Phòng tránh dị ứng thời tiết

Một số người có cơ địa mẫn cảm nên không chỉ khi ăn phải một số loại thức ăn hay thuốc mới bị dị ứng, mà ngay cả với những thay đổi của thời tiết cũng là nguyên nhân làm viêm mũi dị ứng, nổi mày đay, cảm cúm, á sừng…

15.593
Các chứng này thường chỉ điều trị tạm thời và hầu như không thể dứt điểm. Tuy nhiên, có những tác động để chúng ta làm giảm nguy cơ hoặc giúp tình trạng bệnh không bị nặng thêm.

Chẳng hạn như khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, đêm sang ngày, thay đổi hướng gió, gặp mưa... thì chúng ta rất dễ viêm mũi dị ứng, hen suyễn hoặc đau đầu. Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là hắt hơi hàng tràng, sổ mũi, mắt đỏ và ngứa, khô họng, ngạt mũi; nếu bị nặng có thể lên cơn khó thở, khò khè. Các biểu hiện này có thể tồn tại trong vòng 15-20 phút, sau đó giảm dần, nhất là khi nắng lên ấm áp thì giảm hẳn. Số cơn xuất hiện trong ngày tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu viêm mũi dị ứng đã trở thành mãn tính thì chỉ cần thay đổi thời tiết là xuất hiện, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Để phòng chống các cơn viêm mũi dị ứng hay hen suyễn, cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với các dị nguyên (phấn hoa, bụi, khói, lông chó, mèo,…), giữ ấm cơ thể và không khí thở. Trong những ngày lạnh nên mặc ấm và giữ ấm đầu; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là giường ngủ. Hạn chế làm việc ở môi trường ẩm thấp, nhiều bụi. Không trồng cây xanh hay đặt hoa tươi trong phòng ngủ.

Nhiều người cứ đến mùa đông, ra gió lạnh hay ngồi quạt là bị nổi ban mày đay. Ở mức độ nhẹ, trên da xuất hiện một vài chấm nốt, chỉ trong một thời gian ngắn từ một đến vài giờ là mất. Nặng hơn là các đám nhỏ, lớn với hình thù tròn, bầu dục, hình bản đồ... rất ngứa, có thể làm thâm da. Có trường hợp các bóng nước hoặc loét bong da làm tổn thương niêm mạc mắt, mũi, miệng, hậu môn… gây nhiễm trùng da. Thậm chí gây phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp, có thể dẫn đến tử vong.

Với việc nổi ban mày đay cần lưu ý là khó phòng tránh bằng cách dùng thuốc. Do vậy, những người hay bị nổi mày đay khi thời tiết thay đổi cần tránh lạnh, tránh gió, không tắm mưa, mặc quần áo ấm. Cũng không nên mặc quần áo quá chật gây cọ xát da gây nổi mày đay tại chỗ.

Bệnh á sừng gặp ở nữ nhiều hơn nam và thường ở những người có cơ địa mẫn cảm với thời tiết. Bệnh thường nặng về mùa đông nhưng ở một số người bệnh lại nặng về mùa hè. Biểu hiện của á sừng là các vết nứt làm da hằn sâu, thậm chí nứt xuống, bong vảy để lại một nền da đỏ, bóng và thường rất ngứa lẫn đau.
Muốn phòng bệnh á sừng thì cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, kiêng xà phòng, nước rửa chén, dầu gội đầu, các chất tẩy rửa.
Bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]