Bí quyết tránh gàu

Gội đầu đều đặn giúp duy trì cân bằng pH, lấy đi chất bã nhờn dư thừa trên da đầu và giảm nguy cơ bị gàu. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác mà bạn không thể luôn luôn kiểm soát được, nên gàu vẫn có thể xuất hiện hay tái phát.

15.5836

Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống.

Gàu là những miếng hay mảng da mỏng, kích thước nhỏ, khô, màu trắng hoặc màu vàng, nhờn. Ngoài ở da đầu, gàu còn có thể ở lông mày, cánh mũi, quanh viền tóc, trong ống tai ngoài, lông vùng sinh dục, nách. Gàu không gây ra bất kỳ nguy hiểm gì, nhưng nó gây khó chịu, bực mình và mất thẩm mỹ. Ngoài ra, nó là một tình trạng mãn tính, lúc bị lúc mất hoặc tái đi tái lại.

Nguyên nhân chính xác của hiện tượng gàu cho đến giờ vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng phát hiện 4 yếu tố chính liên quan đến gàu là: Tăng tiết chất bã nhờn trên da đầu, thay đổi pH da đầu, vi nấm P. ovale tăng sinh trên da đầu và tế bào da đầu tăng trưởng quá nhanh. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng góp phần gây ra gàu, như:

- Gội đầu không đúng cách hay không thường xuyên. Xả nước không đủ sạch sau khi gội đầu. Dùng dầu gội có chất tẩy rửa mạnh hay có nhiều dầu nhờn...

- Bị căng thẳng, lo lắng, suy sụp tinh thần, mất ngủ…

- Dị ứng với thức ăn hay mỹ phẩm dùng trên đầu, keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc

- Thời tiết: Gàu thường bị nhiều và nặng vào mùa đông hay mùa mưa, nhẹ vào mùa hè. Tuy nhiên, nếu để da đầu đổ nhiều mồ hôi thường xuyên (như đội mũ chật, sấy uốn tóc, sống ở những nơi khô nóng, tắm hơi, làm bếp) cũng có thể gây ra gàu.

- Chế độ ăn: Không đầy đủ dưỡng chất hay ăn nhiều chất đường, béo.

- Vệ sinh kém: Ít gội đầu, gây ứ đọng chất bã nhờn, tạo môi trường thuận lợi cho vi nấm phát triển.

- Di truyền: Có nhiều người trong gia đình bị gàu.

- Nhiễm trùng, giảm sức đề kháng, suy kiệt.

- Mất cân bằng nội tiết tố: Gàu thường xuất hiện sau tuổi dậy thì, mỗi khi có kinh nguyệt hay ở người có tăng tiết androgen (gây tăng tiết bã nhờn).

Lưu ý khi bị gàu

Tránh dùng dầu gội quá nhờn hoặc chứa hóa chất tẩy rửa mạnh, vì sẽ dễ gây phản ứng da đầu. Ngoài ra, gội đầu quá nhiều (hơn 1 lần/ngày) có thể làm gàu trầm trọng hơn.

Những bệnh nhân bị gàu thường có làn da dễ dị ứng, nên cần tránh thay đổi thường xuyên các loại dầu gội mới, cũng như các loại mỹ phẩm dùng trên đầu - mặt như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc...

Không nên cào gãi hay bóc gỡ gàu, nếu không bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của bệnh: Sờ, bóc - ngứa - gãi - bong, tróc, (nhiễm trùng) - sờ, bóc…

Dùng dầu gội đặc trị gàu

Gàu có thể tự biến mất mà không cần điều trị trong những trường hợp nhẹ hay vừa. Với những trường hợp nặng, cần điều trị nhiều tuần mới cải thiện được. Các loại dầu gội đầu thuốc phổ biến hiện nay thường chứa một hay nhiều chất sau: Selenium Sulfide, Pyrithione Kẽm (Zinc Pyrithione=ZPT), Hắc ín (Tar), Ketoconazole, Salicylic acid, Lưu huỳnh.

Cho đến giờ, chưa có công trình nào so sánh mức độ hiệu quả của các chất trên trong điều trị gàu. Tuy nhiên khi loại dầu này không hiệu quả thì có thể một loại khác sẽ có tác dụng tốt hơn. Khi dùng dầu gội thuốc, cần lưu ý:

Mỗi lần gội đầu nên gội 2 lần liên tiếp nhau để đạt kết quả tối ưu.
Lần gội đầu 1: Xoa nhẹ nhàng dầu thuốc trên da đầu để tạo bọt và để như vậy trong 5-10 phút. Khoảng thời gian này giúp thuốc tác động xuống da đầu và làm bong gàu. Sau đó xả sạch bằng nước và gội tiếp ngay lần 2.

Lần gội đầu 2: Tiến hành tương tự lần 1. Tuy nhiên có thể để dầu gội lâu hơn trên da đầu. Lần gội đầu này sẽ giúp để lại một ít thuốc trên da đầu và tiếp tục tác động cho đến lần gội kế tiếp.

Nếu tóc bạn trở nên khô trong khi đang điều trị gàu bằng một dầu thuốc thì nên thay bằng loại dầu thuốc khác hay dùng thêm dầu xả sau mỗi lần gội. 

Sau khi đã hết sạch gàu thì vẫn nên tiếp tục duy trì loại dầu trên một thời gian nữa (tối thiểu là 2-3 tuần) để ngăn chặn tái phát. Đôi khi một dầu gội thuốc đang điều trị gàu rất hiệu quả trong 1-2 tháng thì đột nhiên mất tác dụng dù vẫn dùng thường xuyên. Nguyên nhân của hiện tượng này thường không giải thích được. Vì vậy, trong đa số trường hợp, nên thay đổi dầu gội thuốc sau khi gàu đã ổn định hay đã sạch (2-3 tuần). Điều này sẽ bảo vệ tóc khỏi khô, xơ xác do tiếp xúc nhiều với hóa chất.

Nên dùng thêm một số loại Vitamin nhóm B (đặc biệt là B6, Bepanthene), Biotine (Vitamin H), Vitamin A, Beta Carotene, dầu gan cá, vitamin E, kẽm, cystin, lecithin..., sẽ giúp ích cho tóc và da đầu.

Trường hợp gàu nặng, ngứa nhiều và gây cào gãi (nguy cơ bội nhiễm) thì cần dùng thêm thuốc uống (ví dụ: thuốc kháng histamin và kháng sinh) hay thuốc thoa tại chỗ như corticosteroids, sacicylic acid, lưu huỳnh...

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]