Giúp trẻ tránh dị ứng khi thời tiết bất thường

Trong các loại dị ứng ở trẻ thì dị ứng đường hô hấp thường gặp nhất. Ở tình trạng này, trẻ mất khả năng cảm nhận mùi tạm thời, nhức đầu và mệt mỏi, mắt thâm quầng hoặc chảy nước mũi và thường đi kèm với bệnh viêm mũi dị ứng

15.6009

Dị ứng thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, đầu hè hay mùa thu, đặc biệt là khi thời tiết diễn biến bất thường. Biểu hiện dị ứng thường gặp ở trẻ em là viêm mũi dị ứng, suyễn, phát ban và những vấn đề bất thường về da. Các bậc phụ huynh cần biết cách để giúp trẻ phòng tránh dị ứng, nhất là dị ứng đường hô hấp để không tái phát thường xuyên và gây hậu quả nặng hơn.


Trong những ngày qua, do thời tiết diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhi được gia đình đưa đến khám tại
Bệnh viện Nhi Đồng 2 - TPHCM cũng tăng cao. Ảnh: K.HƯƠNG

Nhiều nguyên nhân tiềm ẩn từ phòng ngủ


Trong các loại dị ứng ở trẻ thì dị ứng đường hô hấp thường gặp nhất. Dị ứng đường hô hấp xảy ra nhiều dạng với các triệu chứng như ngứa, chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi hay ngứa ngáy ở mũi làm cho trẻ cứ quệt mũi bằng tay. Ở trong tình trạng này, trẻ mất khả năng cảm nhận mùi tạm thời, nhức đầu và mệt mỏi, mắt thâm quầng hoặc chảy nước mũi và thường đi kèm với bệnh viêm mũi dị ứng.


Một trẻ bị dị ứng có thể ngủ ngáy và thức dậy với một cơn đau họng, thở bằng miệng và hay quệt mũi bằng tay. Những triệu chứng của dị ứng đường hô hấp thường giống với cảm cúm  thông thường nhưng tồn tại lâu hơn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do những hạt bụi trong không khí bị ô nhiễm hoặc phấn hoa, côn trùng, nấm mốc trong nhà và lông thú.


Dị ứng thường di truyền trong gia đình, phổ biến nhất là tình trạng viêm mũi dị ứng. Cha mẹ bị viêm mũi dị ứng thì con cũng thường bị dị ứng. Viêm mũi dị ứng hình thành trong con người từ khi còn nhỏ nên có thể bộc phát ở bất kỳ độ tuổi nào. Các bậc phụ huynh có thể tìm ra nguyên nhân tình trạng dị ứng đường hô hấp ở trẻ bằng cách ghi nhận thời điểm xuất hiện của các triệu chứng, thường xảy ra vào cùng khoảng thời gian nào trong mỗi năm (mùa xuân, đầu hè hay mùa thu), có thể liên quan đến cây cỏ hay bụi phấn hoa.


 
Cách phòng tránh 


Những dị ứng tồn tại dai dẳng thường do bụi bặm, nấm mốc trong nhà hay lông thú. Dị ứng với súc vật như chó mèo thì dễ phát hiện vì các triệu chứng sẽ biến mất khi trẻ tránh xa con vật

Cách phòng tránh tốt nhất là không cho trẻ chơi với đất và phấn hoa, tránh cho trẻ hít khói bếp, khói nhang. Không dùng thuốc xịt phòng, nước hoa, nhang muỗi, thuốc khử mùi, các loại hóa chất có thể gây dị ứng trong nhà. Người lớn không hút thuốc trong nhà để tránh cho trẻ ngửi phải khói thuốc.

 
Những trường hợp tìm ra nguyên nhân dị ứng và tránh xa những nguyên nhân này là biện pháp tốt nhất ngăn chặn sự tái xuất hiện các triệu chứng dị ứng. Nếu các triệu chứng biểu hiện quanh năm và liên quan đến bụi thì nên lưu ý giữ phòng ngủ của trẻ càng sạch càng tốt vì đó là nơi trẻ ở nhiều nhất. Tránh sử dụng thảm trải nhà và các vật dụng trong nhà phủ vải vì chúng thường bám bụi. Tránh dùng mền gối bằng len. Thường xuyên giặt giũ drap giường, đồ dùng phòng ngủ bằng nước ấm.


Nếu các triệu chứng dị ứng biểu hiện quanh năm và trở nên tệ hơn vào lúc thời tiết mưa ẩm, trở lạnh thì có thể chúng liên quan đến nấm mốc, do đó, nên giữ nhà cửa thông thoáng và khô ráo. Có thể sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để loại bỏ bào tử nấm trong không khí nhưng nhớ thường xuyên thay và làm sạch bộ phận lọc. Thường xuyên cọ rửa bề mặt phòng tắm và nhà bếp bằng chất tẩy rửa để chống lại sự sinh trưởng của nấm mốc.


Nếu những triệu chứng biểu hiện rõ ràng và có liên quan đến phấn hoa thì cửa ra vào và cửa sổ phải luôn đóng, đặc biệt là cửa phòng ngủ của trẻ vào ban đêm. Hạn chế trẻ đến những nơi có nhiều hoa. Chó mèo cũng có thể mang phấn hoa vào nhà nên nếu trẻ dị ứng với súc vật nuôi thì không nên cho chó, mèo vào phòng ngủ của trẻ. Tốt nhất là giúp trẻ tránh xa súc vật nuôi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa (Bệnh viện Nhi Đồng 1- TPHCM)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]