Chuyên gia khẳng định: “Nói cây dã hương không có tác dụng chữa bệnh là thiếu hiểu biết”

GiadinhNet - Quá trình thực hiện loạt bài viết về cây dã hương nghìn tuổi phát “linh khí” chữa bệnh ở Bắc Giang, báo GĐ&XH Cuối tuần đã nhận được hàng trăm ý kiến thắc mắc của độc giả, nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Để rộng đường dư luận, BBT đã đăng tải cả những ý kiến trái chiều, hầu mong giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về một hiện tượng hy hữu. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tôi lại nhận được phản biện của các chuyên gia, khẳng định cây dã hương chính là cây long não. Loài cây này có nhiều tác dụng với sức khỏe con người như làm hưng phấn trung khu thần kinh, tăng cường hô hấp và tuần hoàn, khư phong thấp, thông kinh lạc, chỉ thống tiêu thực, làm long đờm…

15.599

Lương y Nguyễn Hữu Toàn khẳng định cây dã hương có tác dụng với nhiều loại bệnh. Ảnh TG

 
 Công năng chữa bệnh của cây dã hương
 
Theo các tài liệu thì cây Dã hương có tên khoa học là Cinnamomum camphora L. Nees. et Eberm., thuộc họ Long não (Lauraceae). Ngoài ra, loài cây này còn có một số tên gọi khác như Chương não, Triều não, Não tử... Cây dã hương có hoa nhỏ màu vàng nhạt, nở vào cuối mùa xuân. Các bộ phận của thân cây có chứa tinh dầu thơm, gỗ đốt thơm như hương trầm. Đặc biệt, rễ cây có chứa chất Safrol – thành phần rất có giá trị trong công nghệ chế biến thực, mỹ phẩm. Chiều cao của thân cây khoảng từ 10 đến 15m, thậm chí lên tới gần 50m. Đường kính thân có thể đạt hơn 2m, cành thưa nhẵn, lá mọc so le, hình bầu dục. Cuống lá dài từ 2,5 đến 3,5cm. Hoa nhỏ, mọc thành chùy ở kẽ, ngắn hơn lá. Quả hình cầu, to bằng hạt tiêu, phía dưới có cuống nhỏ hình chén. Thông thường nói đến tác dụng của cây dã hương, người ta chủ yếu nhắc đến với tên gọi là cây long não.

Nói về năng lượng chữa bệnh của cây long não, lương y Nguyễn Hữu Toàn - Công ty cổ phần y dược YHT, cho hay: “Nếu nói long não không có năng lượng hay tác dụng gì là hoàn toàn không đúng. Cây long não có rất nhiều tác dụng đối với cơ thể con người, cả năng lượng bức xạ lẫn tác động trực tiếp. Trước hết, mùi hương của cây này có thể gây hưng phấn trung khu thần kinh, tăng cường hô hấp và tuần hoàn. Nhất là trung khu thần kinh đang ở trạng thái ức chế thì tác dụng càng rõ. Cơ chế hoạt động là lúc tiêm dưới da, thuốc kích thích tại chỗ gây phản xạ hưng phấn. Ngoài ra, long não còn có tác dụng hưng phấn cơ tim đối với tim đang suy yếu. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều thông thường sẽ không có tác dụng nào đối với cơ tim. Một số thí nghiệm cho thấy, đối với trung khu mạch máu, chỉ khi nào chức năng bị suy kiệt thì thuốc mới có tác dụng hưng phấn. Nếu dùng tinh dầu long não bôi vào da sẽ gây cảm giác ấm, kích thích và diệt khuẩn. Long não cũng gây cảm giác mát, tê. Còn khi dùng long não qua hình thức uống, chúng sẽ kích thích niêm mạc dạ dày. Với liều nhỏ, cảm giác ấm áp dễ chịu nhưng liều cao sẽ gây hiện tượng buồn nôn.

Lương y Nguyễn Hữu Toàn cho biết, có rất nhiều tài liệu ghi lại tác dụng của long não. Theo Bản thảo diễn nghĩa thì “long não giúp thông khiếu rất mạnh, làm cho tai mắt sáng tỏ. Người lớn, trẻ nhỏ bị bệnh đờm dãi bế tắc hoặc  thình lình bị kinh sốt thì dùng long não rất hay”. Sách Trung dược học cũng nói: “Long não được hấp thu dễ và nhanh qua da, niêm mạc bất cứ nơi nào trên cơ thể, kể cả niêm mạc dạ dày. Thuốc bị Oxy hóa ở gan được Campherenol, sau đó chuyển hóa kết hợp với Glucoronic và bài tiết ra nước tiểu”.

Trong cuốn Trân Châu Nang có ghi lại “những bệnh gió độc ngấm vào xương tủy có thể dùng long não. Nếu bệnh ở huyết mạch, da thịt thì cũng dùng long não. Long não rất cay, hay chạy, cho nên uống vào có thể làm tan được khí nóng, thông được chỗ đọng tụ. Phàm những bệnh đau mắt hoặc đau họng và những chứng giang mai nhiều khi phải dùng đến nó” (Bản Thảo Tập Yếu). Theo cuốn Đông dược học thiết yếu thì long não được dùng để uống trong trị thổ tả thuộc hàn thấp, các chứng đau ở vùng tim và bụng. Thuốc cũng có thể dùng ngoài như rửa hoặc xông để chữa ghẻ lở, hắc lào, cước khí.
 
Trên thế giới khai thác tinh dầu long não
 
Theo cuốn “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (xuất bản năm 1956) của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi có viết: Long não đặc được dùng ngoài làm thuốc sát trùng, tiêu viêm, kích thích (dùng dưới dạng cồn hay dầu 5-10%). Dạng thuốc tiêm dùng để hồi tỉnh cơ tim, chữa trụy tim hay suy nhược hoặc dùng uống để chữa đau bụng, làm giảm lượng phân (uống mỗi ngày từ 0,05 đến 0,2g, tiêm da dưới dạng dung dịch dầu từ 10 đến 20%). Tinh dầu long não có thể dùng ngoài xoa bóp thay long não đặc hoặc dùng trong công nghiệp làm dung môi, hòa tan nhựa, sơn, chiết safrol, xineol, chế thuốc trừ sâu.

Cây long não được trồng tại nhiều tỉnh ở miền Bắc nước ta như Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngay tại nhiều đường phố Hà Nội cũng trồng để lấy bóng mát. Hiện ta đã khai thác long não ở một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Long não mọc chủ yếu ở Nhật Bản và Trung Quốc. Người ta cất gỗ, rễ, lá cây long não để lấy tinh dầu và tinh thể long não. Đôi khi dùng một ít gỗ hay lá, cành cho vào nồi nước xông chữa cảm cúm.

“Cây long não có tán rộng, lá xanh tốt quanh năm. Lá của chúng có khả năng hấp thụ các ion kim loại nặng (như chì) làm sạch môi trường. Chúng giúp tạo ra môi trường ô zôn rất mạnh. Vì vậy khi đứng ở dưới những cây này, người ta sẽ cảm thấy dễ thở, cơ thể thoải mái và thư thái. Mùi hương của long não được khử mùi ẩm mốc, xua đuổi ruồi muỗi. Ngoài ra, dân gian vẫn hay nhắc đến các tác dụng chữa bệnh của cây long não như: khư phong thấp, thông kinh lạc, chỉ thống tiêu thực, làm long đờm, lợi trung tiện, chống đầy hơi, làm ra mồ hôi, trừ lỵ. Dầu từ gỗ có tác dụng tiêu viêm, giải độc”. Ông Mai Thế Thành, Giám đốc trung tâm dược liệu sạch Việt Nam khẳng định: “Thật ra ít ai biết cây dã hương lại chính là cây long não. Cho nên nói đến tác dụng của cây dã hương, nhiều người không biết mới vội vàng kết luận sai lầm. Chỉ khi gọi loài cây này dưới cái tên long não thì người ta mới có thể phân tích và nói sâu về tác dụng của nó”.
 
Thanh Trần
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]