Chìm đắm và trải nghiệm tuyệt vời với "The Hobbit"

Vừa mang tính giải trí, vừa có sự đa dạng về nhân vật mà một bộ phim nhiều “nam tính” và nhiều lớp nghĩa như “The Hobbit” phần 2 vẫn thu hút đông đảo khán giả.

15.5696

Chất lượng được báo trước

Cách đây đúng một năm, phần 1 “The Hobbit: An Expected Journey” (Người Hobbit: Hành trình vô định) ra đời đã không làm thất vọng những độc giả yêu thích các tác phẩm văn học của tác giả người Anh J.R.R Tolkien. Đến nay, phần 2 vừa ra mắt đang được đánh giá cao hơn phần 1. Nếu phần 1 từng có 3 đề cử Oscar thì nay, phần 2 đã có 3 tuần đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé trên toàn cầu và khu vực Bắc Mỹ.

Câu chuyện của “The Hobbit” được coi như phần trước của loạt tác phẩm “The Lord of the Rings” vốn đã quá xuất sắc ở cả sách và phim. Sau khi mang về tổng cộng 17 giải Oscar và đạt doanh thu tới 30 tỷ USD cho “Chúa nhẫn” thì việc đạo diễn Peter Jackson tiếp tục đảm nhiệm cả 3 phần của “Người Hobbit” sẽ khiến khán giả tin tưởng về chất lượng cũng là điều dễ hiểu.

Phóng to

 

“The Hobbit: The Desolation of Smaug” đưa người xem tiếp tục cuộc hành trình phiêu lưu của Bilbo Baggins cùng pháp sư Gandalf và những chú lùn do chiến binh huyền thoại Thorin Oakenshield dẫn đầu, chiến đấu giành lại vùng Lonely Mountain (Núi Cô Đơn) và vương quốc Erebor đã mất.

Trong phần 1, với nhiệm vụ vẽ nên bối cảnh câu chuyện, Bilbo cùng 13 người đồng hành ở chặng đầu của cuộc hành trình tưởng như vô định. Ở đó, họ đã đến những nơi hoang dã nhất, xuyên qua những vùng đất rộng lớn bị chiếm đóng bởi yêu tinh, nhện khổng lồ, thầy phù thủy…

Đến phần thứ 2, nhóm bạn phải đương đầu với kẻ thù nguy hiểm nhất, đáng sợ hơn tất cả những gì họ đã  từng trải qua trước đây. Bị đẩy vào những tính huống mới, đó là lúc lòng can đảm, sức mạnh trong họ được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Cũng bởi thế mà phần thứ 2 mang đến chiều sâu hơn qua việc bộc lộ rõ hơn tính cách các nhân vật, mở ra thông điệp về danh dự, tình bạn, tinh thần lãnh đạo và sự khai sáng.

Dàn diễn viên ở phần 1 vẫn được tiếp tục ở phần 2 với nam diễn viên Ian McKellen đảm nhận vai pháp sư Gandalf Áo Xám, Martin Freeman vào vai Bilbo Baggins và Richard Armitage vào vai Thorin Oakenshield. Là một tác phẩm “bom tấn” đúng nghĩa nên cũng dễ hiểu khi “The Hobbit” quy tụ một “bầu trời sao”, với rất nhiều cái tên khác có thể kể đến như Benedict Cumberbatch, Luke Evans, Orlando Bloom, Cate Blanchett…

Dẫu có khá nhiều nhân vật, nhưng nhờ khâu xây dựng tính cách, chi tiết được làm khá kỹ và do những diễn viên giàu thành tích đảm nhiệm nên hệ thống nhân vật trong “The Hobbit” vẫn được khắc họa khá rõ. Ngay cả 12 chú lùn tận tụy và quả cảm, là đồng đội của Bilbo, cũng đều có đất diễn, không bị loãng, nhạt.

Vẫn có thể đọng lại trong trí nhớ người xem về người lùn Dwalin cương trực và chân thành; Balin thông thái; ba anh em họ Bifur, Bofur và Bombur béo phì thích đội mũ; anh em Gloin và Oin cần mẫn; hai thành viên trẻ tuổi nhất đội quân là Fili và Kili thì trẻ trung, nhiệt huyết…

Cũng bởi có nhiều nhân vật và dành nhiều “đất” cho các tính cách khác nhau mà  “The Hobbit” phần 2 có thời lượng tới 160 phút, tức là gần gấp đôi một phim thông thường. Chấp nhận để một tác phẩm dài như vậy cũng có nghĩa đạo diễn và nhà sản xuất tin tưởng vào khả năng “dẫn dụ” người xem vào cuộc hành trình phiêu lưu, kỳ ảo, với nhiều bất ngờ liên tục xảy đến.

Quả thực, xem “The Hobbit: The Desolation of Smaug”, khán giả được chìm đắm trong những trải nghiệm tuyệt vời. Điều này không chỉ bởi hiệu ứng của công nghệ HFR – High Frame Rate với tốc độ của máy quay 3D tân tiến tạo ra 48 hình/giây, mang đến độ chân thực và linh hoạt cao; và quan trọng hơn là được trải nghiệm chính thế giới bước ra từ văn chương của Tolkien, qua phần kịch bản được đạo diễn Peter Jackson và 2 người đồng nhiệm chắp bút .

Tác phẩm “dương thịnh âm suy”

Không giống như “The Lord of the Rings” hướng đến lứa tuổi thanh thiếu niên nhiều hơn, loạt phim “The Hobbit” có độ mở rộng về đối tượng khán giả. Càng về sau, tác phẩm càng mang đến nhiều lớp ý nghĩa mà ở đó những gương mặt khác nhau của phái mạnh được thể hiện khá rõ.

Gương mặt đầu tiên phải kể đến là pháp sư Gandalf Áo Xám, một trong những người quyền lực nhất của thế giới Trung Địa – một thế giới vừa kỳ ảo vừa cụ thể, như trong phác họa tới 125 trang của nhà văn Tolkien. Cùng tham gia truy tìm khó báu bị đánh cắp và giành lại vương quốc của người lùn tại xứ Erebor, Gandalf đã tìm ra bằng chứng về việc một con quỷ xưa đã tìm được đường quay trở lại thế giới thực tại.

Nhằm che giấu sự thật, Gandalf phải từ bỏ những người bạn đồng hành của mình để bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm và tham gia vào một cuộc phiêu lưu đưa ông đến góc khuất nhất trong thế giới Trung Địa… Hành trình tách biệt của Gandalf là hành trình của người “độc đạo” và cô đơn. Đó cũng là hành trình của người có nhãn quan sâu rộng, hành động âm thầm, dám hi sinh và đối mặt với rủi ro, sự bất định.

Nhân vật trung tâm Bilbo, giống như nhìn nhận của Freeman, nam diễn viên thủ vai này, anh ta giống như một giáo sư ghế bành, người không bao giờ dám đương đầu với những thử thách trong cuộc đời của mình. Bilbo chưa từng thực sự phiêu lưu, cũng chưa từng phải chiến đấu. Nhưng cuộc hành trình xua tan bóng tối của thần quyền và cường quyền đã đưa anh ra khỏi chiếc ghế bành ấy để dấn thân vào nhiệm vụ cao cả mà mỗi ngày được nhận biết rõ hơn. Qua nhiều biến cố và trong tinh thần đồng đội, Bilbo đã tìm thấy bản thân và sức mạnh tiềm ẩn của mình.

Thorin Oakenshield là nhân vật mang hình ảnh của một thủ lĩnh quả cảm, dũng mãnh và gan dạ nhất của nhóm người lùn. Anh gánh trên vai nhiệm vụ quan trọng phải giành lại kho báu trên Núi Cô Đơn từ tay rồng lửa Smaug, vốn là sự ẩn dụ về thần quyền và sự thống trị độc tài.

Như vậy, xem đến phần 2 của “The Hobbit” càng nhận ra phía khác của Núi Cô Đơn là ánh sáng của tinh thần kề vai sát cánh vì danh dự, tình bạn, là lòng quả cảm và sự tươi vui, hài hước. Có lẽ cũng vì vừa mang tính giải trí, vừa có sự đa dạng về nhân vật mà một bộ phim nhiều “nam tính” và nhiều lớp nghĩa như “The Hobbit” vẫn thu hút đông đảo khán giả.

Theo Đẹp

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]