"Xin hãy chăm sóc mẹ" - hồi chuông cho toàn cầu

TT&VH) - "Nội dung Xin hãy chăm sóc mẹ (Please Look After Mom) là chủ đề mang tính toàn cầu, bởi trên con đường tiến tới hiện đại hóa, chúng ta bị mất dần đi tính nhân văn” - nữ văn sĩ Hàn Quốc Kyung Sook Shin (49 tuổi), người vừa giành giải Văn học châu Á - tự bạch về tiểu thuyết đoạt giải của mình.

15.6028

1. Nhà văn Shin đã đánh bại nhiều đối thủ nặng ký khác để đoạt giải Văn học châu Á (2011) với tiểu thuyết Xin hãy chăm sóc mẹ, kể về cuộc tìm kiếm của các thành viên trong gia đình sau khi người mẹ biến mất. Bà cũng là nhà văn Hàn Quốc đầu tiên lọt vào danh sách chung khảo giải, gồm cả nhà văn Yan Lianke của Trung Quốc và Banana Yoshimoto của Nhật Bản.

Là người cầm bút viết văn được 28 năm ở quê hương Hàn Quốc, nhưng sau khi trở thành nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải này, bà cảm thấy mình lại như một người mới vào nghề. “Tôi cảm thấy như các cánh cửa đã mở ra cho nhà văn nữ và nhà văn Hàn Quốc. Tôi thấy mình như trở lại là một nhà văn mới, đang nổi và giải thưởng này trao cho tôi nguồn sinh lực mới để làm việc” – bà Shin nói trong một cuộc phỏng vấn của AFP hôm 16/3 – 1 ngày sau khi bà đoạt giải.

Shin nói, giải thưởng cho Xin hãy chăm sóc mẹ, tiểu thuyết đầu tiên của bà được dịch sang tiếng Anh, giúp bà thấy được “sách có thể vượt qua được các biên giới” như thế nào.

Xin hãy chăm sóc mẹ đã tiêu thụ được gần 2 triệu cuốn ở Hàn Quốc và đang chuẩn bị được phát hành ở 32 nước, với bản dịch của Chi Young Kim, người cũng được nhận 5.000 USD tiền thưởng. Chỉ vài ngày sau khi phát hành ở Mỹ hồi năm ngoái, lượng sách bán ra của cuốn tiểu thuyết này đã đạt hơn 100.000 cuốn.

Cuốn sách được ca ngợi vì phản ánh được sự thay đổi trong xã hội Hàn Quốc thời hậu chiến, khi đất nước này trong công cuộc đô thị hóa, thành công về kinh tế và nó được đan kết trong câu chuyện về gia đình và sự mất mát.

Nhiều thập kỷ trở lại đây, sự phát triển kinh tế ở Hàn Quốc được mô tả là “thần diệu” và được coi như một mô hình cho các nước đang nổi khác. Cuộc bầu cử năm 1987 đã góp phần giải phóng nền kinh tế Hàn Quốc mà giờ đây đang xuất khẩu rất nhiều thứ, từ đồ điện tử tới nhạc pop.

Shin được coi là một trong những nhà văn xuất chúng của “Thế hệ 386” – thế hệ sinh ra trong những năm 1960 và trong thập kỷ 1980 họ được nhìn nhận là công cụ của trào lưu dân chủ. 

"Thế hệ đó là lực lượng chủ lực cho sự thay đổi. Là một nhà văn, tôi không thích bị phân nhóm vào một thứ gì đó, nhưng qua đây người ta hiểu được tôi là một phần của thế hệ đó” - Shin nói.

Nền kinh tế Hàn Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng quá trình đó cũng phải trả giá. Đó là vấn đề nằm trong cuốn Xin hãy chăm sóc mẹ, một sự phản ánh những gì đã mất khi đất nước này trên con đường phát triển.

Hàn Quốc đã trở thành một xã hội tự chủ hơn trước. Mọi thứ đang thay đổi nhanh đến mức mọi người không nhận biết được những gì đang xảy ra. Người mẹ trong cuốn sách thuộc thế hệ lớn tuổi hơn. Khi gia đình mất mẹ, tức là chúng ta đang mất đi thế hệ già hơn. Nội dung cuốn truyện là chủ đề mang tính toàn cầu, bởi trên con đường tiến tới hiện đại hóa, chúng ta bị mất dần đi tính nhân văn” - Shin nói. 

2. Cuốn sách cũng phần nào phản ánh chính câu chuyện của tác giả. Bà rời mái nhà nghèo khổ của mình lên Seoul khi mới ở tuổi vị thành niên, ban ngày làm việc trong một nhà máy thiết bị điện tử, còn ban đêm  tiếp tục hoàn thành chương trình phổ thông. Sau khi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật Seoul (năm 1985) đến nay, bà đã trở thành một trong những nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều nhất Hàn Quốc.

Và với giải thưởng Văn học châu Á, Shin sẽ nhanh chóng tìm thêm được lượng độc giả mới. “Tôi không hề cảm thấy sợ hãi hay áp lực. Tôi cảm thấy có nhiều sự tự do hơn vì viết cuốn sách này đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Đối với tôi, cuốn sách như một người mẹ” - Shin chia sẻ.

Việt Lâm (lược dịch)

 


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]