Hãy cùng bé tham gia các hoạt động ngoài trời, giúp bé tự tin trong các hoạt động tập thể, nâng cao kỹ năng cho bé ở các lớp ngoại khóa. Việc thường xuyên tham gia các hoạt động sẽ khiến bé trở nên hòa đồng hơn.

Cha mẹ cũng có thể trao đổi với giáo viên ở lớp và tạo điều kiện cũng như các tình huống để giúp trẻ phát triển tính tự tin. Có thể nhờ cô giao cho bé những việc nhỏ ở trên lớp để bé được giúp đỡ. Hoặc khuyến khích bé phát biểu, hay đứng trước lớp trình bày ý kiến của mình. Giáo viên cũng đưa ra những nhận xét tích cực để giúp trẻ dần hình thành tính tự tin hơn trước đám đông.

Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, lắng nghe con tâm sự. Khi trẻ nói ra được những điều ấm ức và khúc mắc trong lòng, trẻ sẽ cảm giác được chia sẻ và động viên. Cha mẹ hãy giúp con vượt qua nỗi buồn khi bị trêu chọc bằng cách chỉ ra những ưu điểm của con để con tự tin hơn vào bản thân và phát huy thế mạnh của mình, đồng thời hãy luôn có những nhận xét tích cực về các hành vi tốt của con.

Phân tích cho trẻ hiểu đánh nhau thực sự là điều không tốt và không thể giải quyết được vấn đề. Có rất nhiều cách khác mà con có thể ứng xử khi bị trêu chọc như: phớt lờ sự trêu chọc; nhìn thẳng và nói với bạn trêu chọc một cách cương quyết “Tớ không thích bạn làm như vậy!”; nhờ sự giúp đỡ của thầy cô...

Cha mẹ cần phải chú ý loại bỏ những thói quen xấu của trẻ như đi học muộn, không gọn gàng, nói lắp... Khi ngày càng hoàn thiện mình hơn, bé sẽ thấy tự tin và mạnh dạn hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên nếu việc bạn bè trêu chọc đi quá giới hạn thì cha mẹ cần phải liên hệ ngay với giáo viên để có biện pháp xử lý kịp thời. Tránh đừng để tình trạng kéo dài ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ chán học, sợ trường lớp. Có những trường hợp trẻ khủng hoảng tinh thần vì bị bắt nạt kéo dài mà không tìm thấy sự hỗ trợ của gia đình và nhà trường.

Theo Viettimes