Cho trẻ ăn váng sữa hay sữa chua tốt hơn?
Sữa chua nhờ quá trình lên men lactic, một phần protein trong sữa phân giải thành các axit amin, các chất đường bột chuyển hóa thành đường lactoza dễ tiêu hóa và nhiều vi lượng quý hiếm được tạo thành.
Vì thế, những trẻ bị tiêu chảy hoặc tiêu hóa kém nên ăn sữa chua để giúp điều tiết cân bằng các loại vi khuẩn trong cơ thể, thúc đẩy nhu động ruột, từ đó làm giảm táo bón, bảo vệ hệ tiêu hóa còn non nớt của bé.
Ăn váng sữa hay sữa chua tốt hơn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của trẻ (ảnh minh họa) |
Cũng là một chế phẩm từ sữa nhưng “người anh em” váng sữa lại mang những đặc điểm nổi bật khá khác biệt với sữa chua.
Váng sữa được sản xuất từ sữa tươi bằng quá trình tách chất béo ra khỏi sữa tươi bằng cách làm lắng sữa xuống hoặc ly tâm tách béo từ sữa tươi ra, vì thế hàm lượng chất béo và năng lượng trong váng sữa rất cao, từ 50-80% tùy thuộc vào việc lựa chọn các loại sữa và công nghệ tách chất béo khác nhau của từng nhà sản xuất.
Là 1 chế phẩm sữa, váng sữa cung cấp năng lượng cao vì chứa nhiều chất béo sữa, đạm sữa, canxi, đường lactose … của sữa.
Vì thế, váng sữa sẽ giúp bổ sung thêm năng lượng, giúp lên cân ở những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu cân nặng, giảm thiểu tình trạng biếng ăn, chậm lớn. Trẻ trên 1 tuổi có nhu cầu chất béo cao để phát triển não bộ cũng như thể chất có thể sử dụng váng sữa như một thức ăn bổ sung trong các bữa phụ hàng ngày.
Tùy theo tình trạng sức khỏe của trẻ mà bố mẹ lựa chọn sữa chua hay váng sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho bé.
Ăn bao nhiêu là đủ?
Sữa chua và váng sữa đều có lợi cho sự phát triển của bé. Nếu như sữa chua giúp bảo vệ hệ tiêu hóa thì váng sữa lại cung cấp năng lượng vượt trội giúp bé vui chơi, học tập cũng như phát triển thể chất và trí não tốt hơn.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên chú ý là không nên cho bé ăn quá nhiều. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, mỗi ngày chỉ cần ½- 1 hộp/ ngày. Tùy vào thể trạng từng bé khác nhau mà mẹ có thể sử dụng riêng lẻ, sử dụng xen kẽ hoặc thỉnh thoảng kết hợp hai sản phẩm này bằng cách trộn sữa chua vào váng sữa với tỷ lệ phụ thuộc theo khẩu vị và mức độ dung nạp của bé.
Lưu ý khi cho trẻ ăn sữa chua và váng sữa
– Dùng sau bữa ăn: các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 5,4, khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ = 2, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt, giảm tác dụng đối với cơ thể. Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH có thể tăng lên từ 3 – 5, đây là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động.
Ăn váng sữa và sữa chua cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên (ảnh minh họa) |
– Súc miệng ngay sau khi ăn: do các vi khuẩn có lợi trong sữa chua và váng sữa hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ. Vì vậy, nên súc miệng ngay sau khi ăn.
– Không nên dùng nóng: khi dùng nóng hoặc cho thêm nước nóng vào sữa chua và váng sữa sẽ khiến cho vi khuẩn có lợi mất khả năng hoạt động. Vì vậy, sữa chua sẽ bị mất đi các chất dinh dưỡng và khả năng kích thích tiêu hóa cũng giảm đi đáng kể.
– Không dùng chung với các loại thuốc khác: các chất có trong thuốc kháng sinh, hay các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh cũng có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.
Hảo Min (tổng hợp)