Bánh tráng - hương vị quê nhà

(Dân Việt) Bánh tráng là món ăn phổ biến đặc thù của người Việt. Miền Bắc thì gọi là bánh đa, còn miền Nam thường gọi là bánh tráng. Đi bất cứ nơi đâu, dù vào Nam hay ra Bắc chúng ta đều có những làng nghề làm bánh tráng.

15.6069

Bánh tráng được làm từ bột gạo. Ngày xưa, khi đất nước còn khó khăn, bánh tráng được làm từ bột bắp, bột khoai, bột mì… để ăn cho đỡ đói, chứ không ngon như bánh tráng bây giờ. Đôi khi, có loại bánh tráng mè, dừa, đường, xoài... làm tăng thêm gia vị và mùi thơm cho bánh.

Gạo dùng tráng bánh phải có độ dẻo vừa phải và phải ngâm nước qua một đêm cho mềm. Khi xay thành bột đặc, cho một ít muối để bánh dẻo, khi ăn hay cuốn không bị nát. Nếu tráng bánh để cuốn nem, bột phải để qua một đêm cho “dậy”. Sau đó, bột pha nước, quấy đều đến một độ lỏng vừa đủ để đem tráng.

Bột để trong xoong, nhúng vào một cái gáo múc bột có cán. Gáo múc bột làm bằng sọ dừa nhỏ, có cán, đựng vừa đủ cho một cái bánh. Trên miệng xoong gác một thanh que, để cái vá tráng bánh.

Bánh tráng mỏng, dẻo được tráng công phu hơn dùng để cuốn nem.

Bột được múc bằng gáo dừa đổ vào vá, vá đổ lên khuôn, quay tròn vá cho bột lan ra mỏng và đều trên nền vải. Nếu tráng bánh tráng dày để nướng thành bánh đa thì phải tráng bột hai lần, vừa tráng bánh vừa rắc vừng lạc lên trên mặt để khi nướng bánh sẽ có những đốm vừng lạc và mùi thơm đặc trưng hấp dẫn. Sau khi tráng bột, đậy nắp lại, đợi bánh chín.

Khi bánh chín, người ta lấy bánh ra bằng que tre phần trước mỏng, dẹp, phần sau tròn, luồn que giữa cái bánh và mặt khuôn vớt bánh lên đặt trên bàn xoay.

Bánh còn ướt được trải trên những tấm vỉ phơi bánh dài đan bằng tre. Hai bên là hai cây tre nhỏ làm sườn cho cái vỉ vững vàng khi dựng lên. Nhiều nơi đan vỉ đôi, phơi được hai hàng bánh. Vỉ được đem dựng phơi hay gác lên các giàn phơi ở những nơi nhiều nắng.

Nếu gặp mùa mưa, người ta phải dùng than lửa để sấy bánh. Để tránh bánh khỏi dính vào vỉ, người ta dùng nước vo gạo phết một lớp mỏng lên mặt vỉ, còn bây giờ thì họ dùng dầu ăn cho bánh khỏi có vết hằn trắng trên mặt do bột gạo tạo nên. Nếu bánh tráng dày dùng làm phở, chỉ phơi se mặt rồi gỡ. Còn bánh tráng dày dùng để nướng phải phơi thật khô.

Khi bánh khô, gỡ từng cái, xếp thành chồng, dùng vật nặng đè lên cho hết cong, vênh. Sau đó, từng chục cái hay hai chục cái, dùng dây lát hay dây chuối, buộc lại thành hình chữ thập.

Bánh tráng dày dùng để nướng. Bánh tráng đem nướng trên lò than, trở qua trở lại cho thật đều, một tay cầm bánh, một tay cầm đũa bếp lận cho cái bánh có dáng hơi cong cong như chiếc yên ngựa, để khi chồng lên nhau bánh sít vào nhau.

Những chiếc bánh giòn thơm là thứ quà quê được nhiều người ưa thích và là thứ đồ nhắm số 1 của cánh mày râu.

Đây là một khâu quan trọng và người nướng bánh cần khéo léo thì bánh mới phồng, chin và giãn nở đều, có màu vàng rộm và thơm lừng. Bánh nướng xong thường bỏ vào bao ny lông lớn để giữ độ giòn. Bánh tráng dày còn có cách ăn nữa là đem ra phơi nắng to, sau đó bỏ vào miệng nhai sẽ giòn tan và có mùi thơm hấp dẫn.

Bánh tráng nướng cũng là thứ quà quê được nhiều người yêu thích và là thứ đồ nhắm số 1 của cánh đàn ông. Một ly rượu với vài chiếc bánh tráng mè giòn tan sẽ làm cho câu chuyện thêm rôm rả.

Ở miền Bắc người ta thường nhắc tên tới thứ ăn khoái khẩu này như như một thương hiệu là bánh đa Kế Bắc Giang. Trên các con phố của Hà Nội, người ta biết đến thương hiệu của loại bánh này từ những hàng bán rong với những cái biển “Bánh đa Kế” ghi trên những chiếc thúng đựng bánh đa.

Trong những ngày Tết, ăn bánh tráng sẽ giúp trung hòa những thức ăn nhiều dầu mỡ. Bánh tráng có thể dùng để cuốn và ăn với rau, thịt, giò heo, đậu măng hầm, nem, dưa hành.

Theo Lao Động
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]