Đại dương sẽ là tương lai của điện hạt nhân?

Có 4 tỷ tấn uranium được giữ trong nước biển và các nhà khoa học đang phát triển phương pháp đặc biệt để trích xuất nó khỏi nước biển.

15.6

Theo Daily Mail, các nhà khoa học cho biết chiết xuất uranium từ nước biển đang tiến gần đến hiện thực và điều này sẽ đảm bảo cho tương lai của điện hạt nhân.

Các đại dương của thế giới nắm giữ ít nhất 4 tỷ tấn kim loại quý hiếm này. Nhưng trong 4 thập kỷ qua, mục tiêu khai thác nước biển lấy uranium vẫn chỉ là giấc mơ bởi vì chi phí cao và các khó khăn về kỹ thuật.

Ngày nay, một bản báo cáo trình bày tại một hội nghị khoa học cho thấy đã có những tiến bộ nhanh chóng trong việc biến nước biển thành một nguồn khai thác uranium hiệu quả.

Những cải thiện về công nghệ chiết xuất đã cắt giảm chi phí sản xuất xuống gần một nửa, từ khoảng 560 USD/ cân Anh uranium xuống còn 300 USD.

Đại dương là một nguồn uranium phong phú

Tiến sĩ Robin Rogers, Đại học Alabama (Mỹ), phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội Hóa học Mỹ ở Philadelphia mới đây rằng: "Các ước tính cho thấy đại dương là mẹ của quặng uranium. Uranium hòa tan trong nước biển nhiều hơn rất nhiều so với các mỏ uranium trên mặt đất được biết đến mà có thể khai thác. Song khó khăn luôn là nồng độ uranium trong nước biển rất, rất thấp, làm cho chi phí chiết xuất đắt đỏ. Nhưng chúng ta đang dần khuất phục được thách thức đó".

Kỹ thuật chiết xuất chuẩn, được phát triển ở Nhật Bản, sử dụng thảm bện sợi nhựa được nhúng với các hợp chất có thể "bắt giữ" được các nguyên tử uranium.

Mỗi thảm này có độ dài là 50 – 100 yard (tức khoảng 45,72m – 91,44m) và được thả xuống đáy biển ở độ sâu 100 – 200 yard (91,44m – 182,88 m).

Sau khi được kéo lên, tấm thảm được rửa bằng dung dịch axít nhẹ để thu hồi uranium.

Sau đó, chúng lại được ngâm vào nước biển và quy trình này có thể được lặp lại vài lần.

Do đó, công việc mới sẽ liên quan đến làm thế nào để sản xuất các phiên bản thảm và hợp chất thu hồi uranium rẻ hơn, hiệu quả hơn.

Nhóm nhà nghiên cứu do TS. Rogers dẫn đầu đang khám phá khả năng sử dụng vỏ tôm thải ra từ ngành công nghiệp chế biến thủy sản để sản xuất chất liệu thảm phân hủy sinh học.

TS. Erich Schneider, Đại học Texas (Mỹ), một diễn giả khác tại hội nghị, nói rằng mục tiêu là để biến uranium trong nước biển trở thành một sự hỗ trợ kinh tế bằng việc duy trì ngành công nghiệp điện hạt nhân.

Theo ông, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng để hoạt động trong khoảng 60 năm hoặc lâu hơn và là một khoản đầu tư khổng lồ. Cho nên trước khi cam kết xây dựng nhà máy điện hạt nhân, các hãng năng lượng phải đảm bảo họ có nguồn uranium đắt đỏ một cách hợp lý cho nhiều thập kỷ tới.

Tuy nhiên, khả năng khai thác uranium từ nước biển sẽ gỡ bỏ được rào cản thiếu chắc chắn về nguồn uranium khai thác trên đất liền. Ngoài ra, chiết xuất uranium từ nước biển cũng có nhiều lợi thế về môi trường. Bởi việc khai thác uranium truyền thống thải ra nước thải ô nhiễm và gây nguy hại cho sức khỏe của thợ khai thác.

An Nhiên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]