Đục thủy tinh thể trẻ em: Dễ gây mù lòa

Không chỉ người già mới bị đục thủy tinh thể (TTT) mà trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh cũng bị bệnh này. Nếu không điều trị sớm, trẻ rất dễ bị mù.

15.6037

Bệnh lý thường gặp nhưng cha mẹ chưa biết

TS.BS Lê Thúy Quỳnh, phó trưởng khoa Mắt trẻ em, BV Mắt TƯ cảnh báo, đục TTT trẻ em là bệnh lý thường gặp nhưng rất ít phụ huynh nhận biết để đưa con đi khám.
 
Hậu quả, nhiều trẻ đến bệnh viện muộn khi thị lực đã rất kém hoặc không thể phục hồi. Thực tế, không chỉ người già mới bị bệnh mà trẻ nhỏ, kể cả trẻ sơ sinh vừa ra đời cũng bị mắc bệnh. 
 
Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây đục TTT bẩm sinh hoặc ở trẻ nhỏ từ 10 - 25% là do di truyền, còn lại là do nhiễm khuẩn trong thời kỳ người mẹ thai nghén, đặc biệt là các bệnh do virus (herpes, cúm, quai bị...), trẻ bị chấn thương hoặc bị các bệnh tại mắt (viêm màng bồ đào, glôcôm, bong võng mạc, u nội nhãn...) hoặc do các bệnh toàn thân (đái tháo đường, bệnh galactoza huyết, têtani, bệnh da...). Bệnh có thể ở một mắt hoặc cả hai mắt.

Theo BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt TƯ, khác với người lớn, đục TTT ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) gây cản trở lớn cho sự phát triển chức năng thị giác, thường dẫn đến nhược thị.
 
Khi phát hiện đồng tử (con ngươi) trong mắt trẻ có màu trắng đục, phải đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa để khám ngay bởi ngoài đục TTT, trẻ có thể mắc bệnh nguy hiểm khác là ung thư võng mạc.

Thuốc uống không có tác dụng

Điều đáng nói, theo BS Hoàng Cương, không thể có loại thuốc gì điều trị được bệnh này bởi thuốc không thể ngấm được vào TTT. Hơn nữa, cơ chế bệnh sinh của đục TTT lại rất phức tạp.
 
Do đó, theo TS Quỳnh, với bất kỳ loại đục TTT nào thì đều phải thực hiện phẫu thuật, lấy nhân đục ra và thay vào một TTT mới để phục hồi thị lực. Ở trẻ nhỏ, đây là phẫu thuật khẩn cấp để phòng nhược thị.
 
TS Quỳnh cho biết, đây là một phẫu thuật đạt kết quả cao, khoảng 95% phẫu thuật TTT ở trẻ em không có vấn đề gì, nhưng vẫn có thể xảy ra biến chứng gồm: Xuất huyết, nhiễm khuẩn, bong võng mạc và glôcôm.
 
Biến chứng nặng phải bỏ nhãn cầu rất ít gặp. Để tránh tai biến, dù mắt mổ lành rất nhanh nhưng trẻ cần được che mắt lại trong vòng 1 - 2 tuần để giữ cho trẻ khỏi những va chạm hoặc những chấn thương vào mắt.

Theo Thúy Nga - Khoa học và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]