Lê Khanh: 'Phải tập cách nghe những lời khen chê'

Căn nhà cổ ở 20 Phan Đình Phùng của chị là một không gian riêng biệt, ở đó có những bức vẽ và rất nhiều chân dung do chính chồng chị chụp, đẹp và sang trọng. Lê Khanh ngoài đời là một người nền nã và nhiệt thành với lo toan đời thường.

15.6004

NSND Lê Khanh trong vở "Bến bờ xa lắc".

- Nghệ sĩ thường không phục nhau, với chị thì thế nào?

- Chuyện này thường xuyên xảy ra nhưng không phải ai cũng vậy đâu. Làm nghệ thuật là phải hoàn toàn tự tin. Cái đó tạo nên cái duyên sân khấu. Nghề của tôi là nghề thực hành. Không thể phủ nhận mãi những thành quả của người khác khi họ được công chúng đón nhận. Nhưng cũng phải tập cách nghe những lời khen chê. Bây giờ, nói chung người ta ngại nói thật lắm. Nhiều khi người ta khen quá lên, khen cho mà chết, cũng nhiều khi chê nhau như tát nước đổ đi... Những lời chê đúng rất có giá trị. Nó làm ta khó chịu nhưng cũng làm ta thức tỉnh.

- Chị nói thích không khí của phim "Mùa hè chiều thẳng đứng", vậy đâu là cái được nhất của bộ phim?

- Tôi rất thích những câu thoại. Nhiều khi thoại trong phim VN làm ta thấy thiếu sự chân thực hoặc bị sáo rỗng, không thực tế. Không có lời thoại hay để người ta trầm trồ thì cần phải có những câu nói thật và đẹp, tạo cho người xem nhiều cảm xúc. Có ý kiến cho rằng đoạn thoại của mấy chị em trong ngày giỗ mẹ là bạo, là tục nhưng tôi thấy ngược lại. Bạn bè tôi ở nước ngoài khi xem phim đều thích đoạn thoại ấy. Bạo nhưng là cái thật, đó là cái đời sống thật mà thường ngày ta vẫn nói, nó dí dỏm và hấp dẫn. Điện ảnh phải phản ánh cuộc sống thật một cách chắt lọc. Chúng ta cứ trốn tránh cái thật nên toàn nói cái giả. Nếu gạt bỏ những chi tiết sống đó thì còn lại toàn cái giả vờ với nhau.

- Nhiều người nói rằng, vẻ đẹp tự nhiên chiếm đến 50% sự thành công của một nữ diễn viên, theo chị thì sao?

- Đẹp chỉ nhìn một tý là hết, đẹp là cái gì đó thoáng qua. Giống như khi ta đi ăn đặc sản vậy, mới đầu thì háo hức nhưng nếu ăn liền trong một tuần thì bạn sẽ vĩnh viễn không bao giờ muốn nghĩ đến nữa. Ngán lắm. Nghề diễn viên đòi hỏi cao hơn thế nhiều. Chỉ cần 5 phút xuất hiện trên sân khấu hay màn ảnh thôi, cái đẹp ấy mất giá trị, còn đọng lại là cái duyên, ấn tượng nhất định trong từng vai diễn. Chỉ qua vai diễn, con người của diễn viên mới đọng lại ít hay nhiều trong lòng khán giả.

- Chị đang ở trong giai đoạn truyền nghề?

- Tôi đã có nhiều cơ hội để lo cho sự nghiệp của riêng tôi. Bây giờ tôi muốn đem cơ hội ra giúp đỡ mọi người. Lớp tập huấn nghệ thuật biểu diễn do tôi đảm nhiệm là giúp các bạn diễn viên trẻ của Nhà hát có nhiều khả năng hơn, biết hát, biết múa để tận dụng nó, tạo ra sự sinh động cho vai diễn.

- Nhiều người nói sân khấu bây giờ buồn lắm, chị nghĩ sao?

- Sân khấu hiện tại gặp khó khăn vì phải lo cạnh tranh với các loại hình giải trí khác. Nhưng đây cũng là một cái buộc người nghệ sĩ phải bứt lên. Hiện tại hiếm kịch bản hay, đặc biệt là đề tài hiện đại, nếu có thì lại đi vào những éo le, trắc trở. Vì vậy, sự xuất hiện sân khấu hài là lẽ đương nhiên, nó là sự cân bằng. Cuộc sống càng ồn ào thì người ta càng cần tiếng cười nhiều hơn. Nhưng cười thế nào là đủ, đó lại là một vấn đề khác.

(Theo Văn Hóa và Cuộc Sống)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]