Hội An ngày càng rệu rã bởi tác động mạnh mẽ của thiên nhiên và con người. Ảnh: NG.KHÔI

“Ăn mày”... phố cổ

Có thể nói, hơn 10 năm trở lại đây, kể từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (1999), bằng nhiều cách khác nhau, các cấp lãnh đạo Hội An đã biến một Hội An tẻ nhạt và ít người biết đến nổi lên trên bản đồ du lịch thế giới như một hiện tượng. Nói như nhiều người dân Quảng Nam, Hội An trở thành nơi “ai cũng muốn đến”. Đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, nếu đi du lịch miền Trung mà chưa đến Hội An như là chưa đến miền Trung.

Hàng năm, Hội An đón hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước. Có thời điểm “nóng”, Hội An đón đến hơn 3.200 du khách mỗi ngày, trong đó 80% là du khách quốc tế. Hội An được ví như một “cỗ máy in tiền” cho Quảng Nam với doanh thu (riêng của nhà nước) từ du lịch mỗi năm ước khoảng 28 tỷ đồng.

Hội An bắt đầu rộ lên phong trào “nhà nhà làm du lịch”, nhà nào cũng “bắt” những căn nhà cổ kia hàng ngày phải “đẻ ra tiền” với các dịch vụ buôn bán, ăn uống trong khi đầu tư tôn tạo chẳng bao nhiêu. Không những thế, có nhiều doanh nghiệp đã mua nhiều nhà cổ liền kề rồi… đập tường thông nhau để kinh doanh, buôn bán mà không biết là đang phá hoại di tích, phá vỡ cảnh quan phố cổ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nếu kinh doanh theo kiểu “ăn mày… phố cổ” như hiện nay thì một ngày không xa Hội An sẽ biến mất vì nhà cổ xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào. 

Ngày 12-4, tại TP Hội An (Quảng Nam), UBND TP Hội An phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển VN, Hội Di sản xã hội VN, Quỹ Phát triển bền vững và Công ty CPDV Đầu tư tài chính VN tổ chức Hội thảo “Tìm mô hình quy hoạch và phát triển bền vững TP Hội An”. Đây là cuộc hội thảo hội tụ một số chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi các ý kiến góp phần điều chỉnh quy hoạch phố cổ theo mô hình sinh thái, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và khu vực phố cổ Hội An. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 12 và 13-4. 

Gian nan trùng tu nhà cổ

Giải pháp đầu tiên của chính quyền Hội An là bỏ ra gần 30 tỷ đồng để trùng tu nhà cổ trong các khu phố cổ Hội An. Trong số hàng trăm nhà cổ ở Hội An có đến 32 nhà cổ cần phải trùng tu khẩn cấp với mức hỗ trợ của TP Hội An từ 55% (đối với nhà mặt tiền) đến 75% (đối với nhà trong kiệt hẻm) trên tổng số vốn đầu tư.

Để “cứu” phố cổ, TP Hội An đã đầu tư bình quân 800 triệu đồng để trùng tu 1 căn nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân. Đến nay, Hội An đã trùng tu được 19 căn nhà, 13 căn nhà còn lại vẫn… bế tắc vì người dân không hợp tác.

Dù TP Hội An hỗ trợ đến 75% để trùng tu nhưng kinh phí trùng tu mỗi căn nhà không dưới 1 tỷ đồng và đối với những căn nhà trong kiệt hẻm chủ nhân không buôn bán, khai thác được gì từ căn nhà cổ này nên đành… để đó chờ sập. Đây cũng chính là bài toán khó cho lãnh đạo TP Hội An.

Sẽ phải làm khác...

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An từng tâm sự: “Nhiều năm qua chúng ta đã có nhiều chính sách quản lý và khai thác để đẩy mạnh phát triển du lịch Hội An. Tuy nhiên, trong đó cũng còn những cái “chưa được”. Nếu cho tôi làm lại, tôi sẽ làm khác”. trong một thời gian dài do khai thác kinh doanh mang nặng lợi ích trước mắt đã làm tổn thương phố cổ. Chính vì thế, đến nay, Hội An đang ráo riết đi tìm “lời giải” cho bài toán quy hoạch và phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng cần có sự điều chỉnh quy hoạch đối với Hội An theo hướng “sinh thái – văn hóa – du lịch” phát triển bền vững, xây dựng Hội An trở thành điểm đến thân thiết với môi trường, điểm sinh hoạt giao lưu văn hóa, điểm có môi trường sinh thái hấp dẫn nhất VN. Làng sinh thái Cẩm Thanh, làng du lịch đa dạng sinh thái Cù Lao Chàm… sắp tới được quy hoạch, phải trở thành một mô hình tiêu biểu .

Học giả Thái Quang Trung, Chủ tịch danh dự Quỹ phát triển bền vững (FOF), đưa ra ý tưởng quy hoạch tổng thể Hội An trong 10 năm (2010 – 2020), xây dựng Hội An trở thành “Ngôi làng toàn cầu sáng tạo” với các mũi nhọn văn hóa, giáo dục... phục vụ du khách.

Theo GS, KTS Hoàng Đạo Kính, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, Hội An nên xây dựng thành một thành phố “nhân văn và sinh thái”, Hội An phải là nơi “sống nhàn".

Theo NGUYÊN KHÔI (SGGP)


Video đang được xem nhiều