Bố mẹ hận nhau sau ly hôn: Tâm hồn trẻ mắc chứng nan y

Giadinh.net - Ly hôn là chuyện bình thường khi hai vợ chồng không thể tiếp tục chung sống. Nhưng nhiều người sau ly hôn vẫn giữ nỗi hận trong lòng, khiến con cái phải lớn lên với hình ảnh của một ông bố, bà mẹ vắng mặt đầy sự xấu xa và tội tệ.

15.5967
Theo các chuyên gia tâm lý, đây là thứ độc dược huỷ hoại tâm hồn đứa trẻ, gây nên những vết thương tâm lý theo suốt cuộc đời.

Nỗi hận dai dẳng

Câu chuyện về cô sinh viên Thuỳ Linh, nguyên là sinh viên khoa Luật của Trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những ví dụ điển hình của nỗi hận dai dẳng này. Quê của Linh ở Thái Bình. Bố mẹ Linh ly thân khi cô vừa lên 2 tuổi. Linh ở với mẹ và ông bà ngoại. Còn bố Linh, sau khi ly thân thì chuyển công tác ra Hà Nội và tưởng rằng, khi Linh đỗ đại học, hai bố con sẽ được ở bên nhau. Nhưng Linh đã từ chối tình cảm của bố. Cô nhất quyết không ở cùng bố mà sống ở ký túc xá. Mỗi lần muốn gặp con, bố cô lại phải lặn lội vào ký túc xá và chỉ được gặp con vài ba phút ở cầu thang rồi ra về. Còn Linh, mỗi lần gặp bố xong, cô đều quay ngoắt về phòng của mình với vẻ mặt hết sức tức giận.
 
Theo lời bạn bè của Linh kể lại thì tuổi thơ của Linh lớn lên trong nỗi hận thù của mẹ và ông bà ngoại về người bố của mình. Nguyên nhân khiến bố mẹ Linh ly thân là vì mâu thuẫn giữa mẹ Linh và ông bà nội. Cuối cùng vì chiều lòng ông bà nội, bố Linh là người chủ động đề xuất vấn đề ly thân. Ông ly thân vợ và chọn cách sống ẩn dật một mình ngay giữa đô thị phồn hoa. Vì bị bố Linh bỏ rơi nên mẹ Linh rất hận chồng. Bà không cho ông gặp con và thường dùng những lời lẽ cay nghiệt để nói về chồng. Tuổi thơ của Linh lớn lên với hình ảnh một ông bố méo mó, tồi tệ và đáng khinh bỉ.

Tương tự chuyện của Linh là một trường hợp khác. Cô X là khách hàng của Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống, Trung ương Đoàn TNCS HCM (số 5 Nguyễn Quý Đức, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cô gái cũng lớn lên cùng với nỗi hận của bà mẹ về người chồng bội bạc. Mặc dù không sống cùng bố, nhưng nỗi hận của bà mẹ đã truyền sang cô. Từ việc hận người bố vắng mặt, cô hận luôn cả đàn ông và thề không bao giờ lấy chồng.

Cô gái này sống cùng mẹ ở Hà Nam. Mẹ cô là nhân viên bưu điện. Bố cô đi làm ăn xa trong miền Nam. Ông cặp bồ, rồi có con riêng nhưng vẫn lừa dối mẹ cô cho đến khi bà phát hiện ra sự thật. Mẹ cô gái đã làm đơn ra toà để ly dị, nhưng vẫn ôm nỗi hận vì bị phụ tình. Bà ở vậy nuôi con. Trong những năm tháng một mình lăn lộn nuôi con, bà đã vô tình gieo nỗi hận đó lên đứa con của mình. Khi cô gái vào đại học, mặc dù mẹ cô già yếu, kinh tế khó khăn vừa học vừa đi làm thêm nhưng cô nhất quyết khước từ mọi sự giúp đỡ của bố. Cô căm thù bố đến mức không muốn trả lời điện thoại của ông. Cứ thấy giọng ông là cô tắt máy. Năm nay cô đã 31 tuổi, có công ăn việc làm ổn định nhưng không hề có ý định lấy chồng.
 

Ly hôn có văn hoá

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Yến Nhi, Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống cho rằng, rất nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn vẫn không giải quyết được mâu thuẫn và không giải toả được nỗi hận của mình về người bạn đời. Họ vô tình gieo nỗi hận đó lên đứa con bé bỏng của mình và không ngờ rằng, chính điều đó đã xé nát tâm hồn con trẻ. Đứa trẻ lớn lên trong sự tổn thương nghiêm trọng về tâm hồn và tình cảm, những vết thương đó như bệnh ung thư, càng ngày càng loang rộng và không có cách gì để cứu vãn.

Theo Ths Nguyễn Yến Nhi, trẻ con giống như tờ giấy trắng. Nhân cách, tính cách của trẻ sau này là do chính bố mẹ gieo vào và vẽ nên. Vợ chồng chia tay thường là ghét nhau, là hết tình cảm. Do không ý thức nên họ đã truyền lại sự căm ghét, sự hận thù đó lên tâm hồn non nớt của trẻ, tạo nên vết hằn trong lòng trẻ. Nhiều đứa trẻ sống thiếu bố, thiếu mẹ khi lớn lên đã có những nỗi hận vô hình do chính bố mẹ mình tạo nên. Có đứa trẻ hận bố vì đã đánh đập mẹ, có đứa trẻ hận mẹ vì đã bỏ bố đi ngoại tình...
Theo bà Lê Thị Tuý (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên), việc bố mẹ hận nhau sau ly hôn, để lại di chứng nặng nề cho những đứa con là một thực tế đau lòng nhất nhưng không mấy ai tránh được. Hầu hết các cặp vợ chồng ly hôn trong sự nặng nề. Họ thường đổ lỗi cho nhau, mạt sát nhau cho hả giận mà không hề biết rằng chính mình lại là người có lỗi. Nguy hại hơn, cách ứng xử vị kỷ đó đã làm tổn thương nghiêm trọng đến chính đứa con mà mình đã rứt ruột đẻ ra.

Bởi vậy, theo bà Lê Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tư vấn người bạn tri kỷ (Tổng đài tư vấn tâm lý 1088 – Hà Nội), để những nỗi đau của người lớn không làm ảnh hưởng đến con cái, các cặp vợ chồng sau ly hôn nên xác định, ly hôn là việc của người lớn. Không nên để cho đứa trẻ tham gia và trải nghiệm những nỗi đau của bố mẹ chúng khi chúng còn quá bé. Hãy nói cho đứa trẻ biết rằng, bố mẹ chia tay vì không thể cùng nhau đi hết cuộc đời, vì không hoà hợp... Kể cả khi không hài lòng về nhau thì vẫn cần tạo cho con trẻ một hình ảnh người bố, người mẹ tốt. Điều này không chỉ giúp các ông bố bà mẹ nhanh quên đi quá khứ đau buồn mà còn là cơ sở, là tiền đề tốt đẹp cho những đứa con của mình.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Lâm Vũ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]