Tình trạng rò rỉ khí gas gây ra cháy nổ làm thiệt hại người và của đang ngày càng phổ biến, chính vì vậy cách thức sử dụng gas như thế nào sao cho an toàn và hiệu quả là mối quan tâm của đông đảo bà nội trợ.

Theo tìm hiểu của các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất gas, nguyên nhân hơi gas bị rò rỉ ra ngoài có thể do: Vỏ bình gas không có xuất xứ rỏ ràng, có dấu hiệu bị mài mòn, cải tạo. Vỏ bình gas quá hạn sử dụng nhưng chưa được kiểm định lại; Thân, đáy, chỏm bình gas bị rỉ sét ăn mòn nhiều dẫn đến có thể bị lủng lổ kim gây xì hơi gas ra ngoài.

Ngoài ra, có thể do van điều áp, dây dẫn gas không có xuất xứ rõ ràng hoặc dây dẫn gas không thuộc loại chuyên dùng. Dây dẫn gas và van điều áp sử dụng quá lâu nhưng không được kiểm tra. Dây dẫn gas có dấu hiệu rạn nứt hoặc bị chuột cắn nhưng không phát hiện kịp thời.

Một số điều có thể dần đến tình trạng gas bị rò rỉ mà người tiêu dùng cũng cần cần lưu ý nữa đó là các điểm nối giữa van chai gas với van điều áp, van điều áp nối với dây dẫn gas và dây dẫn gas nối vào bếp không được siết chặt hay không được kiểm tra độ kín trong những trường hợp sau: sau khi lắp đặt bộ bình gas và bếp mới; sau khi thay bình gas; sau khi thay bếp gas; sau khi vệ sinh bếp.

Qua tìm hiểu cho thấy, có 3 hiện tượng thông dụng để người tiêu dùng có thể phát hiện ra tình trạng này đó là, ngửi thấy mùi gas (mùi bắp cải thối) hay hệ thống báo rò rỉ gas báo động bằng tiếng kêu hoặc vạch chỉ thị. Cũng có thể tại những điểm rò rỉ lớn có hiện tượng đóng tuyết tại vị trí đó (hiện tượng này thông thường người tiêu dùng khó phát hiện).

Điều đầu tiên mà người tiêu dùng cần lưu biết là, khí gas nặng hơn không khí, do vậy khi bị rò rỉ, nó sẽ chìm xuống dưới sàn, tạo hỗn hợp không khí ngay mặt sàn và đó là nơi nguy hiểm nhất cho cháy nổ. Khi đó, chỉ cần gặp tia lửa hay nguồn nhiệt thì chắc chắn sẽ xảy ra cháy nổ mãnh liệt.

Trong trường hợp khi gas chưa đủ để xảy cháy thì vẫn nguy hiểm cho con người. Vì gas xì ra sẽ chiếm chỗ của oxy, quanh khu vực bị ô nhiễm gas không đủ oxy phục vụ hô hấp sẽ dẫn đến ngạt hoặc nặng hơn là nhiễm độc khí gas.

Do đó, người tiêu dùng gas sử dụng nhà ống và đóng kín cửa, khi xảy ra hiện tượng xì gas, trước tiên có thể gây ngạt cho người vì gas nặng hơn không khí nên khi thoát ra ngoài thường có khuynh hướng bay là là xuống mặt đất. Nếu không phát hiện kịp thời, gas sẽ dần dần chiếm hết phần không khí trong nhà gây ngạt cho người.

Vì vậy, để khắc phục nguy cơ này, người tiêu dùng nên bố trí lỗ thông gió ở phần đáy tường nhà, hoặc khe thông gió bên dưới cửa ra vào, tốt nhất nơi gần bếp để gas thoát ra ngoài nhà. Sau đó hơi gas có thể gây ra cháy nổ nếu gặp lửa. Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ khi phát hiện có mùi gas, phải bình tĩnh và thực hiện các bước sau:

Nếu đứng gần bếp hoặc đang sử dụng bếp phải ngay lập tức khóa van bình gas và tắt bếp, tắt các ngọn lửa hở gần khu vực bếp. Sau đó mở cửa ra vào, cửa sổ cho thông thoáng. Nếu không sử dụng bếp và đứng gần cửa ra vào, cửa sổ thì nhanh chóng mở cửa thông thoáng và tìm cách đóng van bình gas. Có thể dùng quạt tay để quạt nhằm nhanh chóng làm giảm nồng độ hơi gas trong không khí xuống dưới giới hạn cháy nổ.

Tuyệt đối không thực hiện bất cứ động tác nào có thể gây ra tia lửa như bật hộp quẹt, đóng hoặc tắt các thiết bị điện như contact, cầu dao, aptomat, quạt điện .v.v. kể cả điên thoại di động.

Mọi người phải nhanh chóng ra khỏi vùng có mùi gas, vùng có nguy cơ cháy, nổ. Gọi điện thoại cho cửa hàng, đại lý gas cử nhân viên xuống kiểm tra, xử lý.

Về lâu dài, để tránh sự cố rò rỉ gas, người tiêu dùng cần lưu ý khi dùng gas cần chọn bình gas của những đại lý chính hãng, có tên tuổi. Bạn phải biết rõ cửa hàng gas nhà mình mua ở đâu, như thế nào, tránh trường hợp đó là sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu.

Người tiêu dùng cũng cần lưu ý hạn chế việc dùng nồi có đáy lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm. Không nên đun lâu và liên tục trong thời gian dài vì nhiệt độ của lửa sẽ ảnh hưởng đến bình gas khiến cho áp suất trong bình tăng lên, dễ chảy nổ khí gas hơn.

Đặc biệt, không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu cữu trong quá trình đu nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa… Nên đặt bình thấp hơn bếp, không đặt bình úp hoặc nằm ngang và sau 3 - 5 năm sử dụng nên thay ống, dây dẫn gas.

Theo Yến Nhi ( VnMedia)


Video đang được xem nhiều