Cách trị tật "nói tục" của con

Trong quá trình học nói, rất ít trẻ em tránh được việc nói bậy. Tuy nhiên, bố mẹ cần phát hiện sớm và giúp trẻ loại bỏ chúng càng nhanh càng tốt.

15.5921

 Nói tục là một hành động không đẹp, là thói quen xấu, nhiều khi nó thể hiện đó là một người không được giáo dục, dạy dỗ một cách chu đáo. Nhưng đối với trẻ nhỏ, đó đơn giản là hành động bắt chước và trẻ chưa đủ lớn để ý thức được hậu quả của nó. Chính vì thế, người lớn cần hiểu bản chất của việc nói tục ở trẻ em và có cách ứng xử phù hợp.Vậy phải làm gì khi trẻ hay nói tục?


Trẻ hay nói tục chủ yếu là do bắt chước.

Nguyên nhân trẻ nói tục

Trên thực tế, thỉnh thoảng trẻ em sử dụng những từ ngữ mang ý nghĩa xấu mà không cần biết nghĩa của từ đó. Chúng có thể học những từ ngữ đó từ những đứa trẻ khác, từ tivi, phim ảnh, hay thậm chí là từ chính ba mẹ chúng.

Đôi khi từ phim, sách báo, truyện hay chính từ những câu chuyện hàng ngày của người lớn có sử dụng những từ tục sẽ khiến trẻ con nhớ rất nhanh. Trẻ luôn tò mò, khám phá, học hỏi thế giới xung quanh và chúng nhìn vào người lớn để học hỏi.

Trẻ em dưới 5 tuổi thường nói tục để đáp trả lại mặc dù chúng không hiểu nghĩa của từ đó là gì. Trong độ tuổi đó, trẻ con rất tò mò, thích khám phá, tìm hiểu những gì xung quanh chúng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trẻ em nói tục để biết những từ mà chúng vừa học được sử dụng với mục đích ra sao. Ví dụ như khi chửi tục, người nói phải dùng một lượng hơi rất mạnh mà phần lớn những từ ngữ khác không có được. Khi biết một từ có thể bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ như vậy, chúng sẽ có ý muốn sử dụng lại lần nữa. Đặc biệt là những trẻ từ 4 đến 5 tuổi. Thế giới bên ngoài rất lạ lẫm và bí ẩn với trẻ, do đó, trẻ em cần được học những từ ngữ, hành động thích hợp để sử dụng khi chúng thất bại hoặc tức giận.

Những biện pháp khắc phục

Trước hết bạn cần phải kiểm tra ngôn từ của cha mẹ hàng ngày có đảm bảo rằng không nói bậy, nói tục, chửi thề trước mặt con cái hoặc ngay cả khi bạn nghĩ bé không nghe được.


Bố, mẹ hãy giải thích cho con nghe việc nói tục không tốt như thế nào.

Hãy giúp cho con của bạn nhận thấy rằng những từ ngữ thô tục không được phép sử dụng. Nếu con bạn nói tục, bạn nên khuyên bé phải bình tĩnh để thoát khỏi cơn giận dữ và không nên dùng từ tục tĩu để nói. Sau đó, bạn phải chắc chắn rằng: không ai trong gia đình của bạn dùng cách nói tục để xả giận.

Khi con bạn nói tục vì giận dữ, hãy giúp con bé tìm một cách tốt hơn để thể hiện cảm xúc và nói với nó rằng: "Con đang tức giận phải không? Hãy nói cho ba (mẹ) biết điều gì làm con tức giận vậy, bé yêu?" rồi đưa ra những hành động, từ ngữ thích hợp giúp trẻ thể hiện cảm xúc khi tức giận. Ví dụ: xả cơn giận vào chiếc gối hay hét lên rằng: "Con tức quá!" hay "Thật không công bằng!"...

Nếu con bạn bị thất bại và cần sự giúp đỡ từ phía bạn, hãy dạy trẻ cách biểu lộ cảm xúc hay tâm sự với người khác một cách đúng đắn và có chuẩn mực.

Bạn nên thể hiện sự ân cần với trẻ, giúp trẻ tránh khỏi cảm xúc bức bối hoặc những chuyện làm trẻ tức giận. Bởi vì, cơn tức giận khiến con người không làm chủ được bản thân, dễ dàng buông ra những lời nói thô tục. Nhưng bạn phải nhớ rằng: đừng tạo ra những hình phạt nặng nề với lỗi lầm mà chúng gây ra. Hơn nữa, trẻ em rất thích làm theo những gì mà chúng nhìn thấy, nghe thấy. Vì vậy, hãy tạo lập một môi trường học tập tốt cho trẻ.

Đôi khi những lời khen khi bé không nói bậy sẽ cho hiệu quả tốt. Bạn nên nói cho bé biết mẹ hài lòng với cách bộc lộ cảm xúc của bé. Đồng thời, hướng bé tới việc giải tỏa khó chịu như cùng bé đi ăn kem, đi siêu thị, cùng nói chuyện với bé...

Như vậy, khi chúng ta biết kiềm chế những cảm xúc mạnh mẽ, không buông lời nói tục, chửi bậy chính là lúc chúng ta hoàn thành một thời gian rèn luyện, tu dưỡng đạo đức hết sức khó khăn, đầy thử thách và sự kiên trì.

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL

 

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]