Cầu Rồng Đà Nẵng: Đừng phun lửa còn tốt hơn?

BizLIVE - Dịp Tết Nguyên tiêu năm nay, nhiều người ở xa về Đà Nẵng đã háo hức mong được xem cầu Rồng phun lửa. Nhưng kết quả đa phần người xem bị hụt hẫng, khi nhìn thấy quy trình “biểu diễn” của chiếc cầu được xem là ấn tượng nhất Việt Nam lại quá sơ sài. Tweet

15.6102

Việc phun lửa thật của cầu Rồng Đà Nẵng không được mỹ thuật đẹp mắt như nhiều người mong.

Nhiều người phàn nàn và đặt câu hỏi, liệu có nhất thiết phải phun lửa theo cách như vậy?

Trở lại quá khứ, khi chiếc cầu Rồng lần đầu tiên phun lửa trong lễ khánh thành, một số người dự xem đã bày tỏ ý kiến chưa đồng thuận với cung cách tiến hành. 

Ngọn lửa thấp, ngắn, nhiều bụi khói pha tạp vào, khiến cho cảnh tượng thô kệch hơn dự kiến, người xem không thấy đẹp mắt”, một nguyên phó tổng biên tập báo ở TP.HCM sau khi xem đã nhận xét như vậy.

Cụ thể quá hóa mất mỹ thuật !

Một chuyên gia ánh sáng đến từ Pháp khi thưởng lãm chương trình Rồng phun lửa đã thẳng thắn nói, yếu tố thực tế trong triển khai tiết mục phun lửa, tức là phải phun ra “lửa thiệt” đã khiến tính mỹ thuật bị giảm sút nhiều.

Đầu Rồng với họng phun sử dụng dầu diesel cho dù có được thổi ra mạnh đến đâu, cũng không thể “đẩy ngọn lửa phun ra xa quá 1 nhịp cầu”. Đây là yếu điểm cơ bản của tiết mục phun lửa tại cầu Rồng.

Bởi lẽ ngọn lửa đốt bằng dầu nếu thổi mạnh sẽ có thể nguy hiểm cho các vật thể khác, thậm chí an toàn cháy nổ tại vị trí phun, nhưng nếu phun yếu lại không thể hiện được tính chất hoành tráng của tiết mục.

Trong khi đó, đa số người xem lại bỏ qua giới hạn vật khí của khí đốt, luôn mong đợi nhìn thấy 1 cảnh tượng thật đẹp.

Với ngọn lửa đỏ quạch và khói đen bốc lên khi cầu Rồng phun lửa, không ít người cảm thấy “thất vọng”.

Đặc biệt với thời gian gần đây, do không thuận lợi, và nhiều người còn cho rằng do kỹ thuật xử lý họng phun không tốt, nên lưỡi lửa phun ra của cầu Rồng bị hạn chế hẳn.

Lưỡi lửa đỏ quạch và nhiều bụi khói khiến nhiều không hài lòng với tiết mục Rồng phun lửa tại cầu Rồng .

Ngay với lễ Nguyên tiêu vừa qua, nhiều người cho rằng họ mất đi cảm hứng trước cảnh tượng vốn được giới truyền thông tô điểm đến “mê người” song diễn ra lại không tốt lắm.

Ngọn lửa ngắn và yếu là điều ai cũng tận mắt nhìn thấy được.

Đừng cố chấp phun thật !

Câu hỏi này đã được đặt ra ngay từ đầu, khi Đà Nẵng mới đưa cầu Rồng vào sử dụng. 

Chiếc cầu quy mô hoành tráng này, được đánh giá cao về mặt thiết kế, nhất là hình ảnh con Rồng được mô tả “mãnh liệt vươn mình như muốn bay lên cao, thể hiện ý chí và tinh thần của một đô thị trẻ khỏe trước thềm cơ hội phát triển”.

Việc đưa thêm ý tưởng “Rồng phun lửa phun nước” được chính quyền cân nhắc và quyết định đầu tư, là nhằm tạo nên một hình ảnh đặc sắc cho hoạt động cộng đồng địa phương, biến cầu Rồng thành một điểm nhấn đặc trưng cho địa phương, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách gần xa và cư dân sở tại.

Theo lịch, cầu Rồng sẽ phun lửa vào các buổi tối cuối tuần, và vào các dịp lễ tiết tại địa phương, như các dịp hội hè và Tết. 

Khá nhiều hoạt động du lịch đã nhanh chóng biến sự việc này thành điểm thu hút khách thăm quan và thưởng ngoạn ở cầu Rồng. 

Đơn cử tàu du lịch dạo sông Hàn có hẳn điểm neo đậu giữa sông Hàn vào cuối tuần, để du khách mua vé và xem Rồng phun lửa.

Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra các yếu điểm của phương thức biểu diễn này. 

Đó là sẽ bị các tác động về thời tiết, chất lượng công trình qua sử dụng... mà hiện tại nhiều người đã cảm nhận được, làm quy mô tiết mục bị giới hạn.

Nhiều du khách cho rằng họ đã phải theo dõi 1 tiết mục sơ sài.

Đà Nẵng nên xem xét lại tiết mục phun lửa của cầu Rồng ?

Đơn vị vận hành còn cho biết, lẽ ra lâu nay, đầu Rồng với họng phun cần có 1 chế độ bảo dưỡng tốt hơn, nhưng do địa phương chưa đầu tư được xe thang bảo dưỡng (giá khoảng 15 tỷ đồng), nên việc vệ sinh bảo đảm chất lượng phun lửa không được tốt lắm.

Thứ hai, dù muốn hay không, việc phun lửa thật bằng cách đốt dầu diesel cũng không hoàn toàn tốt, tốn kém chi phí và có ảnh hưởng đến bụi khói môi trường, về tương lai nếu có nguy cơ sự cố cháy nổ thì không ai đoan chắc được.

Do đó, không ít người kiến nghị Đà Nẵng nên cân nhắc lại việc tổ chức trình diễn Rồng phun lửa phun nước “thật”. 

Thay vào đó, có thể sử dụng các hiệu ứng khói ánh sáng bằng tia laser cho phần đầu Rồng, tạo ra cảnh tượng khói sương phun ra kèm ánh đèn chiếu “hình ngọn lửa” và các hiệu ứng khác.

Tất nhiên những hiệu ứng kỹ xảo như vậy không mang lại tính chất thật, nhưng theo chuyên gia ánh sáng người Pháp kia nhận xét, thì có thể chấp nhận được.

Bởi lẽ con Rồng là một hình ảnh không thật, thì việc cố tạo hiệu ứng để phun lửa thật lại hóa ra quá cụ thể và không tạo được cảm giác, ý tưởng lãng mạn, trí tưởng tượng đẹp hơn trong lòng người xem”.

Vậy phải chăng cầu Rồng Đà Nẵng đừng phun lửa còn tốt hơn?

NGUYÊN ĐỨC

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]