7 điều cha mẹ cần làm khi con bị trêu chọc

Hầu như đứa trẻ nào cũng bị trêu chọc ít nhất một lần. Thật khó để ngăn chặn điều này nhưng cha mẹ có thể dạy con cách để đối phó với những tình huống bị tổn thương.

0

Hãy lắng nghe một cách thông cảm

Đừng chối bỏ những gì trẻ kể cho bạn, thay vì thế, hãy lặp lại những điều trẻ vừa kể và tỏ ra thông cảm với chúng. Điều này sẽ giúp trẻ nhận ra đâu là thực chất cảm nhận của mình. Ví dụ:

Mẹ: “Vậy là bạn Ti nói con xấu xí vì con có một cái sẹo trên mặt phải không?”

Con: “Phải mẹ à, và đúng là con có một cái sẹo thật. Con không muốn đi học nữa đâu”

Mẹ: “Bạn Ti nói như vậy thật là không phải. Bạn không có quyền nói với con như thế. Mẹ có thể nhận thấy con tức giận và bị tổn thương đến mức nào. Mẹ có thể làm gì giúp con bây giờ?”.

 

Phản ứng linh hoạt nhưng không được đánh nhau

Phân tích cho trẻ hiểu đánh nhau thực sự là điều không tốt và không thể giải quyết được vấn đề. Có rất nhiều cách khác mà con có thể ứng xử khi bị trêu chọc như: phớt lờ sự trêu chọc; nhìn thẳng và nói với bạn trêu chọc một cách cương quyết “Tớ không thích bạn làm như vậy!”; nhờ sự giúp đỡ của thầy cô...

Kẻ “gây chiến” sẽ không có đất “dụng võ’ nếu bé nhà bạn mạnh mẽ và bỏ ngoài tai những lời không hay.

Dạy bé biết yêu cầu giúp đỡ

Đừng hy vọng bé mẫu giáo của bạn có thể tự chống đỡ với mọi tình huống bị trêu tức. Nếu bé thực sự khó chịu vì bị trêu ở lớp mẫu giáo, nhất là khi bị trêu không ngừng, bé cần nhờ bố mẹ và cô giáo giúp đỡ. Sau cùng, cha mẹ cần nói chuyện với giáo viên của bé để cải thiện tình hình.

Không trêu con

Việc trêu chọc không chỉ xuất phát từ các bạn ở lớp của bé mà có thể từ cha mẹ, dù bạn không nhận ra. Trêu con có thể là cách đùa vui của cha mẹ nhưng nếu bé không thấy hài hước, có thể bạn đã chạm vào nỗi buồn của con. 

Cha mẹ có thể chỉ ra những ưu điểm của con để con tự tin hơn vào bản thân và phát huy thế mạnh của mình, đồng thời hãy luôn có những nhận xét tích cực về các hành vi tốt của con.

Tìm hiểu nguyên nhân

Nếu thấy đó là do những thói quen không tốt của con như: cắn móng tay, ngoáy mũi, chưa gọn gàng... thì bạn cần tập trung giúp con loại bỏ ngay thói quen xấu để hoàn thiện mình hơn.

Nếu như mức độ của việc bạn bè trêu chọc đi quá giới hạn thì gia đình cần liên hệ ngay với giáo viên để có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh để kéo dài dẫn đến tình trạng con chán đi học, sợ trường lớp, khủng hoảng tinh thần...

Tổ chức một bữa tiệc nhỏ để các bé xích lại gần nhau hơn

Thỉnh thoảng mẹ cũng nên tổ chức một buổi liên hoan tại nhà, mời các bé khác đến nhà cùng giao lưu và chơi trò chơi để các bé có dịp được hiểu nhau và kết bạn với nhau. Một buổi liên hoan đầm ấm thú vị sẽ khiến các bé xích lại gần với nhau hơn.

Rèn luyện cho con sự tự tin

Càng tự tin, trẻ càng ít bị tổn thương trước những lời nói hay hành động trêu ghẹo của kẻ khác.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]