Cách phòng tránh nứt kẽ hậu môn

Cháu 23 tuổi, thường xuyên bị táo bón. Gần đây cháu rất sợ phải đi ngoài vì nhiều khi thấy xuất hiện máu trong phân.

0

Cháu 23 tuổi, thường xuyên bị táo bón. Gần đây cháu rất sợ phải đi ngoài vì nhiều khi thấy xuất hiện máu trong phân. Nhiều người bảo cháu bị nứt kẽ hậu môn. Cháu rất lo lắng, muốn hỏi nguyên nhân gây bệnh và cách phòng tránh.

Hồ Thị Liên (Bắc Ninh)

Nứt kẽ hậu môn là vết loét do lớp da ống hậu môn dưới vùng nếp nhăn bị nứt ra mà thành. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu đau đớn cho bệnh nhân.

Nguyên nhân nứt kẽ hậu môn chủ yếu là do táo bón; ngồi đại tiện không đúng cách (ngồi xổm), thời gian đại tiện kéo dài; khi đại tiện rặn quá mạnh; những tổn thương sau phẫu thuật ở vùng hậu môn, sinh đẻ, viêm nhiễm... đều có thể là những nhân tố gây nứt hậu môn.

Triệu chứng điển hình là đau hậu môn khi đại tiện; phân khô - rắn, người bệnh cố rặn gây tổn thương thêm cho vết nứt kẽ, dẫn tới đau dữ dội làm cho người bệnh sợ đi ngoài; chảy máu tươi: máu đỏ tươi bám theo phân hoặc nhỏ giọt, số lượng có thể nhiều, có thể ít tùy theo vết nứt kẽ sâu hay nông; mẩn ướt: vết nứt kẽ có phản ứng viêm xuất tiết, kích thích vùng da xung quanh, xuất hiện vạt da tăng sinh, mẩn ngứa khó chịu.

Để phòng tránh nứt kẽ hậu môn, bạn cần điều trị táo bón bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ, trái cây; hạn chế uống rượu, hút thuốc, ăn đồ cay và thực phẩm nhiều dầu mỡ. Ăn thêm khoai lang cũng giúp đi ngoài được dễ dàng. Nên vận động cơ thể bằng cách tập thể dục đều đặn giúp tăng nhu động ruột; nếu bị nứt kẽ hậu môn, bạn nên ngâm hậu môn với nước ấm trong 15 - 30 phút, mỗi ngày từ 2 - 3 lần, nhất là sau khi đại tiện, sẽ giúp giảm đau và ngứa; tránh rặn khi đi ngoài vì rặn sẽ tăng áp lực, làm rách lại vết nứt cũ đang lành hoặc gây ra vết nứt mới.

Nếu đã thực hiện các cách trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được tư vấn và chữa trị.

BS. Phương Anh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]