Một cách giảm áp lực thi cử

Các nhà nghiên cứu phân tích tâm lý cho biết các thí sinh khi ngồi trong phòng thi nhỏ, có số lượng người tham gia ít rất dễ tập trung làm bài, không bị sao nhãng và kết quả thi khả quan hơn

15.6065

Thời điểm này, mọi kỳ thi tuyển sinh (ở Anh) đã kết thúc. Các thí sinh thi đại học đang hồi hộp từng ngày chờ kết quả thi. Từ trước đến nay, mối bận tâm của xã hội về vấn đề thi cử là nạn gian lận, mà ít ai quan tâm đến việc những người trong cuộc phải chịu áp lực nặng nề như thế nào trong các kỳ thi.


Một nghiên cứu mới cho thấy trong phòng thi đông đúc, các thí sinh thường bị “khớp” về tâm lý và khó tập trung. Ảnh: GETTY IMAGES


Kiến thức, tự tin vẫn chưa đủ


Hãy thử đặt mình vào vị trí của một thí sinh trong phòng thi. Điều gì khiến chúng ta cảm thấy hồi hộp và lo lắng nhất? Tất nhiên, kiến thức và sự tự tin là những vấn đề quyết định đến kết quả thi. Tuy nhiên, mọi thứ không hoàn toàn là như vậy. Theo tạp chí The Economist (Anh), một nghiên cứu mới đây nhất của hai giáo sư Stephen Garcia thuộc Trường Đại học Michigan (Mỹ) và Avishalom Tor của Trường Đại học Haifa (Israel) đã chỉ ra rằng trong
một phòng thi đông người, tâm lý của các thí sinh thường bị “khớp” và rất khó tập trung để hoàn thành tốt phần thi của mình.


Để chứng minh cho điều này, hai nhà nghiên cứu đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm. Họ yêu cầu 74 sinh viên của một trường đại học tham gia vào một trò chơi về kiến thức tổng quát và yêu cầu các thí sinh hoàn thành càng sớm càng tốt. Họ đã chia số sinh viên này làm hai nhóm. Ở nhóm thứ nhất, sinh viên được thông báo rằng họ đang tham gia vào một cuộc thi mà ở đó chỉ có 1 “chọi” 10. Trong khi ở nhóm thứ hai, các nhà nghiên cứu thông báo mỗi sinh viên dự thi phải đương đầu với 100 người khác. Kết quả đưa ra trong cuộc thử nghiệm lần thứ nhất, những người thuộc nhóm nghĩ mình đang tham dự cuộc thi có tỉ lệ “chọi” thấp đã hoàn thành bài thi tốt hơn so với những người thuộc nhóm còn lại có tỉ lệ “chọi” 1/100.


Từ lần thử nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu phân tích tâm lý cho biết các thí sinh khi ngồi trong phòng thi nhỏ, có số lượng người tham gia ít rất dễ tập trung làm bài, không bị sao nhãng và kết quả thi khả quan hơn so với những người ngồi trong một phòng thi lớn có quá nhiều người tham dự.


Tâm lý bất ổn: Kẻ thù


Để kiểm chứng nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã tổ chức cuộc thử nghiệm thứ hai. Lần này, họ yêu cầu các sinh viên tưởng tượng mình đang ở trong một cuộc đua trên chặng đường dài 5 km. Và cũng như lần trước, các nhà nghiên cứu thông tin cho một số sinh viên biết họ đang tham dự một cuộc đua có tỉ lệ cạnh tranh 1/50, trong khi số còn lại được thông báo họ đang chạy đua với 500 người khác. Giải thưởng trong cuộc đua này là 1.000 USD. Và kết quả lần này cũng không khác gì lần trước. Những người nghĩ mình đang tham gia vào cuộc đua có tỉ lệ “chọi” 1/500 đạt thành tích không cao như những thí sinh còn lại.


Qua hai lần thử nghiệm, các chuyên gia rút ra kết luận: Trong môi trường thi cử có ít người tham dự thì tâm lý của thí sinh thoải mái hơn nên có thể tập trung tốt vào phần thi của mình hơn. Trong khi đó, những người ngồi trong một phòng thi lớn, có rất nhiều thí sinh tham dự, thường cảm thấy bị áp lực đè nặng và vì thế không có tâm lý thuận lợi để tập trung làm bài.


Áp dụng những khám phá trên vào môi trường làm việc nói chung cũng cho thấy hiệu quả tương tự. Các nhân viên, công nhân sẽ năng động và tích cực hơn nhiều trong một văn phòng chi nhánh nhỏ, còn ở những văn phòng lớn hơn thì không khí năng động và tích cực giảm thấy rõ.

Hoàng Kim
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]