper
Ảnh: Bá Sên |
Thị trấn Trảng Bàng là địa phương chuyên sản xuất các loại bánh tráng như bánh tráng nem, bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt, bánh tráng mặn, và nổi tiếng nhất là bánh tráng phơi sương.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc (ngon nhất là thịt đùi) và ăn kèm với hàng chục loại rau sao cho đủ năm vị chát, ngọt, chua, béo, thơm, như tía tô, răm, hẹ, xà lách, húng lủi, húng quế, cần nước, diếp cá, quế vị, đinh lăng, lá xoài non, lá lộc vừng non, đặc biệt là các loại “rau sông” như đọt trâm, đọt sộp, lá lụa, lá cóc,... mà chỉ riêng vùng đất Tây Ninh mới có, thêm ngò tàu, dưa leo xắt dài, dưa chua, kiệu chua và giá sống càng ngon.
Ảnh: Bá Sên |
Từ xa xưa, dân ta đã biết làm các loại bánh tráng, và bánh tráng bằng bột gạo đầu tiên có lẽ là bánh cuốn ở đồng bằng Bắc bộ. Được biết, nghề làm bánh tráng được người dân Trảng Bàng thừa hưởng từ thời cha ông ở vùng đất sau này gọi là Trung Trung bộ vào khẩn hoang lập ấp ở Tây Ninh từ thế kỷ XVIII, ban đầu là bánh tráng nhúng và bánh tráng nướng, sau này người ta đã sáng tạo ra bánh tráng phơi sương.
Ở Trảng Bàng có nhiều giai thoại về nguồn gốc của cái bánh phơi sương. Nào là chuyện anh chồng để quên một ràng bánh đã nướng ngoài trời chiều hôm trước, bị ướt sương, tiếc của, vợ chồng anh để nhà ăn, lại thấy ngon, nên từ đó mới có nghề đem bánh tráng nướng phơi sương.
Ảnh: Bá Sên |
Thế nhưng do bánh tráng nướng giòn, phơi sương dễ rách, nên người Trảng Bàng đã nghĩ ra cách tráng hai lớp bánh chồng khít lên nhau, cho thêm chút muối, để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng cho vừa khô rồi nướng vừa phải bằng than đậu phộng cho có độ phồng mềm, và đem phơi sương. Hơi sương sẽ ngấm từ từ vào bánh giúp cho bánh mềm dịu, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn.
Dù có nguồn gốc thế nào thì bánh tráng phơi sương vẫn là một đặc sản riêng có của vùng đất Trảng Bàng, và nghề làm bánh tráng nướng phơi sương vẫn là một nghề truyền thống độc đáo chưa tìm thấy ở nơi nào khác.