Làm gì để trục xuất ô sin đang “tòm tem” bố chồng?

GiadinhNet - Bố chồng tôi goá vợ và có người tình - đó là osin nhà tôi.

15.6084

Lợi dụng chúng tôi đi làm cả ngày, hai người đã "quan hệ" ngay tại phòng khách. Ngôi nhà này là đồng sở hữu của vợ chồng tôi và bố chồng tôi. Do sợ con cái bị ảnh hưởng nên tôi muốn trục xuất osin nhưng bố chồng tôi kiên quyết phản đối. Vậy tôi phải dùng các biện pháp pháp lý nào để “tống cổ” cô osin trơ trẽn này?

          Nạm Lãm (Phúc Thọ, Hà Nội)

Trả lời:

Ngôi nhà mà gia đình bạn đang ở thuộc trường hợp sở hữu chung.

Điều 221 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định:

Điều 221. Chiếm hữu tài sản chung:

“Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, dựa theo quyền sở hữu tài sản để ra quyết định liên quan đến quản lý ngôi nhà mà đồng sở hữu khác không nhất trí thì không thể giải quyết được trên thực tế.

Nếu bạn là người trực tiếp thuê người giúp việc, thông qua Hợp đồng lao động bằng văn bản hoặc hợp đồng miệng thì bạn có toàn quyền chấm dứt hợp đồng lao động, yêu cầu người đó ngừng ngay thực hiện các công việc trong hợp đồng lao động, tuyên bố chấm dứt các quyền của họ, trong đó có quyền được tạo chỗ ở. Như vậy, vấn đề của bạn có thể được giải quyết bằng quy định của pháp luật thông qua việc thanh lý hợp đồng lao động.

Quan hệ giữa bố chồng bạn và người giúp việc có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của con cái bạn. Do đó, bạn cần cân nhắc, giữa những giá trị bị xâm hại từ mối quan hệ “ông chủ - ô sin” này và những mặt có được trong mối quan hệ bố chồng - nàng dâu, từ đó bạn sẽ tự quyết định. Trên thực tế, đã có một số trường hợp mà nàng dâu đã phải lựa chọn một trong hai giá trị trên.

Với tư cách là người con, người chồng, người cha, chồng bạn cần phải có chính kiến rõ ràng trước sự việc này, từ đó tiếp sức để bạn lựa chọn một quyết định sáng suốt, có tính đồng thuận cao dựa trên cơ sở củng cố hạnh phúc mọi mặt của gia đình và lợi ích của trẻ. 

Quan hệ tình cảm, thậm chí là quan hệ tình dục giữa bố chồng bạn và người giúp việc, pháp luật không điều chỉnh. Đây thuộc về phạm trù tình cảm, nằm trong ý thức của  con người, chỉ  đạo  đức mới  có  thể  tác  động  đến. Tuy nhiên, thật khó đưa ra một cơ sở để đánh giá một hành vi nào đó là trái hay không trái đạo đức xã hội để người thực hiện hành vi thừa nhận. Thực tế cả pháp luật và đạo đức đều có những hạn chế nhất định, luôn đi sau sự phát triển của xã hội hiện đại và đôi lúc không thể điều chỉnh hết các hành vi của con người.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]