Chọn bạn đời theo hình ảnh bố/mẹ: Không phải lúc nào cũng tốt

Giadinh.net - Nhiều người không ý thức được rằng khi họ chọn bạn đời có một phần ảnh hưởng những tính cách, hình dáng của bố/mẹ. Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi là hội nhập giới tính (sexual imprinting).

15.5958

Theo các nhà tâm lý học, sự ảnh hưởng này đã hình thành ngay từ khi còn bé.

Sự ảnh hưởng vô thức

Các nhà tâm lý học do tiến sĩ Anthony Little đứng đầu, tại Đại học St Andrews ở Fife, Scotland, vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát thú vị về vấn đề này. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát với sự tham gia của 700 tình nguyện viên, tuổi từ 18 - 67. Kết quả thật ngạc nhiên: Mọi người thường chọn chồng có đặc điểm giống cha và chọn vợ có đặc điểm giống mẹ. Nhưng thường thì người ta không nhận ra hoặc không nghĩ tới điều đó.

“Trong tâm lý học điều này là rất điển hình, khi bạn luôn phải tiếp xúc với một hình ảnh nào đấy, bạn sẽ thấy nó trở nên hấp dẫn hơn”, tiến sĩ Anthony Little nói. Nhóm nghiên cứu trên đã đo tỷ lệ khuôn mặt của các thành viên trong 52 gia đình. Họ phát hiện thấy tương quan đáng kể giữa những chàng rể với bố vợ, các cô con dâu với mẹ chồng.

“Nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ giả thuyết hội nhập giới tính, cho rằng ngay từ nhỏ trẻ em đã định hình một khuôn mẫu tinh thần về người cha hoặc mẹ có giới tính đối lập với chúng và tìm kiếm bạn đời theo khuôn mẫu đó”-TS Tamas Bereczkei, một thành viên của nhóm nghiên cứu nói.

Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới – gia đình - phụ nữ và vị thành niên (SAGA) nhiều người mong muốn có người bạn đời giống bố, giống mẹ mình, nhất là khi người bố, người mẹ thật sự mẫu mực. Họ thấy bố mẹ rất yêu nhau, gia đình rất hạnh phúc - một mô hình đẹp, lý tưởng nên cũng muốn xây dựng cho mình một gia đình chuẩn mực như vậy.

Ảnh minh họa.

Bản thân con người cũng có nhu cầu an toàn rất lớn, nên khi họ đang được sống trong môi trường êm ấm, hạnh phúc thì rất sợ sau này không có được gia đình như mình hiện có. “Tuy nhiên, để đánh giá sự trưởng thành tâm lý của con người chính là sự chấp nhận sự khác biệt, nhìn thấy sự phong phú đa dạng ở đời, không phải cứ dứt khoát mô hình thế này mới là hạnh phúc. Vì thế, các bậc cha mẹ nên dạy cho con rằng có nhiều phương án cho hạnh phúc, phù hợp với từng hoàn cảnh và cá tính của mỗi người. Bởi nếu không con bạn sẽ gặp khó khăn, trở ngại về tâm lý trong chuyện tình cảm, khó hòa nhập với cuộc sống”, nhà tâm lý Đinh Đoàn nói.

Cũng có những trường hợp người bố có tính gia trưởng, bạo lực khiến cuộc sống gia đình ngột ngạt, nhưng khi lớn lên cô con gái vẫn bị ảnh hưởng bởi anh chàng có cá tính giống bố mình.

Lý giải trường hợp này, nhà tâm lý Đinh Đoàn cho hay, bạo lực thường đẻ ra bạo lực. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình không hòa thuận, bố thường xuyên đánh đập mẹ, người mẹ cam chịu thì trẻ trai dễ cho rằng đàn ông là phải gia trưởng, phải là người quyết định mọi việc và phải giải quyết các xung đột gia đình theo cách đó như bố. Còn trẻ gái nghĩ rằng làm phụ nữ phải khổ cực và chấp nhận như vậy. Đó chính là hiện tượng trẻ bị “tập nhiễm” trong chính gia đình mình.

Vì thế, khi lớn lên cô gái “tình nguyện” bị cuốn hút bởi những chàng trai có cá tính như vậy và dễ dàng chấp nhận điều đó. Thậm chí, nếu gặp một anh chàng ngoan quá, hiền quá, cô lại thấy... nhạt nhẽo. Trong các ca tư vấn, có cô gái đã tâm sự với nhà tâm lý Đinh Đoàn rằng: “Thà rằng anh ấy cứ quát em, tát em một cái còn hơn là cái gì anh  ấy cũng bảo là tùy em, phát ốm lên được”.

Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, mặc cảm Edip ở đây là sự đè nén tình cảm, khi còn bé, đứa trẻ ao ước được lấy một người giống bố (mẹ), thậm chí trong thâm sâu ước lấy được bố/mẹ mình.

Khi lớn lên, được đi học, trẻ bị ý thức xã hội tác động, nó biết việc ước lấy được bố (mẹ) là xấu, là trái với luân thường đạo lý nên bị mâu thuẫn giữa khát vọng bên trong với luật lệ của đạo đức xã hội bên ngoài. Nó bị giằng xé và mặc cảm mình là đứa xấu xa, tồi tệ và tự co mình lại; vừa muốn gần gũi với bố mẹ nhưng lại muốn tách ra xa để cưỡng lại cái ý muốn (xấu) ấy.

Sau đấu tranh, dằn vặt thoát ra khỏi mặc cảm thì thường người con sẽ tìm cách đồng nhất - kiếm được một người na ná như bố, mẹ mình. Khổ cho người có mặc cảm Edip khi phải tìm kiếm mãi một người sao cho giống bố (mẹ) mình và cũng khổ cho người lấy họ, cố gắng mãi cũng chẳng thể nào giống được bố (mẹ) của bạn đời.

Cẩn trọng với “mặc cảm Edip”

Trong vấn đề lựa chọn người bạn đời giống bố hoặc mẹ mình, thậm chí có người còn rất khắt khe, phải nhất định lấy được người giống thế, nếu không thì thôi. Sự “cương quyết” này đã hình thành ngay từ khi còn bé.

Theo nhà tâm lý Đinh Đoàn, đứa trẻ có một giai đoạn phát triển, rất quý bố, quý mẹ, gắn với bố mẹ, vì khi đó trẻ còn ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Người khác giới đầu tiên mà trẻ gái tiếp xúc là bố và của trẻ trai là mẹ. Cộng với việc hàng ngày gắn bó, được quan tâm chăm sóc nên đứa trẻ rất quý cha mẹ chúng. Quý đến mức độ nó yêu người ấy và nghĩ sau này lớn lên chỉ yêu người ấy thôi. Thậm chí có những trẻ trai 5 – 6 tuổi ghen với bố, căm ghét bố khi thấy bố thể hiện tình cảm với mẹ. Trong tâm lý học, những hành động như vậy chính là biểu hiện của hội chứng “mặc cảm Edip”.  

Tuy nhiên, điều đó là hết sức bình thường nếu như trong giai đoạn trẻ trước 6 tuổi. Tuy nhiên nếu bố mẹ không khéo léo tách trẻ ra, hướng cho con tự lập thì sẽ rất có thể dẫn đến sự lệ thuộc lý trí và tình cảm vào bố/mẹ. Một số người sai lầm khi nghĩ mình là thần tượng của con, nghĩ mình là tuyệt vời, thích cảm giác đó rồi vun vén, sở hữu, chiếm đoạt tình cảm đó.

Khi người bố/mẹ chiều chuộng con hơn, thúc đẩy mối quan hệ càng sâu sắc hơn, khiến trẻ không dứt ra được thì dẫn đến hậu quả khi trẻ đi học, lớn lên, trưởng thành nó sẽ khó xây dựng mối quan hệ mới, nhìn nhận các bạn khác giới một cách rất khắt khe: Ai cũng chẳng ra gì, không ai được như bố hoặc mẹ mình; chỉ có bố, mẹ là tuyệt đỉnh, là duy nhất.

Có những trường hợp còn “quá đà” ở chỗ là quá kén chọn. Ở trên đời này tìm được một người giống y như đúc bố hoặc mẹ mình là không có. Và bất cứ người nào dù có giỏi giang xinh đẹp bao nhiêu vừa mới xuất hiện đã bị đặt lên bàn cân với bố (mẹ) của đối phương. Nhiều chàng trai (cô gái) bị sức hút của đối phương do ngoại hình giống bố (mẹ) mình. Nhưng đến khi tiếp xúc thì lại chán vì cô gái này ăn nói, cư xử chẳng giống được như mẹ hoặc tác phong và cách giải quyết vấn đề không được như bố...

Sẽ là bất hạnh nếu người con có mặc cảm Edip là con một, sống với người mẹ quá yêu con (nhất là người mẹ phải nuôi con một mình, dành hết tình cảm cho con) can thiệp rất sâu vào chuyện yêu đương, hôn nhân của con cái, khiến mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu rất căng thẳng. Người mẹ đó luôn nghĩ chính cô con dâu đã cướp mất đứa con thương yêu quý trọng mình nhất.

Thực chất đây là cuộc chiến giành giật về tình cảm như “một đôi tình địch”. Và căn nguyên sâu xa của những bất hòa giữa mẹ chồng – nàng dâu là tranh giành ảnh hưởng, tình yêu thương của người đàn ông là con, là chồng của họ. Nhiều cô dâu trẻ của nhà con một rất khổ khi chồng hay nói: Em không bằng mẹ anh. Mẹ anh bảo thế này, mẹ anh bảo thế kia. Mẹ anh khéo lắm chứ không nấu dở như em. Mẹ anh dịu dàng chứ không dữ dằn như em... Những điều đó khiến bạn đời phát điên.

Phương Tây họ có sự tách biệt con với bố mẹ rất sớm. Ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ đã được ngủ riêng, đi đường rất ít khi bế, ôm ấp, con ngã động viên con tự đứng dậy... Đặc biệt họ rất nhạy cảm về vấn đề giới tính. Không có chuyện con gái dậy thì, lớn đùng còn ngồi nhong nhong trên đùi bố, bố ôm ghì con một cách “phi giới tính” hoặc con gái lớn nằm chung giường với bố mẹ, còn gác chân gác tay lên người bố hoặc nhiều bà mẹ vẫn còn tắm cho con trai 13 - 14 tuổi tồng ngồng. Vì họ rất hiểu ngoài vấn đề giáo dục giới tính thì cũng đề phòng dấu hiệu lệch lạc về mặt tâm lý (mặc cảm Edip) ở con cái.

Nhiều ông bố trẻ đi cùng con gái lớn, hoặc các bà mẹ trẻ đi cùng con trai lớn có sự cư xử thân mật hồn nhiên quá mức, khiến nhiều người hiểu nhầm “cứ như hai anh em”, “chị có bồ trẻ”, lại còn cảm thấy thích thú, tự hào về sự hiểu nhầm trong khi đáng lẽ phải giật mình. Phải có khoảng cách nhất định để các con của mình có sự hiểu biết rõ rệt về giới tính, tránh dẫn đến mặc cảm tội lỗi, rối loạn tâm lý cũng như sự phát triển nhân cách.

Để tránh các bi kịch trên, trong gia đình, cha mẹ cũng nên giảm bớt sự quan tâm, chăm sóc quá kỹ với con cái; không nên đùa, thơm các bộ phận sinh dục của trẻ cũng như thay quần áo trước mặt con mình, ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ. Điều đó cũng giúp trẻ tránh bị lạm dụng bởi chính người thân, quen. Cuộc sống hiện đại lên, mọi người phải có kiến thức về mặt tâm lý, nhìn nhận nhiều điều một cách khoa học hơn.

Nhà tâm lý Đinh Đoàn

Hà Thư

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]