Nhiều phụ huynh nhất là phụ huynh ở các thành phố tỏ ra phẫn nộ vì cho rằng bài học kỹ năng sống này rất nguy hiểm cho con em họ. Họ cho rằng đây là một trò chơi rất dại dột. Nói chung là nhiều ông bố bà mẹ tuyên bố thẳng thừng không thể chấp nhận cho con em của mình tham gia vào cuộc thí nghiệm lòng dũng cảm này.

Thế rồi phụ huynh nói. Phụ huynh nói.

Thế rồi chuyên gia giáo dục xông vào...nói. Người khen, kẻ chê.

Thế rồi các tác giả bộ sách nhẩy ra thuyết trình.Tiến sĩ Phan Quốc Việt chủ biên cuốn kỹ năng sống này tuyên bố như đinh đóng cột:

“Tôi đã trải nghiệm nhiều lần, thậm chí cõng học sinh đi qua thảm thủy tinhkhông hề việc gì. Quản trị cảm xúc không thể thuộc lòng được mà phải trải qua thực tế”.
Ông tiến sĩ họ Phan này từng đi quảng bá những bài học về kỹ năng sống trong đó theo ông một kỹ năng rất cần rèn cho trẻ từ thơ bé là không sợ hãi tức là lòng dũng cảm. Ông nói:

“Dũng cảm là khi gặp sự cố bất trắc phải làm chủ được cảm xúc, nếu không thì sẽ không bao giờ có thể vượt khó được. Chúng tôi dạy trẻ trải nghiệm thực tiễn.”

Có một điều rất ngạc nhiên rằng, để làm dịu dư luận vốn đang rất nóng về kỳ thi tuyển đại học vừa qua, ngay sau khi có dư luận ầm ĩ, Bộ GD lập tức có công văn yêu cầu NXB GD nơi xuất bản cuốn sách này phải gửi ngay tường trình.

Thế đấy, sự ầm ĩ này phải chăng xuất phát từ chúng ta, từ cơ quan quản lý tới cơ quan truyền thông, các bậc phụ huynh đã phần nào cũng thiếu hụt... kỹ năng sống (có thể vì lâu nay chả có ai dậy), nên đã vội vàng xử lý không hề đúng trước một tình huống đó là trẻ đi trên thảm thủy tinh.

Người có giàu kỹ năng sống luôn phải biết trước một sự cố việc đầu tiên mình phải làm là gì?

Vâng, đúng nhất trong trường hợp này là người lớn chúng ta phải hỏi những đứa trẻ có thích với bài học trải nghiệm này không? Có dám đi như bé An không? Và đã thử đi chưa? Thấy thế nào?

Tiến sĩ Phan Quốc Việt và Trung tâm Tâm Việt của ông trước khi cho ra bài học này đã  cho thử nghiệm ở rất nhiều trường học.

Câu trả lời của đa số trẻ đã thử nghiệm trò chơi này là... thích.

Lúc đầu có đứa sợ.

Xuất hiện một vài đứa dũng cảm đi trước.Thấy bạn đi không sao thế là tất cả cùng đi. Rồi cười. Rồi hãnh diện.Vì mình đã làm được cái điều xưa nay nhiều người sợ.

Tôi, người viết bài này đã trực tiếp đi trên thảm thủy tinh vài lần của trò chơi thử lòng dũng cảm này, và không hề bị mất tẹo máu nào. Nhưng quan sát kỹ thì thấy rõ các mảnh thủy tinh trên thảm này đều có kích cỡ lớn, được sắp đặt khoảng cách rộng, các đầu nhọn, cạnh sắc đã được gia công mài phẳng. Có nghĩa là độ an toàn rất cao.

Thực tiễn trong cuộc sống thì mảnh bóng đèn, mảnh kính vỡ không hề được “mông má” cho màn “trình diễn” thì lại vô cùng nguy hiểm với bất cứ ai vô tình dẫm đạp lên nó chứ đừng nói gì mấy đứa trẻ.

Vậy thì, trong bài học kỹ năng sống rất thú vị và hấp dẫn trẻ này sách và những người hướng dẫn dứt khoát phải nói hết các trường hợp nguy hiểm khi gặp mảnh thủy tinh vỡ.
Kỹ năng sống  cần thiết cho một đứa trẻ ngoài lòng “dũng cảm” còn phải có “trí”, tức sự hiểu biết.

Nhiều em bé rất dũng cảm nhẩy xuống sông cứu bạn chết đuối đã bị chết đuối theo chính vì không được dậy đầy đủ kỹ năng của sự hiểu biết để từ đó đưa ra hành động nào thích hợp nhất.

Lưu Trọng Văn