Bí quyết tránh bị 'chặt chém'

15.5925

Chọn quán đông khách, trước khi ăn hỏi rõ giá, tránh xa những nơi chèo kéo với lời lẽ ngon ngọt và nên chuẩn bị sẵn thực phẩm, vật dụng cần thiết trong túi.

Cách để tránh bị người bán "móc túi" vô tội vạ của chị Hằng, quận Bình Thạnh là chỉ chọn những nơi có đông khách lui tới. Bởi nếu quán không ngon, hoặc giá quá đắt sẽ chẳng thể thu hút lượng khách, với đủ mọi thành phần ghé đến. "Chiêu" này chị thường xuyên áp dụng khi ăn ở quán lạ và đã không bị "chặt chém" nhiều như trước đó.

Gia đình chị cũng hay mách bảo nhau nên đến những nơi có bảng hiệu đàng hoàng, ghi giá rõ ràng để không "phập phồng lo sợ" thiếu tiền trả. Thường những nơi này, giá đắt hơn quán vỉa hè nhưng bù lại chất lượng món ăn tốt hơn, không gian sạch sẽ cho khách cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, quán có tên hẳn hoi nên nếu làm ăn cẩu thả dễ rơi vào tầm ngắm của diễn đàn, cộng đồng mạng bình luận, mổ xẻ, thậm chí kêu gọi tẩy chay. Thực khách cũng không nên vào những quán có người chèo khéo, mời gọi, giành khách ở ngay lề đường vì những quán này thông thường kém ngon mà lại đắt tiền.

Từng vài lần bị "chặt chém" nên chị Hạnh, quận Tân Bình hiện chỉ vào những quán có niêm yết giá cụ thể. Cẩn thận hơn, chị cũng hỏi rõ ràng về phương thức gọi món, giá tiền giữa một tô, một phần khác nhau như thế nào và một phần ăn gồm những gì...

"Nhiều người sĩ diện chẳng dám hỏi rõ giá cả vì sợ người khác nghĩ mình không có tiền trả, còn tôi thì không. Tôi sẵn sàng chọn món giá đắt nhưng nó phải đáng đồng tiền bát gạo và không có chuyện mập mờ giá cả ở đây", chị chia sẻ. Chị đúc rút kinh nghiệm này sau một lần đi ăn nem nướng cùng 4 người bạn. Chị gọi 3 phần nhưng tới khi tính tiền, họ căn cứ trên đầu người ghi 4 phần nên mức phải trả vượt xa số tiền mọi người ước tính khi gọi món.

"Nhờ hỏi giá cả rõ ràng ngay từ đầu nên nhóm tôi không bị mất oan hơn trăm nghìn đồng", chị kể.

Chọn quán khách ăn đông cũng là một cách để tránh chặt chém. Ảnh: Hồng Châu

Với một sinh viên như Lan, cách để để thưởng thức những món ưng ý mà không phải trả giá quá cao là tìm đến quán vỉa hè, ở những khu vực có giá cả bình dân như khu quận 8, 6 và Thủ Đức.

“Từ chợ Kim Biên đến khu chợ Bình Tây bán giá vừa phải mà nhiều món ngon như bột chiên, hủ tíu xào, hoành thánh, cơm sườn...”, Lan nói. Còn muốn tận hưởng những món đặc sản của từng vùng miền, Lan tìm những quán có tên tuổi và cần biết trước giá cả nơi đó phải chăng sẽ không bị mất tiền oan. Cô cũng lưu ý luôn mang theo chai nước bên mình để không là nạn nhân của những nơi "định giá" chai nước suối gấp nhiều lần ở siêu thị.

Anh Dương, ở quận Gò Vấp tự hào chưa bị "chặt chém" lần nào khi anh chỉ ghé những quán quen, xin hẳn số điện thoại chủ. Nhờ thế, mỗi lần muốn ăn món gì, anh không phải đến tận nơi mà có thể gọi điện hỏi xem hàng có tươi mới không và có thể đặt hàng nhờ người mang tới nhà. Vì là khách ruột nên mỗi lần giá thực phẩm có tăng đôi chút nhưng chủ quán khi nào cũng bán cho anh ở mức cũ.

Trong khi đó, người đam mê du lịch bụi như anh Lam, quận 1 luôn chuẩn bị sẵn tất cả mọi thức ăn, vật dụng cần thiết trong ba lô. Theo anh, thường những điểm mới lần đầu đặt chân đến khá lạ lẫm và chính cái ngây ngô của mình sẽ dễ bị hớ khi mua hàng ở những nơi đó. Nếu có mua cũng cần hỏi và trả giá để tránh mất tiền oan. Đối với phòng nghỉ, anh cũng chủ động liên hệ và đặt cọc trước sẽ hạn chế tình trạng "nay giá này, mai giá khác".

Ngoài ra, khi sử dụng các dịch vụ taxi ở địa điểm du lịch, anh cũng chỉ chọn các công ty có giấy phép kinh doanh hợp pháp, tránh tối đa chuyện làm "con mồi" cho taxi dù. "Đối với những người đi du lịch nước ngoài, một số nơi áp dụng mức phí taxi cao hơn đối với các khung giờ cao điểm, buổi tối, cuối tuần hoặc khi đi qua những khu vực đặc biệt. Và ở nhiều nước, khách phải đàm phán giá cả trước khi thắt dây an toàn", anh chia sẻ.

Thông thường, các ngày vàng như  lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ Nhật, giá tất cả các mặt hàng, dịch vụ thường đẩy lên rất cao. Do vậy, theo anh, khi đi du lịch nên tránh xa những ngày này. “Chính nhờ thế mà mỗi lần trải nghiệm qua các địa danh, tôi luôn cảm thấy thoải mái” anh Lam nói.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và tiêu dùng, Hiệp hội bảo về người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, hiện tượng "chặt chém" người tiêu dùng là sai với quy định của pháp luật. Thông thường, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải niêm yết giá cụ thể để tránh gây hiểu lầm cho các vị khách.

Ông kiến nghị cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm tra và xử phạt hành chính đối với những đơn vị kinh doanh không minh bạch. Trường hợp nào "chặt chém" quá mức cần rút giấy phép kinh doanh. Ông cũng khuyên người tiêu dùng nên cẩn thận khi lựa chọn hàng quán, đồng thời, hỏi giá trước khi mua, chứ nếu để mình "mắc bẫy" mới kiện cáo, lúc đó vừa mất thời gian mà lại phiền hà.

Hồng Châu

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]