Nổi tiếng + thị phi là cặp bài trùng

Mới đây, ca sĩ Tuấn Hưng văng tục với chương trình “Bài hát yêu thích”, sau đó “khiêu chiến” với ca sĩ Mỹ Linh khi bị đàn chị nhắc nhở - đó là cách hành xử thiếu văn hóa. Nhất là khi anh đang là huấn luyện viên của thí sinh "Giọng hát Việt". Cạnh đó là hình ảnh Lệ Quyên lạnh lùng, tỉnh bơ trước lời nhắc nhở của tiếp viên hàng không, cho con đi tiểu vào túi nôn của hành khách, gây mất vệ sinh trên máy bay.

Sau vụ cãi nhau với Đàm Vĩnh Hưng vì giành giật “gà”, ca sĩ Quang Lê lại gây sốc với hình ảnh chụp mình ngồi trên phần mộ của một nhạc sĩ nổi tiếng ở nước ngoài. Chính vì hành động này mà cư dân mạngném đá” ca sĩ Quang Lê dữ dội. Chỉ vì có tư thế ngủ “khó đỡ”, mà Hoa hậu Kỳ Duyên phải hứng chịu "bão" mạng không phút nào yên. Trước những lời chỉ trích đạo thiết kế, nhà tạo mẫu Đỗ Mạnh Cường đã mắng cộng đồng mạng là “đám thú điên”, “nhao nhao như sắp chết đói” và cũng bị nhấn chìm trong “tâm bão”. Chỉ vì một bức hình sơ sẩy mà Hồ Ngọc Hà bị thành viên web trẻ thơ tẩy chay vì “làm người thứ ba”.

Người nổi tiếng trong giới đã khổ, những người mới mon men vào thế giới nổi tiếng càng khổ hơn. Các nhân vật kiểu Lệ Rơi, Kenny Sang, Bà Tưng… sau khi được “bứng” lên từ cộng đồng mạng, đã bước vào thế giới showbiz và kết quả là cũng bị ném gạch đá vì “tài năng” tự phong, vì chuyện cởi áo, khoe giàu… Khi không biết mình ở đâu, những cú va đập và rơi trong giới showbiz trở thành chuyện bình thường, và các nhân vật nổi tiếng bất đắc dĩ đành phải lùi dần vào hậu trường kèm theo sự chế nhạo.

“Quan tòa” cư dân mạng

Có thể nói, ngày nay, cư dân mạng đã trở thành một thứ “quyền lực” không thua kém báo chí. Họ có quyền bày tỏ yêu ghét, phẫn nộ, tức giận trên Facebook và các trang mạng xã hội, các website trực tuyến. Khi cần, họ có thể nâng một nhân vật lên thành “thần tượng”, và ngược lại, có thể hạ bệ bất cứ ai nếu bị ghét. Chính ứng xử thiên vị, lệch lạc của cư dân mạng đã thổi bùng nhiều cuộc chiến, từ cuộc chiến giữa các fan ca sĩ, đến cuộc tẩy chay các ca sĩ mà họ cho không xứng đáng, rồi hàng trăm kiểu “dìm hàng”, “ném đá”, “quăng gạch”…

Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà - hai ca sĩ thu hút nhiều scandal.

Trước đây, sao yên ổn trong tháp ngà, thì ngày nay, họ cũng lao đao trước “quan toà” cư dân mạng. Một trong những người hay bị phán xét, làm gì cũng bị soi, là hoa hậu Kỳ Duyên. Từ nụ hôn của một học giả, đến tư thế ngủ, rồi chuyện đi làm từ thiện, cách ăn mặc. Ngay cả thời khắc cô vừa đăng quang cũng trở thành đỉnh điểm để dư luận ném đá chê nhan sắc không đủ tầm.

Hồ Ngọc Hà, Linh Nga cũng vướng vào cuộc tẩy chay của “quan tòa”, chỉ bởi một hai tấm hình “làm bằng chứng” tố cáo giật chồng người khác. Chỉ thông qua lời nói, hay một bức hình, những "quan tòa" này có thể làm diễn đàn sôi sùng sục vì bực tức, vì ghét bỏ… Ngay cả khi sao làm việc tốt, như làm tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh thi tốt nghiệp, thì người đó cũng bị "ném đá" vì không ít nhóm người ăn không ngồi rồi, đố kỵ…

Tuy nhiên, ai cũng biết, đằng sau cư dân mạng còn có những kẻ "ném đá" giấu tay, đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhãn hàng, mà các sao làm đại diện quảng cáo. Chính vì thế, không chỉ hình ảnh sao bị bêu xấu, mà cả nhãn hàng cũng phải lao đao và phải đánh giá lại nên ký hợp đồng quảng cáo với sao gặp tai tiếng hay không.

Truyền thông hãy ngừng ăn theo

Lần nào cũng có một nhân tố liên quan - truyền thông. Là bởi, ống kính của phóng viên chĩa tới đâu, ở đó tất có chuyện. Những bức ảnh có thể do cộng đồng mạng chụp, đã lan tràn rất nhanh, và được các phương tiện truyền thông chia sẻ, bình luận, đoán già đoán non. Tính dự đoán chính xác của báo chí đã được thay bằng tính nhanh, câu like của tin đồn. Tin đồn có đất sống nên càng sinh sôi nảy nở, mà không ai muốn tìm hiểu thực hư ra sao. Cứ là nhân vật “tin đồn” là được chú ý.

Chưa kể, ống kính còn dí vào những chỗ mà không ai hiểu nổi. Để tạo scandal, để có nhiều người đọc và bình luận, các trang mạng không từ nhân vật nổi tiếng nào, và có cách giật tít kinh hoàng.

“Thảm họa” ở đây là câu chuyện tình người, là việc khơi dậy sự tò mò, ác ý, các bình luận vô trách nhiệm về người khác, tính phán xét người khác không cần biết đúng, sai. Theo các nhà nghiên cứu xã hội học, nếu báo chí, truyền thông ngưng “ăn theo” scandal, ngưng đưa tin theo kiểu “đập bỏ” một cái tên, một cuộc đời, thì rất có thể, mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn khác.

CA SĨ ĐAN TRƯỜNG: “Ngay cả sự tự do ăn uống cũng không, bởi chỗ ngon thường đông người lui tới nên tôi đành phải chọn chỗ vắng người. Tôi cũng không được thảnh thơi mua sắm hay dạo phố bởi lúc nào cũng “sợ” người ta nhận ra mình”…

CA SĨ HỒ QUỲNH HƯƠNG: “Nổi tiếng chứng tỏ tôi đã được khán giả thừa nhận và biết đến. Nó cũng chứng tỏ những cố gắng nỗ lực trong công việc của tôi đã mang lại kết quả tốt. Ngoài những niềm vui ấy, xung quanh tôi luôn xảy ra những điều “um sùm”. Nhiều người cho rằng, tôi là một cô gái lắm chiêu, suốt ngày chỉ tìm những chiêu thức để được mọi người biết đến. Bản thân tôi cũng không biết vì sao mình lại bị như thế. Làm người của khán giả thật sự không phải là điều dễ dàng. Đã trót yêu và đam mê nghề nên đành phải chấp nhận, tôi xem đó như cơ hội để rèn giũa bản thân. Bù lại, tôi được nhiều khán giả tin tưởng suốt thời gian qua. Nổi tiếng là danh hiệu được ban tặng chứ không phải cái để tranh giành.”