Huy Tuấn: Làm sao “đập” được các nhà báo, nhưng…

15.6065

"Mặc dù tôi đã giải thích, nhưng khi về, cô nhà báo cho tôi ngay một cái tít đại loại là tôi đang “nhìn ngắm” giai nhân của người khác".

“Nhiều phóng viên thường nghe nhạc bằng tai người khác, xem phim thì ngóng cảm xúc của người khác, đợi xem đồng nghiệp viết theo hướng gì thì a dua. Vậy mà khi phim ra, họ cũng “đánh đập”, chương trình làm ra, họ cũng phê phán như ai” - Nhạc sĩ Huy Tuấn bày tỏ.

Thưa nhạc sĩ, anh đánh giá như thế nào về mối liên hệ giữa báo chí và các hoạt động nghệ thuật, chẳng hạn như với việc sản xuất phim, sáng tác nhạc của anh?

Tôi nghĩ rằng báo chí luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc thông tin cũng như định hướng dư luận, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, nơi mà ranh giới cái đẹp - xấu, hay - dở rất mong manh. Nhà báo là người truyền tải những thông tin đúng đắn, có tính định hướng, giáo dục hiệu quả tới cho bạn đọc.

Chỉ cần một vài thông tin mang tính chủ quan hoặc cá nhân là người phóng viên có thể làm mất đi công sức của rất nhiều người - một cách lãng xẹt, mất uy tín của những người làm nghề nghiêm túc. Hoặc, có thể tạo ảo tưởng nghề nghiệp, sự chủ quan cho một số nghệ sỹ trẻ - sự chủ quan và cẩu thả của báo chí đôi khi có thể làm hỏng một sự nghiệp của họ.

Hỏi thật anh, trong cuộc ra mắt phim mới Những nụ hôn rực rỡ, với những phóng viên được mời đến tham dự, anh kỳ vọng họ sẽ đưa thông tin gì đến cho độc giả?

Tôi cần họ có những phần phê bình sâu sắc về nội dung phim, phân tích đánh giá khách quan về cách làm phim cũng như đánh giá đúng sức công sức lao động của đoàn phim.

Chứ không phải là muốn bộ phim được PR rầm rộ với công chúng?

(Im lặng, không trả lời).

Anh sáng tác ca khúc Em là ai trong bộ phim Những nụ hôn rực rỡ vừa ra rạp, có câu "Tôi làm báo tin nhanh/ Nên cần vài luống rau xanh". Anh muốn “đả kích, châm biếm và đập” một số phóng viên và cho rằng họ buôn chuyện và chuyên xào nấu nên cần... rau cải?

Thực tế thì làm sao mà "đập" được các nhà báo và tôi cũng không có ý định này, chỉ là châm biếm một chút cho vui ngày tết thôi, chứ theo tôi nghĩ, có mấy nhà báo dám nhận mình là nhà báo không chân chính đâu.

Nếu thật sự mà có những nhà báo không vui vì hình ảnh của mình trong bài hát này thì tôi sẽ... rất vui đấy. Chính họ - những người vì bài hát này mà ghét tôi, thì đó chính là nhân vật mà tôi muốn đề cập đến. Và nếu có nhiều người giận thì càng tốt, vì như vậy, tôi cũng đã phản ánh đúng được một mặt trái của nghề báo. Các nhà báo đó đỡ phải tự phê bình chính mình rồi còn gì! Tôi không sợ những người này ghét, vì tôi không sống và làm việc bằng các trò vè, scandal.

Với địa vị một độc giả, anh hay đọc mục nào trên một tờ báo?

Tôi làm nghề này nên hay đọc tin về Văn hóa.

Những tin tức văn hoá nào anh quan tâm đến?

Tôi quan tâm tới tất cả những gì thuộc về văn hoá.

Bản thân anh từng lên báo nói rằng: “Thật  đáng buồn khi yếu tố làm nghề hay những vấn đề âm nhạc không mấy khi được động đến, trong khi đó những câu chuyện đời tư anh này yêu chị kia giống hệt nhau lại được khai thác hết năm này qua năm khác”. Giả sử cho Huy Tuấn làm mục văn hoá văn nghệ của một tờ báo thì anh sẽ mời độc giả những "món" gì?

Tất nhiên tôi hiểu rằng nếu chỉ có công việc, chuyên môn không thì đôi khi rất khô khan, nhưng không phải vì thế mà cứ hô hào hết báo này báo khác điệp khúc “trai gái” đăng tải đầy rẫy trên các báo. Vậy nên, mới cần các nhà báo có nghề - mà theo tôi được biết thì có không ít phóng viên chẳng biết gì về lĩnh vực mà họ viết, thử hỏi có bao nhiêu nhà báo có chút kiến thức về phim ảnh hoặc âm nhạc?

Nhiều phóng viên thường nghe nhạc bằng tai người khác, xem phim thì ngóng cảm xúc của người khác, đợi xem đồng nghiệp viết theo hướng gì thì a dua. Vậy mà khi phim ra, họ cũng “đánh đập”, chương trình làm ra họ cũng phê phán như ai.

Báo chí vẫn phê phán dạo này âm nhạc xuống cấp, ca từ thế này thế kia, chạy theo thị hiếu rẻ tiền…Tôi cũng thấy được hình ảnh này trong nghề báo, chỉ có điều là các bạn ít tự phê bình mình mà thôi. Tôi thật sự thấy phiền lòng khi thấy các nhà báo trẻ mới vào nghề mà cũng đã chạy mải mê “buôn bán”, xào nấu” như thể họ chỉ có mỗi một việc đấy để làm.

Nghe anh nói có vẻ bức bối quá, chắc anh mới bị một nhà báo nào đó cho "ăn quả tức" theo kiểu tương tự...

Mới đây, tôi gặp một cô nhà báo rất trẻ, vừa nhìn thấy tôi, câu đầu tiên là cô ấy hỏi là về chuyện quan hệ trai gái. Mặc dù tôi đã có lời giải thích, nhưng khi về, cô ấy đã cho tôi ngay một cái tít câu khách đại loại là tôi đang “nhìn ngắm” giai nhân của người khác. Tôi thấy họ mới vào nghề mà chẳng chịu trau dồi nghề nghiệp, lại đã vội vã chạy theo thị hiếu như thế thì một ngày kia họ sẽ mang theo cái hành trang gì, khi họ trưởng thành?

Cảnh trong phim Những nụ hôn rực rỡ.

Chuyện đời tư của văn nghệ sĩ không phải là hiếm trên các mặt báo hiện nay, thậm chí xu hướng giải trí còn xâm nhập cả những tờ báo được coi là chính thống. Chẳng lẽ, cứ tờ báo nào đề cập tới chuyện đời sống nghệ sĩ đều là lá cải?

Tôi nghĩ không nên vơ đũa đũa cả nắm, nhưng đúng là gần đây một số tờ báo mà tôi cho là khá nghiêm túc cũng đang có khuynh hương “lá cải” dần. Nếu ở phương Tây, thì đó là do đời sống văn hoá của họ. Bên cạnh những tờ báo chính thống thì họ có những tờ báo lá cải riêng. Ai cần gì thì sẽ chọn lấy cái phù hợp với mình, với văn hóa của mình để đọc. Họ không lẫn lộn - hẳn là như thế thì nó lại ra một câu chuyện khác.

"Cuộc sống riêng là của chúng tôi, chỉ muốn xin chút giây phút bình yên/ Chẳng hot girl, người mẫu, diễn viên, đừng có soi mói để chúng tôi sống bình yên!" - một câu khác trong bài hát. Vậy anh có cho rằng, liệu những tờ báo không chạy theo xu hướng giải trí, chuyện người nổi tiếng sẽ có nhiều độc giả, có sức cạnh tranh với báo khác?

Báo nào tôi cũng vẫn thấy có độc giả đấy thôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, kể cả những tờ báo chỉ chuyên đề cập chuyện hậu trường, nếu được làm với sự chuyên nghiệp thì nó cũng sẽ khác, chứ không phải vì chiều khán giả, mà cứ cho họ ăn mãi một món "rau cải". Nâng cao tầm hiểu biết và thưởng thức là trách nhiệm của những người làm báo.

Cũng như trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy, chẳng lẽ cứ đổ cho nhạc thị trường là làm bậy? Vẫn có cách để làm tốt những việc tưởng như tầm thường và điều đó phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của những người trong nghề.

Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]